Là phụ nữ, đừng đánh giá thấp mình!

08/03/2019 12:28 GMT+7

Câu của miệng của nhiều người bà, người mẹ là “Làm phụ nữ khổ lắm!” hay “Nghiệp nặng lắm mới làm đàn bà”! Chính cách nghĩ này khiến phụ nữ luôn cho rằng mình phải chịu thiệt thòi.

Những người mẹ truyền thống thường  hay nói với con gái là phụ nữ khổ đủ đường. Nào là mang nặng đẻ đau không ai có thể sẻ chia vì “đàn bà đi biển mồ côi một mình”; nào là vất vả nuôi con, dạy dỗ con cái; rồi bươn chải mưu sinh… Đã thế nếu không may gặp chồng không đàng hoàng lại càng khổ hơn! Những hình ảnh đó cùng những định kiến ràng buộc người phụ nữ khiến từ nhỏ, bé gái đã tự cho mình là người yếu thế, luôn “vui sau niềm vui của đàn ông, lo trước nỗi lo của đàn ông”…

Sự thật, làm phụ nữ có “khổ” đến thế không?

Quyền để làm đẹp

Có một câu nói bất hủ thường hay được nhắc đến :”Không có phụ nữ xấu. Chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp”. Người ta gọi phụ nữ là phái đẹp nên làm đẹp, được đẹp là quyền mà người phụ nữ cần thực hiện.

Không nhất thiết phải trang điểm cầu kỳ, không cần phải quần áo thời trang. Làm đẹp trước hết phải gọn gàng, sạch sẽ, ưa nhìn, phù hợp, tạo ấn tượng tốt về diện mạo bên ngoài với người nhìn.

Nói về tâm lý, nếu đàn ông làm đẹp thì còn có ý kiến này ý kiến khác, chứ còn phụ nữ làm (một cách bình thường và chính đáng) thì không ai phê phán. Vậy tại sao phụ nữ không sử dụng quyền này để thật sự trở thành phái đẹp.

Cách nhìn nhận của một nữ sinh THPT về vấn đề này cho thấy người trẻ ngày nay suy nghĩ đã thoáng hơn. Một lần tôi có  dịp trao đổi về chuyện học hành, sinh hoạt trường lớp… với một cô học sinh lớp 12 ở một trong những ngôi trường tốp đầu của TP.HCM. Câu chuyện dẫn dắt đến thành tích học tập của nữ sinh so với nam sinh. Cô học sinh này cho rằng bạn gái học giỏi nhưng đừng làm cho mình xấu. Tại sao cứ phải cột tóc hờ hững, cẩu thả mà không chịu cột gọn gàng lên cao? Cũng đeo mắt kính vậy tại sao không chọn kính phù hợp với gương mặt, màu sắc trang nhã mà lại tạo hình ảnh”mọt sách” chán chường?

Suy nghĩ của nữ sinh ở độ tuổi 17-18 cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhở cho những phụ nữ thường quên mình đang là phái đẹp nên cần phải đẹp!

Phụ nữ hay quên mình đang là phái đẹp nên cần phải đẹp (ảnh Đào NgọcThạch)
Thiên chức không ai thay thế được

Phụ nữ thường sẽ là vợ, là mẹ. Và đây là một đặc ân của riêng phụ nữ cho đến thời điểm này (vì không biết tương lai với sự phát triển của công nghệ, của y học thì điều này có thay đổi không?).

Có hạnh phúc nào hơn khi được mang trong mình bào thai bé bỏng! Điều gì có thể đánh đổi được cảm giác nhẹ nhõm, yên bình khi đứa con ra khỏi bụng mẹ sau hàng giờ vật lộn với đau đớn tưởng chừng như không thể chịu đựng được? Sự yên ả, hạnh phúc nào bằng mỗi khi cho con bú mẹ? Niềm hạnh phúc, sung sướng nào có thể so sánh khi lần đầu tiên nghe con gọi mẹ, nhìn thấy những bước chập chững đầu tiên của con?... Và còn bao nhiêu cảm xúc khác mà chỉ có những người phụ nữ, người mẹ mới cảm nhận được trong những năm tháng dài vất vả nuôi con và nhìn con trưởng thành.

