Lại đề xuất đánh thuế lãi gửi tiết kiệm

16/09/2017 07:59 GMT+7

Kiến nghị đánh thuế thu nhập cá nhân với các khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm vừa được luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico) đưa ra với Bộ Tài chính làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.

Kiến nghị này được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến sửa 5 luật do Phòng Công nghiệp - Thương mại VN (VCCI) tổ chức mới đây.
Gửi 3 tỉ trở lên phải chịu thuế ?
Luật sư Trương Thanh Đức lý giải, đối với người gửi tiết kiệm chỉ có vài chục triệu đồng hay thậm chí lên cả tỉ đồng vẫn không tính là nhiều. Tuy nhiên với những người gửi tiết kiệm lên mức hàng chục tỉ đồng thì đó nên gọi là tiền đầu tư. Ví dụ một cá nhân có tiền lãi gửi tiết kiệm hằng năm lên hơn gấp đôi mức thu nhập chịu thuế quy định hiện nay thì đây là khoản tiền lớn. Theo quy định hiện hành, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 108 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân cao hơn 200 triệu đồng thì cần phải vào diện nộp thuế. Với mức lãi suất khoảng 7%/năm thì có được số tiền này, cá nhân sẽ phải gửi ngân hàng (NH) khoảng 3 tỉ đồng trở lên.
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Cũng giống như quy định tính thuế TNCN 5% đối với cổ tức hiện nay thì với số tiền gửi trên 3 tỉ đồng cần phải xem xét thu thuế tương tự. Nếu cơ quan quản lý chưa đủ cơ sở dữ liệu tổng thể thì có thể áp dụng biện pháp thu thuế từng lần như thu nhập vãng lai. Ngoài ra, đối với thu nhập từ hoạt động mua trái phiếu, kỳ phiếu NH cũng cần được đưa vào diện chịu thuế TNCN.
Ủng hộ đề xuất này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trên nguyên tắc, mọi thu nhập đều phải tính thuế. Ở nhiều nước, cuối năm hệ thống NH sẽ cung cấp danh sách khách hàng cho cơ quan thuế để tổng hợp thu nhập và từ đó sẽ tính thuế TNCN. Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận nếu việc đánh thuế này được áp dụng sẽ khiến các NH khó huy động tiền gửi. Vì vậy cần xem xét có giới hạn miễn trừ hoặc nâng cao mức giảm trừ gia cảnh để khấu trừ thuế TNCN để giảm tác động đến người dân.
Ảnh hưởng đến vốn đầu tư
Đây cũng không phải lần đầu tiên có ý kiến đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng để khuyến khích dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và các chuyên gia kinh tế.
TS Nguyễn Anh Phong, Khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, phân tích: Hiện nay, vai trò của hệ thống NH vẫn là kênh huy động và cung cấp vốn chính cho đầu tư phát triển của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng hằng năm tỷ lệ thuận với tăng trưởng GDP. Nếu đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm thì có thể nhiều khách hàng sẽ rút tiền ra khỏi hệ thống tín dụng. Để giữ chân khách hàng, buộc các NH phải tăng lãi suất huy động. Điều này cũng kéo theo lãi suất cho vay sẽ tăng tương ứng, gây áp lực về chi phí vốn cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ...
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng không đồng ý với đề xuất này và cho rằng cần hạn chế các chính sách thuế khóa mang tính tận thu đối với người dân, trong đó có tiền tiết kiệm. Với việc đánh thuế tiền gửi NH đồng nghĩa với việc không có chủ trương khuyến khích người dân gửi tiết kiệm hay tích lũy dài hạn. Không phải ai cũng có kinh nghiệm để tự đầu tư chứng khoán hay bất động sản nên gửi tiết kiệm là một kênh tích lũy an toàn cho mọi người dân. Hơn nữa, hệ thống NH huy động tiền gửi của người dân và từ đó cũng cho vay, đưa vốn trở lại cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Vì vậy phải tính toán thật kỹ khi chính sách được cho rằng sẽ tác động tiêu cực cho hoạt động của hệ thống NH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.