Thời gian gần đây, cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trên các tuyến cao tốc vào ban đêm. Đáng chú ý, hầu hết những vụ tai nạn đều xảy ra tại những khu vực đường không được trang bị đèn chiếu sáng, hoặc những đoạn đường cong. Điều này cho thấy một thực tế là việc lái xe vào ban đêm (nhất là lái xe trên các tuyến đường cao tốc) tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn hơn so với ban ngày do tầm nhìn bị hạn chế.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, bên cạnh việc tuân thủ luật giao thông, các tài xế cũng cần trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng khi lái xe trên loại đường này. Dưới đây là 4 lưu ý cần phải "nằm lòng" khi lái ô tô trên cao tốc vào ban đêm.
Kiểm tra cơ bản: nhiên liệu, lốp xe
Điều đầu tiên cần làm trước khi lái xe trên cao tốc vào ban đêm chính là kiểm tra tình trạng xe. Đặc biệt với những tuyến cao tốc dài, không có trạm dừng nghỉ hoặc không có hệ thống đèn điện chiếu sáng.
Cụ thể, những chi tiết cơ bản nhất chiếc xe cần đảm bảo là đủ nhiên liệu cho suốt chặng đường cao tốc, hệ thống gương chiếu hậu, đèn xe hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, tài xế cũng nên xem xét, đảm bảo áp suất lốp phù hợp…
Đi đúng tốc độ, "nới" khoảng cách an toàn
Như đã đề cập, tầm quan sát vào ban đêm không được tốt như ban ngày; nhất là tại những khu vực đường không có hệ thống đèn chiếu sáng. Chính vì vậy, khi lái ô tô trên cao tốc vào ban đêm, tài xế nên điều khiển xe di chuyển chậm hơn, phù hợp khoảng chiếu sáng của hệ thống đèn và không vượt quá tốc độ cho phép.
Bên cạnh đó, nên tăng khoảng cách an toàn với các xe đi phía trước để đề phòng trường hợp đột xuất, tài xế có đủ thời gian phản ứng. Thông thường, nhiều tài xế hiện nay hay áp dụng quy tắc về khoảng cách an toàn theo Thông tư 31/2019/TT-BGTVT. Theo đó, khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ của xe như sau: Xe ô tô di chuyển với tốc độ 60 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 35 mét. Xe ô tô di chuyển với tốc độ từ trên 60 - 80 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55 mét. Xe ô tô di chuyển với tốc độ từ trên 80 - 100 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 mét. Xe ô tô di chuyển với tốc độ từ trên 100 - 120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 mét. Tuy nhiên, đây là quy tắc áp dụng trong các điều kiện lái xe thông thường. Khi lái xe trên cao tốc vào ban đêm, tốt nhất tài xế nên "cơi nới" thêm khoảng cách cách này.
Không dừng trên đường nếu không phải "bất khả kháng"
Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe khách và xe tải trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào tối 10.3 vừa qua, đã phần nào cho thấy sự nguy hiểm của việc dừng xe trên cao tốc, nhất là vào ban đêm. Bởi lẽ, khi các xe lưu thông với tốc độ cao kèm tầm nhìn bị hạn chế đáng kể, chỉ cần một giây tài xế lơ là mất tập trung đều rất dễ dẫn đến va chạm nghiêm trọng.
Chính vì vậy, ngoài những trường hợp bắt buộc như xe bị hỏng hóc, xe gặp trục trặc như hết xăng, chết máy, thay lốp; tài xế gặp vấn đề về sức khỏe; tai nạn giao thông hay các trường hợp khẩn cấp khác, tốt nhất tài xế không nên cho xe dừng nghỉ trên cao tốc.
Đối với những trường hợp buộc phải dừng xe trên cao tốc như kể trên, các lái xe nên chú ý thao tác để đảm bảo an toàn. Đầu tiên, nếu xe gặp sự cố hay tài xế gặp vấn đề về sức khỏe không thể tiếp tục lái xe, nên bật đèn cảnh báo nguy hiểm (biểu tượng hình tam giác, màu đỏ bố trí trên bảng điều khiển trung tâm) để báo hiệu cho các phương tiện khác đang lưu thông. Sau đó, từ từ điều khiển xe vào sát làn đường bên tay phải.
Nên chú ý quan sát, tránh dừng xe tại những điểm khuất hoặc khúc cua. Thay vào đó, nên chọn những đoạn đường thẳng, tầm quan sát rộng để các phương tiện khác dễ nhận biết. Hầu hết các tuyến cao tốc hiện nay tại Việt Nam đều được thiết kế một số đoạn đường cho phép dừng xe khẩn cấp và có biển chỉ dẫn khoảng cách đến làn dừng khẩn cấp. Với các tuyến đường cao tốc hẹp như cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nên chọn những đoạn đường 4 làn xe, có làn khẩn cấp rộng để dừng đỗ xe, đặc biệt với xe tải có kích thước lớn.
Sau khi đã dừng xe vào làn dừng khẩn cấp, nên duy trì bật đèn cảnh báo để báo hiệu cho các xe phía sau. Sau đó, kéo phanh tay để tránh xe bị trôi trên đường. Theo các lái xe có kinh nghiệm, khi dừng xe nên đánh lái phần đầu xe về phía tay phải để tránh trường hợp bị phương tiện khác đâm vào khiến xe lệch sang đường chính, đồng thời đặt biển phản quang cách xe ít nhất 50 mét để cảnh báo nguy hiểm nhất là khi dừng xe vào ban đêm.
Sau khi dừng xe, tuyệt đối không đứng ở khu vực đuôi xe, đồng thời di tản hành khách trên xe tới vị trí an toàn để tránh xảy ra va chạm gây thiệt hại về người. Nhanh chóng liên hệ với xe cứu hộ hoặc gọi số điện thoại của đơn vị quản lý vận hành đường cao tốc để được hỗ trợ sửa chữa hoặc di chuyển xe khỏi khu vực sớm nhất.
Không nhìn trực diện vào đèn pha xe ngược chiều
Luật giao thông đường bộ có quy định về việc sử dụng đèn pha/cos, kèm theo mức xử phạt hành chính nếu vi phạm. Tuy nhiên, trong thực tế một số lái xe thiếu ý thức vẫn sử dụng chế độ đèn pha khi qua các tuyến đường nội thành hay ngay cả khi gặp xe ngược chiều.
Chính vì vậy, một mẹo nữa để đảm bảo an toàn khi đi trên cao tốc là không nên nhìn trực diện vào đèn pha của xe ngược chiều. Nếu cảm thấy bị chói nên chớp mắt ngay kết hợp với việc giảm dần tốc độ, quan sát đường phía trước hoặc nhìn chếch về phía lề đường để canh xe đảm bảo an toàn.
Bình luận (0)