Lại bàn chuyện đặt hàng 'tác phẩm văn học đỉnh cao'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/12/2021 06:45 GMT+7

Đặt hàng tác phẩm văn học là nội dung được nhiều người nói đến khi đưa ra giải pháp phát triển văn học Việt Nam.

Không để “suy dinh dưỡng” văn học

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá rất cao việc Bộ VH-TT-DL sẽ cùng với Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. Trong đó, văn học - lĩnh vực mà ông Khoa gắn bó cũng là một phần quan trọng.

Tại hội nghị “Lấy ý kiến và đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước, phát triển văn học” do Bộ VH-TT-DL tổ chức chiều 9.12 ở Hà Nội, ông Khoa cho rằng đây là việc làm để “chống suy dinh dưỡng” văn học, văn hóa.

Tại hội nghị, những đánh giá về quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn học cũng được đưa ra. Hội Nhà văn Việt Nam hiện có 1.151 hội viên. Báo cáo tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 cho thấy trung bình trong 5 năm mỗi nhà văn xuất bản 3 đầu sách. Mặc dù vậy, một số cuộc thi của các hội chuyên ngành một vài năm nay đã không tìm được tác phẩm để trao giải. “Đội ngũ viết văn hiện nay tương đối đông, song chủ yếu là cây bút nghiệp dư”, Bộ VH-TT-DL đánh giá.

Những cuốn sách từ Tủ sách văn học trong nhà trường

NXB Kim Đồng

Cũng trên cơ sở đó, Bộ VH-TT-DL mong muốn thúc đẩy sự phát triển của văn học. Bộ cũng xây dựng kế hoạch tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị định về văn học. Có 3 đề án được Bộ dự kiến thực hiện, là: Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021 - 2025; Giải thưởng văn học quốc gia (giai đoạn 1 từ 2021 - 2023, giai đoạn 2 từ 2024 - 2025) và Phát triển tài năng trẻ về văn học. Cũng phải nói thêm, hiện tại nhân sự quản lý văn học của Bộ VH-TT-DL gồm một phòng thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn với 1 phó trưởng phòng và 3 chuyên viên.

Ông Vương Duy Biên, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật, cho biết trước đây từng công tác ở Bộ VH-TT-DL và biết Bộ có nhiều đề án đã duyệt, nhưng không thực hiện được. Ông Biên điểm danh: đề án xây dựng cơ sở vật chất cho văn học nghệ thuật, đề án đưa các tác phẩm ra quốc tế, đề án đầu tư văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số, văn học nghệ thuật dân gian… “Nhiều đề án chúng tôi xây dựng rồi. Bây giờ chúng ta nên cân nhắc, giả sử Chính phủ có ký duyệt đề án, rồi chúng ta có kinh phí thực hiện không. Hay là lại cứ ký rồi không thực hiện được”, ông Biên nói.

Đặt hàng đúng cách, đầu tư hiệu quả

Ông Biên cũng cho rằng đề án “Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021 - 2025” nên đặt thành “Đầu tư hiệu quả cho sáng tác và lý luận phê bình văn học”. “Đặt ra việc nâng cao năng lực, thì hết nhiệm kỳ này năng lực có nâng cao được không. Theo tôi, đề án là Đầu tư hiệu quả cho sáng tác và lý luận phê bình văn học, thì nó an toàn”, ông Biên nói.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, độc giả Việt Nam rất cần đọc tác phẩm văn học Việt Nam

chụp màn hình

Ông Biên cho biết mình quan tâm nhất đến cơ chế chính sách và việc phát triển tài năng thế nào. Ông đồng tình với việc củng cố cơ chế đặt hàng tác phẩm. Tuy nhiên, phải thực hiện khác trước. Nếu trước đây cứ mở trại sáng tác dàn đều, người đi giao lưu là chính thì bây giờ phải có thêm kiểu đặt hàng khác. “Chọn người năng lực uy tín đã thành công, mời đến đặt. Ví dụ đặt anh Nguyễn Quang Thiều cuốn tiểu thuyết nhân 50 năm chiến tranh kết thúc, đặt anh Trần Đăng Khoa làm tác phẩm về nông nghiệp như Đất vỡ hoang… Nghĩa là nghệ sĩ thành danh làm tác phẩm theo yêu cầu của chúng ta. Hoặc mở trại sáng tác theo yêu cầu như lần này mở cho người viết về lực lượng vũ trang, lần sau mở cho người viết về đề tài lịch sử. Đổi mới và mạnh dạn đầu tư mới có tác phẩm tốt”, ông Biên nói.

Ông Biên cho rằng cần có cú hích về giải thưởng. “Phải có một hệ thống giải thưởng. Anh em nghệ sĩ cũng xì xào giải thưởng bèo bọt, trong khi giải ngoài xã hội lại khác. Ngay cả nhà nước, giải khuyến khích văn học nghệ thuật ở TP.HCM là 30 triệu đồng, trong khi giải vàng quốc gia chỉ 7 triệu. Hồi năm 1990, một tập đoàn tổ chức giải thưởng đã từng trao 5.000 USD”, ông Biên nói.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng nên thay đổi cách đầu tư. Hiện tại thời gian tổ chức trại sáng tác ngắn, trong khi trước đây có khi là 3 - 4 tháng. Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam cũng có thể đề xuất và kêu gọi nhà văn đã có đề cương tham gia sáng tác có tài trợ đặt hàng. Rõ ràng, Hội Nhà văn Việt Nam với 11 ủy viên ban chấp hành, 5 ban chuyên môn với 50 nhà văn thuộc các ban chuyên môn sẽ làm tốt việc này hơn là chỉ 4 nhân lực Phòng Văn học của Cục Nghệ thuật biểu diễn. “Chúng tôi biết người sáng tác ở đâu, người nghiên cứu tác phẩm thế nào”, bà Huệ nói.

Điều này cũng trùng với ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Theo đó, đề án do Bộ VH-TT-DL xây dựng rồi giao cho các hội văn học nghệ thuật thực hiện, Bộ chỉ là giám sát. Cùng lúc, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói: “Đại lộ đúng chuyển động đúng, đại lộ sai thì chuyển động sai, đại hội hẹp thì chật chội… Chúng tôi cũng có những phần hoạt động giống đề án này. Nhưng chúng tôi cần sự lãnh đạo của Bộ VH-TT-DL. Bộ không phải là người thực thi mà các hội làm việc đó”.

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết ông vui mừng khi các đại diện của Hội Nhà văn Việt Nam đồng tình với việc cần xây dựng đề án văn học nghệ thuật và đưa nó vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng văn hóa. “Đây là giải pháp cơ chế chính sách để văn học nghệ thuật phát triển. Chúng ta bước đầu đồng tình với nhau là như vậy”, ông Hùng nói. Cũng theo ông Hùng, việc soạn thảo đề án sẽ giao cho Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật chủ trì. Bộ cũng phân công thêm Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Vicas và Phòng Văn học Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng soạn thảo. Việc hoàn thiện sẽ làm dần dần thông qua các hội thảo góp ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.