Kyiv công bố điều kiện hòa bình với Moscow

16/11/2022 06:27 GMT+7

Tổng thống Volodymyr Zelensky gọi thắng lợi tại Kherson đánh dấu “khởi đầu cho sự kết thúc cuộc chiến” và công bố kế hoạch hòa bình cho Ukraine, trong khi phương Tây tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Kyiv.

Ngày 14.11, Tổng thống Zelensky có chuyến thăm bất ngờ đến Kherson, thành phố chiến lược mà Ukraine vừa lấy lại quyền kiểm soát từ Nga. “Chúng ta đang tiến về phía trước. Chúng ta sẵn sàng cho hòa bình, hòa bình trên toàn lãnh thổ”, Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo.

Kế hoạch hòa bình của Ukraine

Sau đó, phát biểu trực tuyến trước Hội nghị G20 tại Bali (Indonesia), ông Zelensky trình bày một loạt các điều kiện mà theo ông cần thiết để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. Theo đó, ông tuyên bố Nga phải tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút quân khỏi lãnh thổ nước này và bồi thường cho những tổn thất kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24.2. “Sẽ không có thỏa thuận hòa bình Minsk-3”, nhà lãnh đạo nhấn mạnh.

Xem nhanh: Ngày 264 chiến dịch, Nga có bước tiến nhỏ ở Donetsk, Mỹ tin chiến sự Ukraine sẽ giảm vì mùa đông

Đức và Pháp đã làm trung gian cho ký kết hai thỏa thuận Minsk-1 và 2, lần lượt trong hai năm 2014 và 2015, nhằm tiến tới chấm dứt cuộc xung đột ở miền đông Ukraine giữa phe ly khai do Nga ủng hộ và chính quyền Kyiv. Cả hai bên đều tố cáo lẫn nhau đã vi phạm hai thỏa thuận trên. Trước tuyên bố của Tổng thống Zelensky về thỏa thuận hòa bình Minsk-3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng đây là bằng chứng xác nhận Kyiv không quan tâm đến viễn cảnh nối lại đàm phán với Nga, theo TASS.

Ảnh chụp tên lửa Uragan bị tịt ngòi ở một khu vực bị bom đạn tàn phá tại Kherson hôm 14.11

AFP

Cùng ngày, lực lượng Ukraine ở miền nam ghi nhận quân Nga đang tái tổ chức các đơn vị và tiếp tục thiết lập các phòng tuyến dọc theo bờ đông của sông Dnieper sau khi rút khỏi bờ tây, bao gồm TP.Kherson. Còn ở miền đông, Viện Nghiên cứu chiến tranh (trụ sở Washington D.C, Mỹ) phân tích rằng việc Nga bổ sung lực lượng ở khu vực này có thể báo hiệu chiến sự sẽ leo thang xung quanh TP.Bakhmut và phần phía tây Donetsk, báo The Guardian đưa tin.

Phương Tây tăng tốc hỗ trợ Ukraine

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết chính quyền Berlin sẽ thiết lập trung tâm ở Slovakia nhằm phục vụ cho công tác bảo trì và sửa chữa những loại vũ khí mà nước này chuyển giao cho Ukraine.

“Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận và công việc có thể tiến hành ngay tức khắc, cho phép toàn bộ vũ khí và phương tiện cung cấp cho Kyiv có thể được sửa chữa sau khi được đưa khỏi khu vực chiến sự”, AFP dẫn lời bà Lambrecht tại cuộc gặp với những người đồng cấp EU ở Brussels. Bên cạnh đó, Berlin cũng có kế hoạch huấn luyện khoảng 5.000 lính Ukraine tại Đức.

Mỹ cân nhắc gửi UAV uy lực cho Ukraine

Trong khi đó, Đài CNN dẫn lời hai giới chức Mỹ giấu tên tiết lộ Washington đang cân nhắc thực hiện những điều chỉnh cần thiết đối với dòng máy bay không người lái (UAV) vũ trang MQ-1C Gray Eagle trước khi có thể chuyển giao cho Ukraine. Trước đó, Kyiv từng đề nghị Lầu Năm Góc cung cấp MQ-1C, mang theo tối đa 4 tên lửa Hellfire, để hỗ trợ cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, Washington từ chối vì lo ngại dòng UAV này có thể bị bắn rơi và cho phép Nga tiếp cận công nghệ tối tân của Mỹ.

Cũng trong hôm qua, EU thúc giục các thành viên tiếp tục bổ sung vũ khí cho Kyiv. Ông Josep Borrell, Cao ủy về chính sách đối ngoại EU, đề nghị các nước phối hợp để cùng thực thi nỗ lực trên, tránh xảy ra tình trạng cung cấp chồng chéo và đảm bảo chất lượng, giá cả tốt nhất, theo Reuters.

Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo khối liên minh không nên phạm sai lầm khi đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Nga, bất chấp những thành công gần đây của Ukraine trên các mặt trận. Tại cuộc họp báo chung với quan chức chính phủ Hà Lan ở The Hague ngày 14.11, ông Stoltenberg dự đoán những tháng sắp tới sẽ thật sự khó khăn cho Ukraine và NATO không được phép lơi lỏng cảnh giác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.