Kyo York đến Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 2009, theo dự án sinh viên Mỹ dạy tiếng Anh cho thanh niên ở tỉnh Hậu Giang và nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống người Việt.
Kyo cho biết khi lưu diễn ở nước ngoài, lúc nào anh cũng hát bằng 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh |
nvcc |
Sau khi chương trình kết thúc, Kyo York chọn ở lại TP.HCM để sinh sống. Cùng với niềm đam mê âm nhạc, tiếng Việt cũng như tinh thần học hỏi không ngừng, chàng trai Mỹ sinh năm 1985 này đã có bước ngoặt bất ngờ khi đi hát và trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp.
Ở Việt Nam, từ nhiều năm nay, Kyo York là cái tên quen thuộc với công chúng. Sau hàng loạt các album, single, dự án âm nhạc dài hơi, mới đây, Kyo York ra mắt MV nhạc trữ tình Ngày xưa Hoàng Thị, hát cùng ca sĩ Ánh Tuyết. Tiếng hát của chàng ca sĩ ngoại quốc lại một lần nữa làm xao xuyến người nghe bằng cách luyến láy, thổi cảm xúc vào từng ca từ.
Ngày xưa Hoàng Thị là một trong những dự án "dài hơi" của Kyo York. Sau Ánh Tuyết, Kyo sẽ kết hợp với Siu Black và nhiều giọng ca đã từng hát cùng anh trước đây để tiếp tục dự án nhạc xưa, nhạc trữ tình Việt Nam.
Chuyên được "giao" cho bài khó
Ngày xưa Hoàng Thị là một ca khúc thách thức cả ca sĩ người Việt khi muốn thể hiện. Nhạc phẩm này có làm khó anh?
- Ca sĩ Kyo York: Đây có lẽ là bài hát mà Kyo phải thu lâu nhất trong sự nghiệp của mình, kéo dài 6 tiếng đồng hồ, từ trưa tới tối. Ca sĩ Ánh Tuyết là người chỉ bài cho Kyo. Chị chỉ dạy từng chút, từ cách luyến láy cũng như cảm xúc của bài hát, để Kyo hát ra chất hơn.
Không biết đây có phải là "may mắn" của Kyo không khi mà, trong suốt sự nghiệp, lúc nào cũng được “giao” cho bài khó, những bài nặng ký. Ví dụ, những bài dân ca Việt Nam như là hát quan họ, dân ca Nam bộ, dân ca Tây Bắc... và bây giờ là Ngày xưa Hoàng Thị.
Hình ảnh trong MV Ngày xưa Hoàng Thị của Kyo và Ánh Tuyết |
nvcc |
Thật sự, lúc đầu, Kyo rất sợ vì nghĩ mình sẽ không bao giờ hát được. Bản thân Kyo là người từng học về thanh nhạc thì Kyo hiểu là, có những cái mình có thể hát na ná như vậy nhưng ở Việt Nam có nhiều thể loại âm nhạc thuộc về bẩm sinh, nằm trong máu người Việt.
Với một người nước ngoài, sinh sống tại Việt Nam 10 năm như Kyo, mình không muốn bị so sánh. Khi mình rất nghiêm túc với nghề mà bị công chúng chê thì Kyo rất sợ. Cho nên mỗi lần nhận bài khó, Kyo đều dốc hết sức để làm tốt nhất có thể.
Ở một khía cạnh khác, với tư cách là một người nước ngoài 100% đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, hoạt động nghệ thuật và được công chúng công nhận thì Kyo cảm nhận là, người ta phải tôn trọng mình thì mới giao cho mình bài khó như vậy.
Quá trình thu âm, tập luyện những bài hát này cũng giúp Kyo mở rộng thêm khả năng hát tiếng Việt. Từng bài hát khó cũng như từng khó khăn trong sự nghiệp, cuộc sống đều là bài học để Kyo ngày càng tốt hơn, hát được nhiều thể loại âm nhạc hơn.
Quá trình tập luyện một bài hát khó của anh thế nào?
- Mỗi lần nhận bài, cái khó lớn nhất là về phát âm và nhớ lời. Ngày xưa thì khá vất vả, mất khoảng 10 ngày. Sau 10 năm, giờ nhận bài, Kyo chỉ mất khoảng 2 ngày để nhớ lời. Về phát âm, không quá gây khó khăn cho Kyo như trước. Kyo có những bậc thầy về phát âm và sẵn sàng giúp mình.
Thường khi nhận một bài hát, Kyo sẽ tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh lịch sử của ca khúc đó như thế nào. Sau khi nắm được hoàn cảnh nhạc sĩ sáng tác bài hát, Kyo sẽ đọc lời để hiểu câu chuyện rồi bắt đầu nghe giai điệu để cảm được ca từ. Tất cả những bài mà Kyo hát đều là những bài làm cho Kyo rung động.
Phố cổ Hội An trong MV Ngày xưa Hoàng Thị |
nvcc |
Tuy nhiên, có một bài mà Kyo bị ám ảnh và không hát được. Đó là bài Khi cha già đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Lúc nhận bài đó, ba của Kyo mắc bệnh mất trí nhớ. Mỗi lần hát là Kyo bị xúc động quá nên không hát được.
