Lãi vay cần giảm mạnh hơn

Thanh Xuân
Thanh Xuân
04/03/2023 07:20 GMT+7

Các ngân hàng đang thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 3%/năm khi tốc độ cho vay chậm lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với sức khỏe của nền kinh tế hiện nay, lãi vay cần giảm mạnh và nhanh hơn nữa.

22 ngân hàng giảm lãi vay

Sacombank vừa dành 1.000 tỉ đồng ký kết cho doanh nghiệp (DN) vay ưu đãi với lãi suất (LS) giảm 2% so với mức bình thường. Trước đó, ngân hàng (NH) này cũng đã triển khai nguồn vốn ưu đãi 5.000 tỉ đồng với LS ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm dành cho khách hàng DN có nhu cầu vay thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu hoặc khách hàng DN đạt hạng siêu VIP theo chính sách khách hàng Sacombank Sapphire.

Lãi vay cần giảm mạnh hơn  - Ảnh 1.

Mặt bằng lãi suất huy động giảm

Ngọc Thắng

Tương tự, NH Bản Việt giảm 2% cho khoản vay 100 tỉ đồng dành cho các DN, cũng như triển khai gói tín dụng 8.000 tỉ dành cho DN và cá nhân giải ngân mới, giảm từ 0,5 - 1%/năm cho tất cả khách hàng hiện hữu. Ngoài ra, mức giảm ưu đãi lên đến cao nhất 2%/năm so với quy định cho nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực khuyến khích như sản xuất kinh doanh trong lĩnh nông nghiệp, dịch vụ bán lẻ, làng nghề hoặc tiêu dùng phục vụ đời sống.

 Đồng thời, dành 1.000 tỉ đồng cho vay đối với DN, cá nhân giao dịch lần đầu với NH thuộc lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng với mức giảm tối đa 3% mức LS hiện hành. Hay OCB triển khai gói tín dụng 2.000 tỉ đồng dành cho DN với LS từ 8%/năm. Đặc biệt, 4 NH thương mại có vốn nhà nước (Big 4) gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đã thực hiện giảm LS cho vay từ 0,5 - 2%/năm đối với các khoản vay cũ và mới. Có thể thấy, việc tham gia giảm lãi vay của các NH thương mại cổ phần ngày càng gia tăng thời gian gần đây, ngoài từ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì còn do việc triển khai cho vay đang có xu hướng chậm lại bởi sức khỏe của cộng đồng DN không đủ "kham" chi phí vốn quá đắt đỏ.

Theo NHNN, hiện có 22 NH thương mại giảm LS cho vay bình quân 0,43%. Cơ quan này sẽ tiếp tục điều tiết LS giảm. Vào cuối tháng 2, NHNN đã cấp hạn mức tín dụng cho các NH nhưng tăng trưởng tín dụng khá chậm do nhiều DN vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Với các công ty xuất khẩu, đơn hàng suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái. Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản thường chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các NH thương mại nhưng năm nay tăng chậm hơn do vấn đề pháp lý. Nếu khó khăn này được giải quyết thì các tổ chức tín dụng có điều kiện thúc đẩy giải ngân.

Cần giảm mạnh lãi suất nhanh hơn

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết tăng trưởng tín dụng của các NH trên địa bàn trong 2 tháng qua thấp nên vừa qua NHNN cũng đã có khuyến nghị NH thương mại giảm LS hỗ trợ DN. Để có thể giảm lãi vay, các NH cũng đã điều chỉnh giảm LS huy động vốn, đây là cơ sở để các NH giảm lãi vay và tạo xu hướng giảm LS bền vững trong thời gian tới.

Mặt bằng LS huy động vốn hiện nay đang có xu hướng giảm dần từ 0,2 - 0,5%/năm so với trước đó. Mức LS tối đa thỏa thuận 9,5%/năm gần như ít xuất hiện trên các bảng LS của các NH. Ở kỳ hạn 12 tháng, một số NH huy động từ 8,7 - 9,5%/năm. Ở nhóm Big 4, LS tiết kiệm thông thường cao nhất chỉ ở mức 7,4%/năm. Mới đây, các NH đã có cuộc họp thống nhất kể từ ngày 6.3 sẽ giảm LS. Big 4 sẽ giảm 0,2%/năm so với mức LS niêm yết của chính mình, còn các NH thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm với kỳ hạn từ 6 - 12 tháng.

Thế nhưng mức LS giảm như trên được đánh giá khá chậm, về quanh mức 9%/năm, trong khi thời điểm xảy ra dịch Covid-19 ở khoảng 7%/năm. Nghĩa là giảm thì LS vẫn còn cao hơn 2%/năm. Điều này đẩy thị trường tín dụng vào vòng luẩn quẩn, tăng trưởng tín dụng thấp, DN than LS cao, không có tài sản thế chấp vay nhưng các NH vẫn không giảm lãi vay xuống.

Ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay những tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng thấp do tính chất chu kỳ, đã qua mùa mua sắm nên DN ít đơn hàng hơn, dẫn đến nhu cầu vay vốn cũng sẽ thấp hơn. Một lý do quan trọng là với mức giảm LS còn khiêm tốn này cũng chưa chắc đáp ứng được kỳ vọng của DN, lãi vay vẫn trên 10%/năm. 

"Cứ chờ đợi NH giảm LS huy động để kéo LS vay xuống thì phải chờ lâu, rất chậm. Đó là chưa kể một số NH đáp ứng hệ sinh thái của họ nên vẫn duy trì mức LS cao để huy động vốn. Khi có NH huy động lãi cao, thu hút vốn về thì các NH khác muốn giảm cũng rất khó khăn. Hiện nay Big 4 đang nắm khoảng 70% thị phần tín dụng, để giảm nhanh lãi vay, NHNN cần hỗ trợ cho những NH này có nguồn vốn rẻ đưa ra các gói tín dụng lãi thấp. Để mặt bằng LS vay giảm, NHNN cần phát huy vai trò của mình", ông Chí đề xuất.

DN kiến nghị lãi suất vay khoảng 8 - 8,5%/năm

Theo báo cáo của Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) gửi lên UBND TP.HCM, qua khảo sát hơn 100 DN về hoạt động sản xuất kinh doanh đến tháng 2 thì có 83% đơn vị đang gặp khó khăn.Trong đó, có 43% DN gặp khó khi LS vay cao; 40% DN khó tiếp cận nguồn vốn và 38,2% DN phản ánh thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, có 41,2% DN cho biết thị trường bị thu hẹp; 30,1% DN gặp khó khi hàng tồn kho nhiều; 17,6% đối diện vấn đề nguyên liệu đầu vào tăng.

Các DN dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 2/2023 vẫn còn khó khăn khi sức mua của các thị trường toàn cầu ở mức thấp. LS cao là cản trở lớn cho hoạt động kinh doanh của DN, do đó kiến nghị NHNN có biện pháp hạ LS, khống chế tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp để các NH thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế; khống chế trần LS, giữ LS cho vay khoảng 8 - 8,5%/năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.