Lá thư gửi bố - Truyện ngắn dự thi của Lê Thị Hồng Vân

26/10/2024 10:00 GMT+7

Gửi bố của con!

Lần này con sẽ không viết là gửi bố thân yêu như các thư trước nữa. Bố có biết tại sao không? Tại vì viết như thế chỉ là một thói quen từ khi mẹ nói con nên tập viết thư cho bố, những dòng thư đầu tiên của con là nhờ mẹ đọc cho con viết. Sau này, những bức thư thành khuôn mẫu khi mà con cứ gửi bố thân yêu rồi kể qua quýt, sơ sài những việc xảy ra ở trường, ở lớp hay ở nhà.

Con cũng không biết con lười viết thư cho bố từ lúc nào nữa. Tại vì con nghĩ đây là một phương thức liên lạc lẩm cẩm và lạc hậu nhất, nó chỉ phù hợp với thời của ông bà, bố mẹ. Chứ đến thời của con, ngày nào bố chẳng gọi điện về, đã thế khi gọi lại còn hỏi mãi những câu như con ăn cơm chưa, con đang làm gì đấy, ở nhà có chuyện gì không? Nhiều lúc con cảm thấy các cuộc gọi điện của bố rất phiền luôn. Mà đã gọi nhiều như thế, thì việc viết thư con thấy chẳng cần thiết nữa. Con đã định không viết, nhưng mẹ rất kiên quyết bắt chị em con phải cố gắng mỗi tuần viết cho bố một lá thư mới được. Mẹ nói, đọc thư sẽ thấy tình cảm hơn là gọi điện hay nhắn tin, với lại bố thích đọc thư của cả nhà hơn. Thành ra, cả nhà lại tiếp tục viết, nhưng chắc chỉ có mẹ là thích viết thôi, vì mỗi lần viết thư mẹ đều ra góc hiên ngồi dưới giàn hoa giấy, suy nghĩ rất lâu mới ngồi nắn nót viết. Còn con và em chắc chỉ viết cho xong việc, nên lá thư của đứa nào cũng chỉ hơn một mặt giấy là đã chào bố rồi ký tên, lo đi học bài hoặc đi chơi. Con và em Tùng luôn nói với mẹ là bận học, nhưng thật ra do chị em con lười thôi bố ạ!

Con cũng chẳng biết nên viết lá thư này cho bố như thế nào nữa. Nhưng cứ nghĩ đến đâu thì con viết vậy bố nhé. Bố biết tại sao lần này con lại viết thư khác với các lần trước không ạ? Chắc chẳng phải vì con nhớ lá thư tuần này của bố chưa đến tay con, mà con biết, giờ này bố cũng chẳng có thời gian để viết cho con một thư như mọi lần, vì bố đang cùng đơn vị chống lũ phải không bố? Con phải cảm ơn cái thói quen viết thư mà mẹ đã bắt chị em đều đặn mỗi tuần phải viết cho bố, để bây giờ khi muốn tâm sự với bố, con mới có một phương thức để không cần ngần ngại. Lạ thật bố nhỉ. Con đã luôn ghét viết thư, vì thời đại 4.0 rồi, có gì chỉ cần bấm điện thoại gọi video, gửi tin nhắn thoại, không thì nhắn vài câu có phải nhanh và tiện lợi hơn cái phương thức vừa cổ lỗ, vừa tốn thời gian lại lâu nắm được tin tức như này không? Nhưng bây giờ con hiểu được cảm giác khi để tâm vào để viết thư nó như thế nào rồi, nó chẳng như con gõ vài dòng tin nhắn trả lời nhanh chóng câu hỏi đã ăn chưa, đang làm gì? Mà bây giờ con phải cân nhắc không biết nên nói như thế nào, nên viết ra sao cho bố hiểu được những điều con muốn nói. Cái cảm giác cắn bút để sắp xếp câu từ, rồi mường tượng ra cả cảm xúc của bố khi nhận được thư cũng khiến con hồi hộp. Có lẽ đấy là cái hay của việc viết thư mà con chưa từng cảm nhận qua bố ạ.