Việc thu âm cũng không đơn giản. Với một ca sĩ, có rất nhiều yếu tố bên ngoài ảnh hưởng tới giọng hát. Cho nên phải ăn, ngủ đầy đủ, có sức khỏe mới vào phòng thu được. Đó là quá trình tập luyện một bài hát của Kyo.
Khi tập một ca khúc Việt, anh có nghe những ca sĩ người Việt từng hát bài hát đó và có bị ảnh hưởng bởi họ không?
- Kyo luôn nghĩ, những người đi trước là tiền bối. Việc nghe họ hát sẽ giúp mình có kinh nghiệm trong cách hát. Cho nên khi hát bất cứ một ca khúc nào thì Kyo sẽ lục lọi hết mạng xã hội để nghe tất cả các ca sĩ đã từng hát bài đó.
Với Kyo, không có người hát hay cũng không có người hát dở, chỉ có người hát theo cách riêng của mình. Mỗi người sẽ có một màu sắc riêng trong chiếc cầu vồng nghệ thuật.
Việc nghe họ hát, mình sẽ mượn được cái hay của người này, học được cái hay của người kia. Mình chịu ảnh hưởng một chút để học hỏi kinh nghiệm từ các ca sĩ khác, nghiên cứu và tạo ra chất riêng của mình. Khi vào phòng thu, mình sẽ tự tin hơn để thể hiện bài đó.
Ba của Kyo được ở một viện dưỡng lão cao cấp
Ở Việt Nam, Kyo York là người của công chúng, còn khi về Mỹ thì sao?
- Kyo đã đi lưu diễn rất nhiều nơi trên thế giới cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Gần nhất Kyo đi diễn ở Nam California, Mỹ. Kyo bất ngờ khi mình bước xuống phố thì được nhiều người nhận ra. Đó là điều mà Kyo không nghĩ tới ở đất nước mình. Đó là dấu hiệu cho thấy, những gì Kyo làm đã để lại ấn tượng tốt trong lòng người Việt Nam.
Đặc biệt, khi lưu diễn ở nước ngoài, lúc nào Kyo cũng hát bằng 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh. Kyo ý thức được rằng, những người Việt sinh sống ở nước ngoài, không phải ai cũng giỏi tiếng Anh. Hoặc họ đã cưới vợ, cưới chồng là người ngoại quốc. Hoặc họ có những đứa con lai. Kyo muốn phần trình diễn của mình hài hòa giữa 2 ngôn ngữ.
Có những lần, Kyo biểu diễn ở Paris, Kyo hát bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Nói chung, Kyo quan tâm tới thị hiếu khán giả và cảm xúc khi họ đi xem một show âm nhạc để đáp ứng nhu cầu của họ. Hiện tại, Kyo có thể hát tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Anh và một chút tiếng Tây Ban Nha.
Thời gian gần đây, Kyo đã về Mỹ để chăm sóc ba bị bệnh mất trí nhớ. Hiện tại sức khỏe của ông thế nào?
- Ba mẹ Kyo chia tay lâu rồi, từ lúc Kyo 13 tuổi. Hiện giờ, ba của Kyo đang ở viện dưỡng lão cho người mất trí nhớ. Ba của Kyo có dấu hiệu suy giảm trí nhớ từ năm 59, 60 tuổi và càng lúc bệnh càng nặng. Từ lúc đó tới nay là 8 năm rồi. Sức khỏe thì ổn nhưng trí nhớ ngày càng xuống.
Ở Việt Nam, có nhiều thế hệ sống trong một căn nhà, mọi người có thời gian cho gia đình nhiều hơn nên sẽ dễ dàng để chăm sóc người lớn tuổi khi họ đổ bệnh. Và khi nhắc tới viện dưỡng lão, người ta ác cảm nhưng ở Mỹ thì không phải như vậy.
Hiện tại, Kyo có thể hát tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Anh và một chút tiếng Tây Ban Nha |
nvcc |
Viện dưỡng lão ở Mỹ là nơi đảm bảo ba sẽ an toàn, sẽ có người chăm sóc chu đáo. Hai anh của Kyo đều có gia đình và rất nhiều việc. Chưa kể bệnh mất trí nhớ rất nguy hiểm, phải có người chăm sóc 24/24, nếu không sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
Ở Mỹ, viện dưỡng lão cũng tùy thuộc vào khả năng kinh tế của từng gia đình, sự hỗ trợ của phúc lợi xã hội. Ba của Kyo được ở một viện dưỡng lão cao cấp nhất trong xã hội Mỹ hiện tại.
Từ 2017 đến giờ, trừ 2 năm dịch, Kyo có nhiều show ở Mỹ. Mỗi lần được mời show thì Kyo đều kết hợp về thăm gia đình. Trong một năm, Kyo về Mỹ 6 lần. Kyo chủ động dành thời gian cho gia đình nhiều hơn bằng cách đó. Đi làm và về thăm nhà.
Từ tháng 9.2021-3.2022, Kyo đã dành trọn 6 tháng cho gia đình ở Mỹ. Mình cảm thấy 6 tháng đó là khoảng thời gian rất đẹp vì vừa được ở gần gia đình, được giúp ba, giúp mẹ.
Kyo về, ba vẫn nhận ra nhưng tùy theo ngày. Có những ngày, ba tỉnh táo và nhớ hết. Có những ngày, ba không nói được một câu, giống như người ở thế giới khác.
Cảm ơn Kyo York đã chia sẻ!
Bình luận (0)