Lại nói chuyện tượng gỗ Tây Nguyên

19/09/2022 10:25 GMT+7

Sau khi đăng loạt bài Huyền bí tượng mồ Tây Nguyên của nhà văn Văn Công Hùng, Thanh Niên nhận được bài viết của nhà văn Thu Loan, nguyên Phó chủ tịch Hội VHNT Gia Lai , trao đổi thêm về một số vấn đề trong loạt bài.

Tôi mới đọc một số bài viết trong loạt bài Huyền bí tượng mồ Tây Nguyên của tác giả Văn Công Hùng về tượng mồ Tây Nguyên, nghệ nhân làm tượng trên báo Thanh Niên và thấy có một số vấn đề trong loạt bài cần trao đổi thêm.

Vì gần 50 năm gắn bó với Gia Lai, có nhiều dịp đến các buôn làng xa xôi và gần đây, tôi may mắn được tham gia công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian của người Bahnar, Jrai ở Gia Lai nên càng đi nhiều, được chứng kiến bao nhiêu khu nhà mồ hưng - tàn, được trò chuyện, thân thiết với biết bao nghệ nhân làm tượng nên nhận thức cơ bản có những điểm khác với sự hiểu biết của ông Văn Công Hùng.

Tượng mồ hay tượng gỗ?

Nền điêu khắc dân gian Tây Nguyên tập trung thể hiện ở mảng làm tượng. Tượng được đặt ở những nơi mọi người dễ nhìn ngắm nhất: nhà mồ, nhà rông, nhà dài, nơi cầu thang lên xuống, quanh hàng rào, cổng làng… chứ không phải chỉ có “ở nhà mồ” hoặc “ ở giữa nhà rông, chỗ cột ghè rượu” như ông Hùng viết.

Một nghệ nhân đang làm tượng gỗ

THU LOAN

Hãy cứ đến những nhà rông được trang trí nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ như nhà rông làng Groi 2 ở xã Ya Hội; nhà rông làng Jro Ktu ở xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ; nhà rông làng Tờ Nùng 1 ở xã Ya Ma, huyện Kông Chro; nhà rông làng Leng ở xã Tơ Tung, làng Mơ Hra ở xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang … thì rõ. Tượng ở làng không chỉ có tượng thú mà có cả một số tượng người; người đánh trống, cô gái giã gạo (như tượng trưng bày ở nhà mồ). Tượng ở nhà mồ không chỉ có tượng người mà còn có cả tượng thú: chim, khỉ, rắn, voi, ngựa…(như tượng trưng bày ở làng). Điều đó có nghĩa rằng con người không phân chia lớp tượng dành riêng cho không gian chết (nhà mồ) và lớp tượng dành riêng cho không gian sống (nhà rông, nhà dài, xung quanh làng). Trừ lớp tượng giao hoan và u sầu, ít đặt ở không gian sống (vì sự ý tứ, sở thích, tâm lý… giống như một số cộng đồng khác). Vốn dĩ người Bahnar, Jrai đã xem tượng như tác phẩm nghệ thuật, không chỉ có chức năng, giá trị tâm linh, tâm thức mà còn có chức năng, giá trị làm đẹp, làm tươi mới không gian nên sẵn sàng dùng tượng tô điểm cho môi trường sống.

Tôi đã thấy trong nhà nghệ nhân Unl ở huyện Chư Păh có nhiều tượng như tượng ở nhà mồ: cô gái giã gạo, người đánh trống, người ôm mặt, người uống rượu… Chỉ khác kích cỡ tượng không to mà chỉ có cỡ nhỏ và vừa. Tôi hỏi ông làm tượng để làm gì mà nhiều quá vậy? Ông bảo làm vì thích. Trong làng cũng có nhiều người thích. Có người đổi miếng thịt, túm gạo để lấy tượng thì ông đổi. Có người hỏi xin tượng ông cũng cho. Hay như nghệ nhân Yưk ở huyện Đăk Đoa. Lúc nào rảnh ông lại làm tượng. Đầy các tượng người với vô vàn hình ảnh phong phú sinh động: người đánh chiêng, người ôm trống, vác cuốc, uống rượu… “Để làm đẹp nhà. Nhiều người thích. Nhiều người ngắm”. Nếu ai không tin, hãy cứ thử làm một cuộc phỏng vấn hàng loạt nghệ nhân đi. Tôi cam đoan không một người nào kiêng kị việc đặt tượng gỗ ở nơi mình sống.

