Câu chuyện cảm động mùa Vu lan
Những ngày qua, cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh một chiếc xe ben đậu cạnh nhiều ô tô khác, trong một khu du lịch ở Vũng Tàu, bước lên cabin xe là một cụ bà. Người chia sẻ cho biết không biết tên tuổi của tài xế, làm gì, ở đâu, chỉ vô tình lắng nghe được đoạn hội thoại của anh và mẹ nên đã rất xúc động và muốn kể lại cho mọi người nghe.
Con trai: Đấy giờ mẹ tắm đã chưa, mát không, thỏa mãn không?
Bà mẹ: Ừ đúng là đi biển sướng thật con nhỉ, nhưng tốn tiền với lại người ta toàn đi xe đẹp sao mày cho mẹ đi xe to thế con?
Con trai: Người ta giàu mẹ ơi, mẹ bảo khi nào mày giàu mày cho mẹ đi biển chơi một chuyến nhưng biết bao giờ con mới giàu, nên thôi đi tạm…
Bà mẹ: Nhưng tí về mày chạy chậm thôi nhé, xe đi biển chơi kiểu gì chạy nó giồng (xóc) muốn lòi ruột.
Con trai: Hì hì! Tối mới về nên mẹ cứ thoải mái đi nhé vì không biết bao giờ mới đi lại được.
Đoạn hội thoại trên của hai mẹ con kèm hình ảnh cụ bà bên chiếc xe ben được hàng trăm lượt chia sẻ, hàng ngàn bình luận của cộng đồng trên khắp các tài khoản cá nhân, fanpage. Nhiều tài khoản xúc động “đừng cầu toàn gì hết, nếu có tấm lòng, hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể báo hiếu được mẹ cha, ngay khi mẹ cha còn sống trên đời”.
Câu chuyện đẹp trên mạng xã hội này hoàn toàn có thật ở ngoài đời. Người con hiếu thảo trong câu chuyện trên là tài xế chở vật liệu xây dựng, trú đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Cụ bà được con chở đi Vũng Tàu bằng chiếc xe ben đó là mẹ vợ của anh, tên Nghĩa, 76 tuổi.
|
Chuyến đi Vũng Tàu đặc biệt nhất trong đời của mẹ
Trưa 14.8, PV Thanh Niên tìm về cửa hàng vật liệu xây dựng gần cầu Băng Ki, Q.Bình Thạnh. Chị Lê Thị Kim Hoa, 45 tuổi, trông coi cửa hàng, xác nhận những hình ảnh và câu chuyện trên mạng xã hội những ngày qua là viết về chồng và mẹ đẻ của chị.
Chồng chị, anh Trần Long Ẩn (46 tuổi) đang phải lái xe, giao hàng cho khách từ sáng sớm. “Mẹ tôi già yếu, trong người có rất nhiều bệnh nên muốn đi đâu cũng khó. Mẹ tôi chưa được đi du lịch biển bao giờ nên lúc nào cũng nói với các con, khi nào các con giàu, cho mẹ đi tắm biển một chuyến. Vợ chồng chúng tôi thương mẹ, và bảo nhau biết đến bao giờ mới giàu được, bây giờ mình có thế nào, mình yêu thương mẹ bằng vậy. Cách đây 3 tuần lễ, chồng tôi chở mẹ và con trai đi Vũng Tàu, ngay trên xe ben chở hàng, mang theo đồ ăn để ăn dọc đường”, chị Hoa chia sẻ.
“Cái xe không êm ái như xe 5 chỗ, 7 chỗ xịn đẹp khác, mẹ và con tôi ngồi nép cạnh nhau trên cabin, nó chồm lên chồm xuống, nhưng mà về nhà mặt mẹ rất tươi tỉnh, dù đi đường mệt nhoài”, chị Hoa kể tiếp.
Chị Hoa cho hay gia đình chị thuê mặt bằng ở đường Nơ Trang Long này bán xi măng, cát sỏi từ đời ông ngoại, đến nay cũng hơn 30 năm.
Hạnh phúc là còn có mẹ trên đời
Giữa lúc chúng tôi đang trò chuyện thì anh Ẩn về nhà để lấy hàng, rồi lại tiếp tục hành trình mưu sinh. Gạt mồ hôi, anh cười hiền: “Tôi chạy xe miết, có gì cô cứ hỏi vợ tôi nghen”. “Anh ấy ít nói, thương mẹ là để trong lòng, mua cho mẹ miếng ăn ngon, hỏi vợ là bệnh của mẹ ra sao, rồi đưa mẹ đi chơi”, chị Hoa tự hào kể về chồng.
Chị Hoa cho hay với mẹ vợ hay mẹ đẻ, anh Ẩn đều yêu thương hết mực, khi hai mẹ nằm viện cũng như khi khỏe mạnh. Trước đó nữa, khi ông bà ngoại chị Hoa bị ốm liệt giường rồi qua đời, một tay anh Ẩn cũng bồng bế ông bà, tắm rửa, thay tã cho ông bà không ngần ngại.
Mẹ đẻ anh Ẩn năm nay đã ngoài 70 tuổi, hiện cũng đang sống cùng con cháu tại Đồng Tháp. Vợ chồng anh Ẩn không cứ là lễ, tết mới về thăm mẹ, mà lúc nào bố trí được thời gian, cả nhà về quê, bằng xe khách, xe ben, hay xe gắn máy.
Con cái học gương hiếu thảo từ cha mẹ
Con trai vợ chồng anh Ẩn, chị Hoa đang học lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Bé, Q.Bình Thạnh. Học được từ tấm gương cha mẹ nên cháu chăm ngoan, hiếu thảo, ngày nghỉ lại tới cửa hàng, phụ ba mẹ vác xi măng, cát hoặc đi cùng ba giao hàng cho khách.
Chị Hoa bộc bạch: “Trẻ em như tờ giấy trắng, tôi muốn dạy cho con từ chính cách chúng tôi đối nhân xử thế trên đời. Với mẹ, dù mẹ đẻ hay mẹ chồng, chúng tôi không thích kể chuyện buồn cho hai mẹ nghe, sợ các cụ thêm suy nghĩ, thêm bệnh. Chúng tôi thích những lúc đoàn viên, được kể với nhau chuyện vui, để các mẹ được cười nhiều hơn. Vợ chồng tôi quan niệm, hạnh phúc là còn mẹ ở trên đời, mình làm được gì cho mẹ vui, khiến mẹ hạnh phúc thì mình sẽ làm, để mình cũng cảm nhận được niềm vui, sự hân hoan từ mẹ”.
|
Bình luận (0)