Giữa năm 2019, đầu tư điện mặt trời, nhất là điện mặt trời áp mái đang “sung” bỗng “khựng” lại khi mức giá ưu đãi 9,5 cent/kWh đã hết hạn mấy tháng vẫn chưa có bảng giá mua mới.
Thế là người dân, doanh nghiệp (DN) đang hăm hở đầu tư điện mặt trời rơi vào tiến thoái lưỡng nan, không biết có nên tiếp tục đầu tư hay mở rộng nữa hay không. Vì phải có giá thì mới tính toán được chi phí, giá thành, hiệu quả chứ không có giá thì bó tay. Mà nào có phải giá ưu đãi 9,5 cent/kWh đột ngột hết hạn.
Theo Quyết định 11/2017 của Thủ tướng, giá điện của các dự án điện mặt trời được ngành điện mua lại theo ưu đãi là 9,35 cent/kWh từ ngày 1.6.2017 - 30.6.2019. Nghĩa là có thời hạn cụ thể. Nhưng không hiểu vì sao các cơ quan có thẩm quyền không chuẩn bị trước để có giá mới kịp thời, đẩy thị trường vào cảnh trông ngóng, lo toan từng ngày.
Chờ gần cả năm, đến mãi tháng 4.2020, Chính phủ mới chính thức chốt giá mua điện mặt trời trên mái nhà. Nghĩa là có tới hơn 9 tháng, khoảng trống chính sách đè nặng lên các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư ĐMT trên mái nhà. Thế nhưng, mới yên ổn được vài tháng thì mới đây, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thông báo do Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31.12.2020, nên các công ty điện lực sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống phát triển sau ngày 31.12.2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền. Hướng dẫn mới đến bao giờ có thì không ai biết nên thêm một lần nữa, khoảng trống chính sách lại khiến các hộ gia đình cũng như các DN đầu tư điện mặt trời trên mái nhà chưng hửng, phập phồng.
Thực tế, việc chính sách thay đổi, thị trường chờ cơ chế... xảy ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Báo cáo đánh giá về việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cuối năm 2019 cho thấy một vấn đề đáng quan ngại là khả năng dự đoán thay đổi chính sách, có xu hướng giảm liên tục.
Cụ thể, tỷ lệ DN cho biết họ luôn luôn/thường xuyên dự đoán được thay đổi chính sách, giảm từ mức 16% trong năm 2014 xuống còn 5% trong năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ DN không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được nội dung chính sách, tăng từ 42% năm 2014 lên 67% năm 2018. Sự suy giảm khả năng dự đoán chính sách này là xu hướng nhất quán trong 5 năm qua. “Đây là một thực tế rất đáng quan ngại về môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, báo cáo viết.
Nếu theo dõi các cuộc hội nghị, hội thảo, đối thoại giữa chính quyền và DN trong nước, nước ngoài có thể nhận thấy, điều được nói đến nhiều nhất, điều họ lo ngại nhất chính là rủi ro chính sách. Không chỉ là ưu đãi, DN đầu tư luôn mong muốn một môi trường ổn định, những cam kết chính sách rõ ràng, dài hạn bởi các tính toán vốn, giá, quy mô... đều phụ thuộc vào vấn đề này.
Nếu không lấp được các khoảng trống chính sách thì những nỗ lực để đón nguồn vốn đầu tư đang dịch chuyển trên thế giới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bình luận (0)