Có nhiều lý do để giật mình. Thứ nhất, giá cước dịch vụ viễn thông của VN theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Nam Thắng là "tương đối phù hợp thu nhập người dân". Đã "phù hợp" mà còn đòi tăng thêm, vậy rõ ràng là "ép" người dân phải mua với giá đắt? Thứ hai, cách đây chưa đầy 2 tháng, các nhà mạng vừa đồng loạt tăng giá cước 3G, có gói tăng đến 40% nhưng giờ lại "đòi" tăng nữa liệu có thỏa đáng? Phải chăng do nhiều người tẩy chay 3G sau vụ tăng giá vừa rồi nên họ đề nghị tăng giá cước để bù vào? Thứ ba, cơ quan quản lý lấy lý do tăng thêm để "phù hợp với cơ chế thị trường". Vậy hãy làm rõ cho người dân được biết, cơ chế thị trường nào cho phép các nhà mạng "bắt tay" tăng cùng giá, tăng cùng thời điểm như họ vừa làm với các gói cước 3G?
Tương tự, với lý do thiếu vốn, EVN cũng đang bày tỏ ý định kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giá điện "theo cơ chế thị trường". Để thực hiện việc này, nhiều con số được đưa ra nhằm chứng minh giá điện tại VN đang rẻ hơn các nước trong khu vực. Nhưng các nhà quản lý dường như cố tình "quên" rằng thu nhập của chúng ta thấp hơn nhiều so với những nước bán điện giá cao. Quan trọng hơn là những khuất tất lỗ lãi, việc "đẩy" cả những chi phí không đúng quy định vào giá điện mà Thanh tra Chính phủ phát hiện ra vẫn chưa được làm rõ thì không có lý do gì để xin tăng giá. Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa yêu cầu rà soát việc EVN tính biệt thự vào giá điện và báo cáo trước tháng 2.2014. Như vậy, trước khi đề xuất tăng giá để lấy vốn đầu tư, hãy minh bạch cho dân biết, bao năm qua ngành điện đã làm gì để giảm thất thoát điện, giảm chi phí cấu thành giá điện? Đừng để người dân phải gánh việc tăng giá khi mọi chuyện rơi vào tình thế "đã rồi" như từng xảy ra.
Trong khi đó, tác động của việc tăng giá các sản phẩm dịch vụ đầu vào đã được chứng minh rất rõ ràng và cụ thể trong mấy năm qua. Đó là sự suy kiệt của túi tiền người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Nực cười hơn, cùng lấy "cơ chế thị trường" làm lý do xin tăng giá nhưng cả hai ngành này cũng đều quên rằng một cơ chế thị trường thực sự là nơi mà người tiêu dùng có thể sử dụng hàng hóa, dịch vụ với giá rẻ nhất, chất lượng tốt nhất có thể chứ không phải là cuộc cạnh tranh tăng giá như họ đang làm hiện nay.
Theo lộ trình, năm 2014, giá dịch vụ y tế sẽ tăng trung bình khoảng 20%, dịch vụ giáo dục, tiền lương... cũng đều đã có kế hoạch tăng. Nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ lại đối mặt với lạm phát ngay trong vùng trũng của giảm phát kinh tế hiện nay.
Nguyên Khanh
>> Cục Quản lý cạnh tranh điều tra việc tăng giá cước 3G
>> Yêu cầu kiểm tra việc đồng loạt tăng cước 3G
>> Chính phủ yêu cầu kiểm tra vụ "Đồng loạt tăng giá 3G
Bình luận (0)