Còn vì sao ở nhà mồ lại có nhiều tượng, nội dung phản ánh phong phú hơn ở làng? Ai sống ở Tây Nguyên đều biết để mang được cây gỗ từ rừng về không phải dễ dàng. Đường chưa ra đường. Lối đi thường dốc, gập ghềnh, nhiều cây dại, cỏ gai. Chỉ dùng sức người. Chỉ có chân trần, tay trần. Trong khi gỗ làm tượng là loại gỗ to, có đường kính ít nhất 35 cm trở lên, dài từ 1,2 m - 1,6 m, mới đục đẽo ra được các hình dáng hoạt động phong phú của con người. Muốn lôi, kéo, khênh, bê, vác, đẩy, lăn… khúc gỗ đều mất rất nhiều công sức, phải có sự hợp lực của cả chục thanh niên trai tráng. Như vậy để “tha” được cây gỗ từ rừng đến nhà mồ (nhà mồ thường gần rừng) đã khó lắm rồi, nói chi đến việc “tha” gỗ về làng! Hơn nữa, lễ bỏ mả cũng là khoảng thời gian người Tây Nguyên rảnh rỗi, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Đây là dịp dân làng quây tụ bên nhau. Việc làm tượng phải có ít nhất 2 – 3 người cùng biết làm tượng trở lên (chưa kể lúc mang cây gỗ về mất rất nhiều nhân lực). Như vậy, chỉ có trong lễ bỏ mả việc làm tượng mới dễ dàng, thuận lợi hơn các thời điểm khác trong năm. Vậy nên tượng ở làng ít, đơn điệu, thiên về tượng thú (tượng thú không cần làm bằng gỗ to) cũng là lẽ đương nhiên.

Nói tóm lại: Tượng đặt ở nhà mồ thì gọi TƯỢNG MỒ vì khi làm và đặt tượng ở đây, ngoài chức năng làm đẹp nhà mồ thì tượng còn mang thêm chức năng, giá trị tâm linh, thay người sống làm các nghĩa cử với người chết. Tượng mồ chỉ là một bộ phận của TƯỢNG GỖ. Không thể đồng nhất TƯỢNG GỖ chính là TƯỢNG MỒ, chỉ được trưng bày ở NHÀ MỒ. Thực tế cho thấy không phải ngẫu nhiên mà nghệ nhân Ksor Nao đã làm cả trăm bức tượng đặt trong khu vườn nhà mình trước khi đô thị hóa, trước khi du lịch phát triển, trước khi được nhà văn Hoàng Thanh Hương động viên ông đầu tư khu vườn thành khu ẩm thực văn hóa dân gian. (Giờ đây khu nhà hàng ẩm thực này rất nổi tiếng ở thành phố Pleiku). Không phải ngẫu nhiên, cố họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Nhâm, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đã sáng tác nhiều tác phẩm dựa trên phong cách tượng gỗ Tây Nguyên. Không phải ngẫu nhiên, nhiều bức tượng của nghệ nhân làm tượng chẳng khác gì tác phẩm của một nhà điêu khắc thực thụ. Không phải ngẫu nhiên, nhiều tổ chức, chủ nhân đã dùng nhiều sản phẩm tượng gỗ để trang trí sân vườn, không gian kinh doanh, được nhiều người yêu thích. Càng không phải ngẫu nhiên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong mới xuất bản tập sách ảnh, hoàn toàn là ảnh tượng ở các khu nhà mồ nhưng lại có tên: “TƯỢNG GỖ TÂY NGUYÊN”. Và cuối cùng vẫn là câu trả lời từ cuộc sống.

Nhiều bức tượng của nghệ nhân làm tượng chẳng khác gì tác phẩm của một nhà điêu khắc thực thụ

THU LOAN

Nếu văn hóa gượng ép, áp đặt, theo thời gian tất yếu bị đào thải. Đằng này, tượng gỗ đang TỰ PHÁT trở về đời sống nhộn nhịp hôm nay, được đông đảo công chúng yêu quý, đón nhận. Đã đến lúc chúng ta phải xóa bỏ mặc định sai lầm coi tượng gỗ là tượng mồ. Phải trả lại những giá trị đích thực cho TƯỢNG GỖ TÂY NGUYÊN. Đó chính là những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ mang nhiều ý nghĩa, giá trị tinh thần. Như vậy, nó phải được trưng bày ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều môi trường, miễn là nó đẹp, có kích thước phù hợp với không gian, mục đích sử dụng và sở thích của người sử dụng chúng.

