Lại nóng chuyện đếm hòm công đức

25/11/2017 07:52 GMT+7

Hiện tại, ở các di tích, bên cạnh hòm công đức còn có hòm tiền ở các ban để người dân đặt tiền lẻ cho nhà chùa mua dầu đèn.

Quy định “mỗi ban thờ trong cơ sở thờ tự đặt không quá 2 hòm công đức” trong dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đã trở thành vấn đề nóng tại hội thảo lấy ý kiến do Bộ VH-TT-DL tổ chức vào hôm qua.
Chùa Hương (H.Mỹ Đức, Hà Nội) luôn đông nghẹt người vào mùa lễ hội vốn kéo dài trong suốt 3 tháng đầu năm âm lịch. Đông đến mức muốn được ghi công đức người dân cũng phải chờ xếp hàng. Thậm chí, họ còn có thể tự ghi cho nhanh. “Vì thế, quy định 2 hòm công đức thì không phù hợp với chùa Hương. Còn lễ hội chỗ khác vắng người thì tôi không bàn. Đặt hòm công đức thế nào cũng phải phù hợp với nhân dân”, ông Nguyễn Bá Hiển, Phó trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hương Sơn, cho hay khi trả lời PV Thanh Niên bên lề hội thảo. Cũng theo ông Hiển, vào mùa lễ hội, riêng ở chùa Thiên Trù, thuộc quần thể di tích này, có khoảng 20 người ngồi ghi công đức. Thậm chí, muốn nhanh, du khách còn tự viết công đức rồi cho tiền vào hòm.


Lễ hội hiện nay có nguy cơ biến tướng khi cách triển khai có vấn đề. Đôi khi ban tổ chức cũng không rõ về giá trị truyền thống nên làm sai lạc

Lê Thu Hường, Học viện Chính trị quốc gia

Cũng theo ông Hiển, không chỉ có hàng chục bàn ghi công đức đông nghịt như vậy, chùa Hương còn có nhiều hòm khác để khách cúng tiền. Những hòm này đặt tại các điểm di tích, tuy trên hòm không có chữ “hòm công đức”. Đặt như thế để tránh việc du khách “dán tiền” vào tay, vào mặt tượng… Cũng chính vì thế, theo ông Hiển, việc quy định chỉ có 2 hòm công đức ở mỗi ban thờ là quá cụ thể và sẽ khó áp dụng.
Đại diện khu di tích Côn Sơn (Hải Dương) cùng chung quan điểm với ông Hiển: “Việc quy định đặt không quá 2 hòm công đức là không phù hợp vì khách phải chờ đợi rất khó khăn. Không nên quy định cụ thể là 2 mà chỉ nên quy định phù hợp thôi”.
Trong khi đó, bà Lê Thu Hường, Học viện Chính trị quốc gia, cho biết bà có đọc được thông tin mỗi ngày có hàng tỉ đồng tiền công đức. “Đó là tiền của xã hội, người dân. Đó vẫn là nguồn lực xã hội và nhà nước vẫn cần quản lý. Nhà nước không trực tiếp vào phân phối tiền đó nhưng sẽ bảo đảm nó đi đúng mục tiêu. Có thể không phải 2 hòm, tuy nhiên không nên thả nổi. Còn bao nhiêu thì cần nghiên cứu thêm để có con số hợp lý hơn”, bà Hường nói.
Hiện tại, ở các di tích, bên cạnh hòm công đức còn có hòm tiền ở các ban để người dân đặt tiền lẻ cho nhà chùa mua dầu đèn. Theo bà Hường, “cái mà ta gọi là hòm giọt dầu thực ra là cách lách của những trụ trì và quản lý ở đó. Hòm công đức đương nhiên sẽ phải kiểm soát. Nhưng cái tiền giọt dầu đang được hiểu như một luồng tiền bên ngoài không chính thống. Nếu hiểu theo nghĩa đó thì không cần quản lý vì nó ít. Nhưng nó không ít vì người đi cúng không phân biệt giữa hai thùng đó. Vì thế, có thể hiểu tiền công đức được bao nhiêu thì tiền nhang đèn kia cũng không kém”. Vì vậy, bà Hường cho rằng nên hiểu việc quy định về hòm công đức có nghĩa là nó cũng bao hàm cả tiền giọt dầu.
Nghị định không nên "ôm" việc cấp phép lễ hội
Nhiều nhà nghiên cứu cũng lên tiếng về dự thảo nghị định từ góc độ ngôn ngữ soạn thảo. Chẳng hạn, nghị định không có những định nghĩa khái niệm gốc. Về phạm vi điều chỉnh, điều 1 quy định: “Nghị định này quy định về quản lý và tổ chức lễ hội trên lãnh thổ VN”. Trong khi đó, nước ta hiện có rất nhiều lễ hội khác nhau. Có lễ hội đã trở thành di sản phi vật thể cấp quốc gia. Có lễ hội truyền thống nhưng chưa phải là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Lại có những lễ hội mới, có lễ hội chỉ là sự kiện truyền thông. “Nghị định phải làm rõ khái niệm lễ hội và lễ hội truyền thống. Như thế mới tránh việc tranh cãi nhau”, bà Hường góp ý.
Về vấn đề trên, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho biết hiện nhóm soạn thảo gặp nhiều khó khăn về việc có nên hay không nên đưa ra các định nghĩa này. “Ngay cả việc phân loại các loại hình lễ hội thế nào cũng chưa thống nhất. Trong khi ở đây lại là văn bản quy phạm để quản lý các loại hình lễ hội. Nên chúng tôi chưa dám đưa khái niệm lễ hội vào đây”.
TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), lại có ý kiến về từ ngữ, như “loại bỏ”, “thay thế”. Các từ này, theo bà, làm hạ thấp quan điểm về lễ hội, trong khi chúng ta đang tiếp cận quốc tế. “Ai loại bỏ, ai thay thế. Tại sao nhà nước lại chỉ ra lễ hội này là bạo lực, cái kia không bạo lực và thay thế cái này, cái kia. Cách đặt vấn đề như vậy là không dân chủ”, bà Lý nói. Cũng theo bà Lý, cần có giải thích về khái niệm “thương mại hóa lễ hội” được đưa ra trong điều 4. “Thương mại hóa là thế nào? Rất khó cho bên dưới thực hiện vì trong lễ hội có các dịch vụ kinh doanh chứ. Kinh doanh thế có được coi là thương mại hóa hay không?”, bà Lý phân tích. Cũng theo bà Lý, nghị định không nên “ôm” việc cấp phép lễ hội vì xưa giờ các lễ hội truyền thống vẫn được làm, nay sao lại phải cấp phép.
Bà Bùi Thục Anh, Ban Tuyên giáo T.Ư, cũng cho rằng không nên đưa việc loại bỏ và thay thế tập tục kích động bạo lực vào nghị định này như trong điều 4. Việc một tập tục có kích động bạo lực hay không do cách đánh giá mà có thể khác nhau. Chẳng hạn, ở hội Gióng đền Sóc, việc cướp lộc về văn hóa rất hay nhưng nếu bị hiểu lầm lại thành khác.
Mặc dù vậy, đa số đều cho rằng cần thiết phải có nghị định quy định về lễ hội. “Lễ hội hiện nay có nguy cơ biến tướng khi cách triển khai có vấn đề. Đôi khi ban tổ chức cũng không rõ về giá trị truyền thống nên làm sai lạc. Vì thế, nhà nước phải đưa nó về đúng lộ trình bằng hành lang pháp lý. Bên cạnh đó, cũng có các thể chế mềm là hương ước giúp lễ hội tốt đẹp”, bà Hường nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.