Thật ra, bố vắng nhà thành quen. Nên khi bố được nghỉ phép về, nhiều lúc con thấy bố phiền phức và phép tắc lắm lắm. Con còn nghĩ lúc tụi con còn nhỏ, cần bố đưa đón, cần bố ở nhà mỗi ngày thì không thấy, bây giờ tụi con lớn rồi cần tự do thì bố cứ thích đặt ra quy tắc: nào là phải về nhà ăn cơm, khi ăn không được dùng điện thoại, không được tắm khuya, phải có giờ sinh hoạt chung của gia đình sau khi ăn chứ không được lên phòng ngay... phiền chết đi được. Bố có nhớ lần bố về phép lần trước không? Bố chở con đi học hôm thứ hai đầu tuần, bố giúp bà cụ bán rau cột lại rau, dọn hàng nên chở con đến chào cờ trễ ấy. Khi tới cổng trường thì trường con đang cử hành nghi lễ chào cờ nên bố vội dựng xe, không cho con chạy ùa vào mà bắt con đứng nghiêm ngoài cổng để chào cờ cùng bố. Hôm ấy con giận bố lắm, vì bố đã làm con bị trễ chào cờ, lại còn phải đứng chào cờ với bố, thật chả giống ai. Mấy cô bán hàng còn phì cười vì có ai bắt chào cờ ở ngoài cổng đâu, với lại lúc đó bố đang nghỉ phép, có phải trong đơn vị đâu mà bố lại nghiêm túc thế. Bố luôn nói đó là quy tắc, là quy định của pháp luật, chỉ cần nghe Quốc ca vang lên thì người dân đều phải đứng lại và thực hiện nghi lễ, mà con thì thấy chỉ có trường học, cơ quan và quân đội mới cần nghiêm túc thế thôi.

Mỗi lần bố về là mình lại phải chia phe, bố với mẹ một phe "bảo thủ", con và em một phe "tiến bộ". Ăn cơm xem thời sự là y như rằng ý kiến bố con mình trái chiều nhau, nhưng nhờ bố về nên con và em mới để ý đến thời sự, còn nếu không, bữa cơm có ba mẹ con sẽ yên ắng lắm. Mà nhờ có thời sự và nghe bố nói chuyện về chiến lược đấu tranh ngoại giao khi ký hiệp định Paris, con mới được 9 điểm môn lịch sử khi thầy giáo mở rộng kiến thức liên hệ đấy. Hôm ấy con về định khoe bố, nhưng nghĩ đến chuyện con bị trễ chào cờ, nên con không khoe bố nữa.

Lá thư gửi bố - Truyện ngắn dự thi của Lê Thị Hồng Vân- Ảnh 1.

ẢNH: TUẤN MINH

À, mà thật ra con viết thư này là do con thấy hình ảnh những ngày bão lũ vừa qua. Bố biết không, đến lúc nhìn thấy những hình ảnh đau thương của người dân miền Bắc trong mưa lũ, nhìn thấy sự vất vả của bố cùng đồng đội đang cố gắng giúp đỡ người dân trong bão lũ con mới cảm nhận hết được sự cần thiết của yêu thương. Đến đoạn này, con không thể diễn tả hết được nỗi sợ hãi cũng như sự tự hào, yêu thương của con dành cho bố, cho các đồng đội của bố và cả những người dân ở vùng lũ. Vì có nói bao nhiêu cũng không đủ. Nhìn cảnh tượng bày ra trước mắt, con cảm thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Con xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần hình ảnh những người chiến sĩ đi cứu trợ người dân trong bão, nước mắt con chảy ra khi biết những người chiến sĩ đi cứu hộ có thể gặp nguy hiểm. Con thấy mẹ, thấy em suốt ngày dán mắt vào ti vi, điện thoại để xem tin tức, để nhìn từng đoạn video xem có thấy bóng hình quen của bố hay không. Dòng tin nhắn của bố trước khi có lũ là hôm mùng 8 tháng 9, "Bố và đơn vị đi chống bão, ba mẹ con ở nhà chú ý an toàn. Nhớ lắng nghe thời sự và không được chủ quan, nếu có lệnh di dời phải lập tức nghe theo thông báo của chính quyền địa phương". Những dòng tin của bố lúc gấp bao giờ cũng nghe như ra lệnh, khô khan chứ chẳng như những bức thư tràn đầy tình cảm, lúc nào cũng mở đầu bằng chữ "yêu quý", kết thúc bằng "nhớ thương". Và giờ đây, khi nhìn thấy qua màn ảnh nhỏ những nỗ lực để cứu người của bố cùng các đồng đội, con mới hiểu vì sao những tin nhắn của bố lại ngắn gọn như vậy. Con hiểu được nước mắt của mẹ mỗi khi nghe tin có người hy sinh vì bão, có lẽ đến lúc này con và em mới thấm được phần nào nỗi lo lắng của người đợi tin người thân. Em Tùng luôn ở bên mẹ vỗ về, nói mẹ không sao đâu, bố chưa có tin là vì bố và mọi người bận chống lũ thôi, sẽ không có việc gì đâu. Nói vậy thôi chứ cả em và con đều không ngừng lo lắng cho bố. Mẹ cũng vậy, chỉ cố gắng không khóc trước mặt con và em khi xem thời sự, nhưng con biết, khi khuya, mẹ thắp nhang để cầu khấn ông bà, lúc đó mẹ lại khóc nhiều lắm đấy. Chỉ đến khi nhận được dòng tin nhắn ngắn ngủi, "Đơn vị anh không sao, vẫn đầy đủ người, cả nhà an toàn chứ?" của bố thì tảng đá đè nặng lên ba mẹ con mới được dỡ xuống.