Nghệ nhân làm tượng - Những nghệ sĩ tài hoa

Trong đội ngũ người làm tượng cũng chia ra nhiều trình độ: người mới làm tượng, người biết làm sơ sơ, người biết thành thạo. Chỉ người nào thành thạo, biết tự mình làm được một bức tượng hoàn chỉnh mới gọi là nghệ nhân. Ông Hùng cho rằng nghệ nhân làm tượng: “không phải là người chuyên nghiệp” . Thậm chí ông có vẻ rất tin lời đồn: “Giàng nhập vào ai người đó mới làm được, và cũng không phải lúc nào cũng có thể làm, mà phải đúng lúc xuất thần nhất, lúc mình không còn là mình nữa, mới bắt tay vào làm”.

Đây thực sự là những hiểu biết chưa chính xác. Lúc thì đánh giá quá thấp nghệ nhân, lúc lại thần thánh hóa, kỳ vĩ hóa nghệ nhân. Tiếp xúc với nhiều nghệ nhân, tôi hiểu tính chuyên nghiệp của họ rất cao. Chẳng qua họ không có môi trường để thể hiện, thi thố tài năng. Nghệ nhân là những nhân tố ít ỏi trong làng, vốn dĩ có một chút năng khiếu nghệ thuật trời cho rồi được trải nghiệm, học tập, rèn luyện qua các đợt làm nhà rông, nhà dài, các lễ hội bỏ mả… mà tay nghề dần dần được nâng lên. Ông Yưk tâm sự mình thích nghề đục đẽo từ nhỏ. Học lớp 2 ông đã biết vẽ các con vật. Trong những lễ bỏ mả, ông thường đi theo bố làm tượng, phụ giúp cho bố việc nọ việc kia. Rồi dần dần được bố chỉ cho cách cầm rìu, cầm đục, bỏ phần gỗ này, tạo hình dáng kia cho đến lúc tự ông làm được một bức tượng mới hoàn toàn.

Như vậy, muốn làm ra được bức tượng trọn vẹn là phải trải qua một quá trình học hỏi và rèn luyện. Nghệ nhân làm tượng không được qua trường lớp, học hành bài bản nhưng họ có ngôi trường lớn nhất chính là môi trường sống, có người thầy vĩ đại nhất chính là những người ruột thịt, thân quen. Và khi đã làm được tượng rồi thì họ có thể làm được bất cứ hình mẫu nào, bất cứ lúc nào. Một số nghệ nhân được khơi gợi trở lại nghề làm tượng như nghệ nhân Bri ở huyện Kông Chro, nghệ nhân Đônh ở huyện Mang Yang, lâu lâu lại thúc giục tôi “đặt hàng”. Còn nếu trước đó chưa từng biết làm tượng thì có gấp mấy lần Giàng nhập, cầm cái đục cũng không xong, nói chi đến việc nhìn khúc gỗ, dáng gỗ đã hình dung được là làm tượng gì, kiểu dáng thế nào. Có chăng, nghệ nhân khi vui vẻ, hào hứng, đầy cảm xúc thì bức tượng làm ra sẽ đẹp hơn, gương mặt, ánh mắt, nụ cười có hồn hơn. Cũng như ở nhiều loại hình nghệ thuật khác, nhiều cộng đồng khác, nghệ nhân làm tượng cũng là những tác giả. Khi có giây phút xuất thần, họ sẽ tạo ra tuyệt tác.

Hầu hết các nghệ nhân chưa được giới thiệu, kết nối với các phương tiện thông tin truyền thông nên khả năng, sản phẩm của họ chưa được biết đến. Không một nghệ nhân nào biết tự làm các thủ tục hành chính nên họ chẳng có danh hiệu nào. Trong số họ có nhiều người hoàn toàn xứng đáng là nghệ nhân ưu tú hoặc trở thành tác giả điêu khắc thực sự bởi những sản phẩm của mình.