Nhiêu cảm xúc, tình cảm chỉ người phụ nữ mới cảm nhận được khi làm mẹ ( ảnh Shutterstock)
 Đừng tự tạo rào cản cho mình

Trong cuốn sách Lean in (Tựa tiếng Việt là Dấn thân) của Sheryl Sandberg, Giám đốc Điều hành Facebook, bà cho rằng phụ nữ phải đối mặt với nhiều rào cản rõ ràng trong công việc, bị phân biệt đối xử lộ liễu hay tinh vi, bị quấy rối tình dục…

Trong công việc cũng như đời thường, chúng ta thấy rất rõ định kiến này. Nó sâu thẩm, bén rễ trong tâm thức đến mức người ta không nghĩ rằng đó là định kiến. Chẳng hạn chắc chắn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu một hôm nào đó đi taxi mà tài xế là một phụ nữ. Nếu nam giới làm lãnh đạo thì ai cũng xem đó là chuyện bình thường nhưng với nữ luôn có sự dè dặt, chừng mực. Nam giới làm tốt một việc nào đó là đương nhiên nhưng nếu phụ nữ thì thường sẽ có thêm bình luận thể hiện sự bất ngờ. Định kiến này càng thể hiện rõ khi mới đây trong một phiên tòa xử ly hôn, chủ tọa phiên tòa đã công khai khuyên người vợ rằng hãy lui về chăm sóc gia đình, con cái thay vì bước ra ngoài làm kinh doanh. Vì thế, định kiến nếu vượt quá sẽ trở thành sự miệt thị, coi thường phụ nữ.

Nhưng phụ nữ không chỉ bị những ràng buộc từ bên ngoài. Trong cuốn sách Lean in, bà Sheryl Sandberg cũng thừa nhận: “Bên cạnh những rào cản bên ngoài do xã hội dựng nên, phụ nữ còn bị ngăn cản bởi hàng rào bên trong chính bản thân họ. Chúng ta tự giữ chân mình theo cách này hay cách khác, do thiếu tự tin, do không dám giớ tay và tự kéo mình về phía sau trong khi đáng ra phải tiến về phía trước. Chúng ta tiếp thu những thông điệp tiêu cực đến với mình trong cuộc đời- những thông điệp cho rằng chúng ta không nên lớn tiếng, thể hiện uy quyền hơn nam giới. Chúng ta tự hạ thấp kỳ vọng về khả năng của mình. Chúng ta vẫn tiếp tục giành lấy công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Chúng ta chấp nhận hạ thấp mục tiêu sự nghiệp của mình…”.

Dù bạn làm nghề gì, cũng cần nỗ lực hết sức để phát triển bản thân (ảnh Shutterstock)
 Bà mẹ Hàn Quốc Hesung Chun Koh nuôi dạy cả 6 người con đều trở thành tiến sĩ của ĐH Harvard, ĐH Yale của Mỹ và nắm những vị trí cao của các trường ĐH danh tiếng. Khi trao đổi với giới truyền thông về bí quyết nuôi dạy con cái thành công, bà cho rằng đầu tiên phụ nữ đừng hy sinh bản thân vì con cái, cần biết phát triển bản thân. Bà nói: “Dù bạn làm nghề gì, cũng cần nỗ lực hết sức để phát triển bản thân. Để nuôi dạy con tốt, đầu tiên chúng ta phải nâng cao năng lực của mình”.

Trước khi để xã hội xóa bỏ định kiến  thì mỗi người phụ nữ cần tự giỡ bỏ rào cản trong chính bản thân mình. Nói như bà  Sheryl Sandberg: “Chúng ta sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu chung  là bình đẳng thật sự khi từng phụ nữ dấn thân tiến tới”.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.