Lại 'nóng' chuyện chỗ học ở thủ đô

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
17/07/2023 08:22 GMT+7

Cứ mỗi mùa tuyển sinh, Hà Nội lại rộ lên chuyện quá tải trường lớp, thành phố lại chỉ ra một loạt nguyên nhân và rất nhiều giải pháp, nhưng năm sau tình trạng lại trầm trọng hơn năm trước.

Nhiều gia đình không đủ sức chọn trường tư

Anh Q.T (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, con anh vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 ở khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân nhưng nguyện vọng 3 thì anh chọn cho con ở Trường THPT Minh Quang (H.Ba Vì). 

Lại 'nóng' chuyện chỗ học ở thủ đô - Ảnh 1.

Phụ huynh chầu chực nhập học lớp 10 cho con năm nay

TRỌNG TÀI

Theo anh T., lực học của con ở mức trung bình, trong khi cuộc đọ sức vào lớp 10 trường ở nội thành quá căng thẳng nên gia đình phải tính toán chọn một nguyện vọng an toàn nhất, để dù điểm thấp cháu cũng đỗ được vào 1 trường công lập nào đó.

Anh chọn Trường THPT Minh Quang cho con vì điểm chuẩn trường này nhiều năm liền rất thấp, các môn thi dưới trung bình cũng đủ điểm đỗ, hơn nữa gia đình anh có người thân gần trường và cháu có thể ở nhờ chứ không thể đi về hàng ngày được. "Nhiều người nói không thiếu chỗ học, không đỗ trường công thì học trường tư. Nhưng với gia đình lao động, tiền trả theo công nhật như vợ chồng tôi thì đó là điều không thể", anh T. nói.

May mắn là con anh T. đã đỗ nguyện vọng 2 vào Trường THPT Trung Văn nên phương án đi trọ học tận H.Ba Vì không phải dùng đến.

Thực tế, việc tính toán để bằng mọi giá cho con vào trường công lập, dù trường đó ở ngoại thành, cách nhà đến cả mấy chục ki lô mét cũng được nhiều gia đình ở nội thành lựa chọn. Năm nay cũng như vài năm trước, thống kê về số lượng đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, ở khu vực ngoại thành, trong khi tỷ lệ "chọi" giữa chỉ tiêu và nguyện vọng 1 rất thấp, thậm chí số đăng ký còn ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng số đăng ký nguyện vọng 3 vào các trường này lại rất cao, đó là do phương án "chống trượt" của các phụ huynh, học sinh ở nội đô.

Ví dụ Trường THPT Minh Quang có số lượng nguyện vọng 1 chỉ có 229 nhưng số học sinh đăng ký nguyện vọng 3 lên tới hàng nghìn. Một lãnh đạo trường này cho biết, việc tuyển sinh căng thẳng ở nội thành, còn ở đây nếu chỉ tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 thì sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu nên năm nào cũng xin phép Sở GD-ĐT cho tuyển "nguyện vọng tràn", nghĩa là không quy định khu vực tuyển sinh, để vừa tuyển được nhiều học sinh hơn mà chất lượng đầu vào cũng được cải thiện.

Do vậy, trong 3 - 5 năm trở lại đây, mỗi năm trường tuyển được từ 40 - 60 em ở các quận, huyện khác theo diện "nguyện vọng tràn" đến học. Trường chỉ có nhà công vụ cho giáo viên, nên học sinh phải thuê trọ ở ngoài hoặc ở nhờ nhà người quen. Những em không tìm được nhà trọ, nhà trường huy động lực lượng Đoàn thanh niên tìm nhà trọ uy tín để giới thiệu.

Hà Nội sẽ còn "đau đầu" về trường lớp

Theo dự báo của Sở GD-ĐT Hà Nội, việc tuyển sinh năm nay dù đã rất căng nhưng những năm tiếp theo sẽ còn phải "đau đầu" về chỗ học cho học sinh ở hệ thống công lập. Năm học 2024 - 2025, dự kiến toàn thành phố có 134.942 HS, tăng 5.732 em. Năm học 2025 - 2026, dự kiến có 129.890 học sinh, tăng 680 em. Năm học 2026 - 2027, dự kiến có 151.710 học sinh, tăng 22.500 em…

Về quy mô trường THPT công lập so với năm học 2023 - 2024 (không tính trường công lập tự chủ và hiệp quản): năm học 2024 - 2025, dự kiến có 121 trường, tăng 2 trường. Năm học 2025 - 2026, dự kiến có 123 trường, tăng 4 trường. Năm học 2026 - 2027, có 125 trường, tăng 6 trường…

Không chỉ lớp 10, việc quá tải trường lớp ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS ở Hà Nội cũng đang tồn tại những "điểm nóng" cần giải quyết. Câu chuyện phụ huynh ở P.Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai) phải bốc thăm may rủi để mong con mình có một chỗ học tại trường mầm non công lập trên địa bàn là điển hình của việc thiếu trường lớp và ám ảnh phụ huynh đến tận năm nay.

Thông tin mới nhất được ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đưa ra mới đây thì Q.Hoàng Mai là một trong những địa bàn có số lượng học sinh lớn của Hà Nội. Học sinh mầm non, tiểu học, THCS của Q.Hoàng Mai đều vượt quá quy định về chỉ tiêu số học sinh/nhóm, lớp. Ở cấp mầm non, quận này có bình quân 38,6 trẻ/nhóm lớp; cấp tiểu học là 47,6 học sinh/lớp (trong khi quy định của Bộ GD-ĐT là không quá 35 học sinh/lớp); khối THCS là 45,5 học sinh/lớp; còn cấp THPT là 46 học sinh/lớp (trong khi quy định ở cả hai cấp là không quá 40 học sinh/lớp).

Cũng theo ông Cương, không chỉ có Q.Hoàng Mai, các quận khác như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm là địa bàn có sức "nóng" về số lượng học sinh. Bên cạnh đó, những địa bàn quá tải cục bộ do tập trung nhiều khu dân cư mới, có "sức ép" do dân số đông.

Theo ông Trần Thế Cương, bên cạnh giải pháp tăng cường đầu tư xây dựng và thành lập mới, cải tạo sửa chữa các trường học, đẩy nhanh tiến độ triển khai 7 dự án trường liên cấp, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng tập trung tham mưu thành phố rà soát các ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học và trong các khu đô thị; tham mưu thành phố cho thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường công lập.

Ngoài ra, Hà Nội còn đề xuất với Bộ GD-ĐT cho "cơ chế đặc thù", tăng sĩ số học sinh/lớp, tăng số lớp/trường… trong bối cảnh trường học không xây kịp tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.