Hiểu đúng đặc điểm của nghệ nhân làm tượng, chúng ta mới có thể có những ứng xử đúng, có thể có những hoạt động phù hợp như mở lớp bồi dưỡng, tổ chức giao lưu, tổ chức cuộc thi… để phát triển năng khiếu của họ. Nghệ nhân làm tượng, trước hết cũng là con người, cũng có mọi nhu cầu, mong muốn như những người bình thường khác. Họ cần phải sống, cần cuộc sống mỗi ngày thêm no đủ, sung túc chứ không phải siêu nhân kỳ vĩ mà bỏ mặc, quay lưng, thờ ơ với thành quả lao động của mình. Tượng làm ở nhà mồ dù có trả bao nhiêu tiền họ cũng không bán. Dù tượng mục nát trong mưa gió, theo thời gian, họ cũng không mảy may luyến tiếc, quan tâm. Vì đây là quan niệm tâm linh. Tượng làm ra là để dành cho người chết, của người chết. Họ không bao giờ lấy lại, tranh giành với người chết. Cũng như người Kinh ở một số vùng, miền (trong đó có gia đình tôi) khi mang cả mâm lễ vật lên mộ cúng (xôi, chè, gà nguyên con, bánh kẹo, trái cây…) cúng xong là để lại đó. Có những người lau mộ, trẻ lang thang đến lấy hay không ai lấy cả… thì cũng kệ. Vì trong tâm thức đã xác định lễ vật đó là dâng cho người đã mất.

Từ sự tương đồng này mà chúng ta có thể chia sẻ, đồng cảm, hiểu sâu sắc hơn đời sống tâm linh của người dân tộc thiểu số. Cái gì ra cái đó. Còn trong đời sống hằng ngày, nếu bạn không trả đủ công ngày lao động để làm ra bức tượng thì họ không làm. Thà ngồi không, thà đi uống rượu, thà đi làm việc khác, thà làm tượng để ngắm nhìn. Còn khi yêu quý bạn, họ có thể bỏ ra hằng ngày hằng giờ để khắc họa chân dung bạn bằng chính bức tượng gỗ, sẵn sàng đem tặng bạn bức tượng mà bạn yêu thích. Bạn có đưa bao nhiêu tiền họ cũng không lấy. Đó cũng là tố chất nghệ sĩ của nghệ nhân làm tượng giống với nghệ sĩ của nhiều loại hình nghệ thuật khác, nhiều dân tộc khác.

Tất cả nghệ nhân làm tượng đều ước mong sống được bằng nghề, sản phẩm được trưng bày ở nhiều nơi, được nhiều người nhìn ngắm. Khi được Đảng, Nhà nước, các ban ngành, cộng đồng khác tìm mọi cách quan tâm, gìn giữ văn hóa truyền thống thì họ đang dần thoát khỏi sự mặc cảm, tự ti. Họ đang lấy lại được niềm kiêu hãnh, tự hào về một nghề mà trước đây vì những điều kiện khách quan (giao thông cách trở, phương tiện cơ giới rất ít) nên ứng dụng của tượng chỉ ở trong một không gian nhỏ hẹp, xa xôi, ít người biết tới. Xin hãy lắng nghe tâm tư, tình cảm của chính các nghệ nhân làm tượng, chứ đừng áp đặt suy nghĩ của người Kinh hay xuất phát từ sự hiểu biết nông cạn để cản trở bước đi hòa nhập (nhưng không hòa tan) của nghệ nhân làm tượng gỗ dân gian vào đời sống hôm nay.

Đưa “huyền bí tượng mồ Tây Nguyên” ra ánh sáng

Cũng như nhiều loại hình di sản văn hóa dân tộc khác, “Nhà mồ Tây Nguyên, tượng mồ Tây Nguyên đang mất”. Ai cũng biết sự mờ nhạt ấy, sự biến mất ấy do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhưng không phải không có cách cứu vãn.

