Tại châu Á, hải quân Mỹ triển khai 16 tàu phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện diện thường xuyên tại Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực phía tây. Một trong số đó là tàu khu trục USS Stethem, thuộc lớp Arleigh Burke, chịu trách nhiệm theo dõi, dò tìm và nếu cần thiết thì bắn hạ tên lửa xuất phát từ CHDCND Triều Tiên. Cách đó vài ngàn km, 2 tàu khác thường trực ở Địa Trung Hải, cẩn thận theo dõi mọi động tĩnh từ Iran, đồng thời sẵn sàng đợi lệnh từ Nhà Trắng trong trường hợp Tổng thống Barack Obama quyết định can thiệp vào Syria. Theo AP, các chiến hạm trên, bao gồm cả tàu khu trục và tàu tuần dương, cấu thành nên lớp thứ nhất trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
|
Lá chắn di động
Để đối phó cái gọi là “nguy cơ hiển hiện” từ Iran và Triều Tiên cũng như nguy cơ tiềm tàng từ tên lửa Trung Quốc, Mỹ ra sức chi đậm cho các thế hệ tàu chiến được trang bị hệ thống radar Aegis công nghệ cao cùng hàng chục bệ phóng tên lửa. “Chúng cung cấp khả năng cơ động cao. Không giống các hệ thống lá chắn trên bộ như Patriot hay THAAD, các tàu phòng thủ trên có thể dễ dàng di chuyển đến bất cứ nơi nào xảy ra khủng hoảng”, AP dẫn lời Đô đốc Bill Gortney, Tư lệnh Các lực lượng hạm đội Mỹ tại Norfolk nhận xét.
|
Chuyên gia an ninh Anthony Cordesman thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington cho hay hệ thống tàu mới cung cấp một lớp phòng thủ nhanh chóng, bất ngờ và không bị giới hạn trên toàn thế giới. Chúng cũng là vũ khí lợi hại để Mỹ dễ dàng hỗ trợ các đồng minh thân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc và Israel trước những cuộc tấn công. Điểm yếu của các lá chắn di động này là chi phí đắt đỏ và cần được nâng cấp thường xuyên, từ cảm biến, radar đến tên lửa. Chẳng hạn, phải mất trung bình 45 triệu USD nếu muốn nâng cấp tàu chiến với hệ thống radar Aegis của Hãng Lockheed Martin và tên lửa SM-3 của Raytheon.
Cung không đủ cầu
Trong khi mỗi nhiệm vụ của hầu hết tàu tuần dương và khu trục Mỹ chỉ kéo dài khoảng 6 tháng rưỡi và sau đó trở về cảng nhà nghỉ ngơi hơn 3 năm, thời gian hoạt động của tàu phòng thủ tên lửa phải đến 7 tháng rưỡi trong khi chỉ nghỉ được khoảng 2 năm, theo AP. Sức ép hiện luôn đè nặng lên đội tàu chiến lược này vì hiện hải quân Mỹ không có đủ tàu phục vụ nhu cầu tại các khu vực trọng điểm.
Tính tổng cộng, hải quân Mỹ đang sở hữu 28 tàu phòng thủ tên lửa đạn đạo, 16 chiếc ở Thái Bình Dương và 12 chiếc triển khai Đại Tây Dương. Con số trên dự kiến sẽ tăng lên 30 chiếc vào cuối năm 2018. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tiến hành các bước để đẩy mạnh khả năng tấn công của những tàu chiến dạng này bên cạnh chức năng phòng thủ. Chẳng hạn hệ thống SM-3 có thể bắn hạ tên lửa tầm ngắn lẫn tầm xa, trong khi tên lửa hành trình Tomahawk sẵn sàng tấn công các mục tiêu chiến lược mà không cần triển khai chiến đấu cơ.
Thụy Miên
>> Báo Triều Tiên kêu gọi ký Hiệp ước hòa bình với Hàn Quốc
>> Triều Tiên muốn đàm phán về Kaesong
>> Triều Tiên cho phép doanh nhân Hàn đến Kaesong
>> Triều Tiên xây khu trượt tuyết “tầm cỡ thế giới”
>> Ly kỳ chuyện lính Mỹ đào ngũ sống tại Triều Tiên
Bình luận (0)