Có lẽ, nếu không có trận lũ lịch sử lần này, con sẽ hoàn toàn coi nhẹ sự vắng nhà của bố. Bố biết không? Con và em Tùng xem những video thì ít, đọc comment thì nhiều, lần đầu tiên con cảm được sâu sắc tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc qua những câu chữ ngắn gọn như thế. Tất cả đều là lời cảm ơn những "anh bộ đội cụ Hồ", tất cả đều là những lời yêu thương hướng về miền Bắc, là những lời tự hào vì mình là người Việt Nam. Đến cả những bạn bè của con, ngày thường chỉ thấy nói về ca sĩ, về diễn viên, về phim ảnh thì những ngày này cũng hướng về vùng lũ, những câu chuyện hợp thời của tụi con bỗng dưng chỉ xoay quanh tin tức, chỉ trọn những lo lắng về sự bình yên của vùng đất xa lạ nhưng cùng một tiếng Việt Nam.

Việc lướt xem tin tức mỗi ngày đã thành quen, nên facebook của con khi đó chỉ toàn cảnh cứu trợ và tin tức lũ lụt. Hôm trước, con nhìn thấy trên clip một người nào đó chia sẻ tin. Chỉ là dòng tin ngắn thôi bố ạ. "Con trai gọi điện: Bố ơi, nước ngập vào nhà rồi. Bố xin đơn vị về hộ mẹ chuyển đồ không nước ngập hỏng hết mất", con không nhớ rõ lắm phần trả lời, nhưng con kéo xuống thấy hàng nghìn comment. Người người chia sẻ chuyện nhà, rồi thấy những dòng tin nhắn: Bố bận đi chống bão, con và mẹ không biết bơi thì nhớ lấy băng dính, dính thật chặt bình nước hết để làm phao con nhé, cho hết lúa ngô lên trần nhà nếu chạy không kịp, khóa cửa lại để đồ đạc không bị trôi mất, luôn theo dõi chuyển biến của bão để kịp chạy lên chỗ cao nhất, an toàn nhất; con phải thật dũng cảm con nhé, con đã tám tuổi rồi... Bố biết không? Đọc những lời đó con tràn nước mắt vì từ lúc nào tám tuổi đã trở thành người lớn, tám tuổi đã có thể cáng đáng hết mọi việc. Và bố biết không, ở dưới những chia sẻ kia là biết bao nhiêu lời động viên và cảm ơn. Mọi người vào cảm ơn cô ấy, cảm ơn những người vợ của các chiến sĩ bộ đội vì đã chia sẻ người chồng, người cha của con mình cho nhân dân vùng lũ. Con cho mẹ đọc tin này, mẹ cũng chảy nước mắt. Mẹ kéo xuống đọc mãi những lời cảm ơn của mọi người, và còn đọc to cho con nghe câu cảm ơn của người đăng bài, mẹ nói: "Đó là tâm trạng của tất cả những người vợ lính. Đã chọn chồng theo nghiệp lính thì phải chịu được vất vả, phải đợi chờ và thay chồng gánh hết phần việc còn lại thôi. Người ta nói hậu phương vững chắc là vậy đấy con, thời chiến hay thời bình thì người lính và cả vợ con người lính đều là người phải sẵn sàng".

Có lẽ, chưa có một bài học nào khiến con thấm sâu như đợt lũ lần này, "tình quân dân như cá với nước", "đi dân nhớ, ở dân thương" là những từ mọi người hay nói đến khi nhìn thấy màu áo lính. Đến bây giờ con mới ngẫm thấy hai tiếng "đồng bào" gói ghém biết bao nhiêu là tình cảm, những bài học lịch sử mà con thường kêu chán ngắt, những câu văn mà con hay nói rằng chỉ có ca ngợi giờ hiện ra trong con với rất nhiều ý nghĩa. Và bây giờ, con cũng biết con không cần gọi là bố thân yêu như mọi thư khác nữa, con chỉ cần gửi bố của con, một người bố mà con tự hào san sẻ với mọi người. Bởi có những điều chẳng cần phải nói, như yêu thương cứ tĩnh lặng chảy qua ngày, như bố vẫn là bố của con và như mọi người dân đều tự hào hai tiếng Việt Nam, con tự hào mình là con gái của bố, bố ạ.

Lần này thư đã dài thật dài rồi. Con vẫn chưa thể nói hết những điều con muốn nói. Nhưng con mong, lá thư sẽ kịp đến tay bố khi bố về đến đơn vị, và lá thư sẽ giúp bố vơi bớt mỏi mệt.

Tái bút: Con chỉ muốn nói thêm là cảm ơn bố đã là bố của con, và cảm ơn bố đã chọn một công việc đầy vất vả và tự hào đến vậy. Cả nhà yêu bố rất nhiều ạ.

Lê Vân

Lá thư gửi bố - Truyện ngắn dự thi của Lê Thị Hồng Vân- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.