Tượng gỗ trưng bày trên bàn uống nước trong nhà

THU LOAN

Nhiều năm qua rất nhiều ban ngành, tổ chức, cá nhân… đã nỗ lực tìm mọi cách đưa tượng trở về đời sống. Muốn làm được điều này tôi nghĩ trước tiên phải có quan điểm đúng, nhận thức đúng. Đó là phải hiểu đúng bản chất: đây là TƯỢNG GỖ TÂY NGUYÊN – sản phẩm của nền điêu khắc dân gian. Tượng có đầy đủ chức năng, giá trị của một tác phẩm nghệ thuật làm bằng gỗ. Đã là tác phẩm nghệ thuật thì nó phải được sống đời sống của một tác phẩm nghệ thuật: được trưng bày ở nhiều nơi, được người xem, nhìn, ngắm, chiêm ngưỡng, si mê, thích thú, mua bán… Nếu hiểu được chân lý này thì chẳng có gì phải như ông Hùng “hoang mang, sợ hãi” khi thấy “tượng mồ (thực chất là tượng gỗ) lên phố”, thậm chí phải rất vui khi thấy tượng gỗ đang xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống, dùng để trang trí sân vườn, cảnh quan.

PGS.TS Ngô Văn Doanh- nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, khi nghiên cứu nhà mồ, tượng mồ GiaRai, Bơnah ngay từ năm 1993 đã nhận ra tượng chính là những tác phẩm nghệ thuật dân gian. Ông đã đề xuất rằng: khi du lịch phát triển, có thể thu nhỏ tượng mồ để trở thành các sản phẩm làm quà tặng, lưu niệm, phục vụ khách du lịch (Ngô Văn Doanh - Nhà Mồ và tượng Mồ GIARAI, BƠHNAR, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Sở Văn hóa Thông tin và thể thao tỉnh Gia Lai, 1993).

Và chúng tôi, 30 năm sau, mới đang nỗ lực biến ý tưởng đó thành hiện thực. Cá nhân người viết bài này cũng tự bỏ tiền xây dựng một gian trưng bày với hàng trăm bức tượng gỗ dân gian để mọi người có thể thăm quan, chiêm ngưỡng, mua bán… và còn mong ước sản phẩm tượng gỗ có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố khác nữa. Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn đang cùng nhau tìm kiếm các ý tưởng để khôi phục, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đó có điêu khắc dân gian như làm khu trưng bày tượng gỗ cùng các di sản văn hóa khác, tổ chức du lịch văn hóa, trải nghiệm cùng nghệ nhân làm tượng, làm vườn tượng… Tất cả những điều đó đang làm cho hoạt động điêu khắc dân gian khởi sắc.

Tôi đã chứng kiến niềm vui rạng rỡ của bà con làng Phung, thành phố Pleiku khi được hỗ trợ dựng tượng trang trí khuôn viên nhà văn hóa. Hằng ngày được ngắm tượng thêm vui. Có khách xa đến ngắm tượng, chụp hình kỷ niệm càng vui. Tôi chưa từng thấy nghệ nhân nào, người dân tộc thiểu số nào phàn nàn việc đưa “tượng mồ lên phố”. Họ còn mong muốn được làm tượng nhiều hơn nữa, muốn có nhiều người hơn nữa dùng tượng như một thú chơi, một niềm đam mê… Bởi đây là một cách giữ lại nghệ thuật điêu khắc của người Jrai, Bahnar một cách hữu hiệu nhất. Nghệ nhân Ksor H’nao, người nổi tiếng làm ra những bức tượng gỗ ở làng Kép, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết, nhờ việc trưng bày tượng trong vườn mà có nhiều khách trong và ngoài tỉnh biết. Khách đã đặt mua nhiều tượng. Hằng năm, ông đều phải bổ sung tượng vào khuôn viên của mình. Có lần ông còn bán tượng cho khách nước ngoài, gửi đi nước ngoài. Ông bày tỏ: “Bây giờ lễ bỏ mả người ta cũng không còn làm lễ to như xưa nữa, người biết đẽo tượng ngày càng ít. Không truyền bá rộng rãi để nhiều người biết đến sợ là nghệ thuật này sẽ biến mất”.

Thực tế cho thấy tượng gỗ đang mang lại hiệu ứng tốt về mặt thẩm mỹ trong đời sống xã hội. Nghề làm tượng gỗ có thể đem lại thu nhập cho nghệ nhân. Tuy nhiên con đường đó còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của xã hội về tượng gỗ và sự chung tay góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân. Tôi vẫn tin cuộc sống này còn rất nhiều người am hiểu văn hóa Tây Nguyên thật sự, yêu văn hóa Tây Nguyên thật sự. Họ không khoanh tay đứng nhìn mà suy nghĩ. Họ không nói mà bắt tay làm, quyết không để di sản văn hóa lụi tàn, trong đó có Tượng gỗ Tây Nguyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.