Làm báo thời nay: Dễ và khó

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
23/06/2022 09:01 GMT+7

Ấy là nói chuyện làm báo thời công nghệ phát triển như hiện nay. Về cơ bản, nó có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng kéo theo lắm điều phiền toái. Dễ thì cũng dễ mà khó cũng thật là khó.

Trong số bạn đọc chúng ta, hẳn ai cũng đã từng bực mình về câu chuyện “Tít một đường, nội dung một nẻo”, và ít nhất cũng từng cằn nhằn câu “Giật tít câu view”… Đó là câu chuyện mà người viết bài này sẽ đề cập kỹ hơn ở phần sau. Giờ xin điểm lại vài chuyện về “làm báo truyền thống” - là tạm gọi vậy thôi chứ định nghĩa thế nào là “truyền thống” cũng khó lắm, hay là gọi cho dễ hình dung “làm báo theo kiểu cũ”.

Thể loại rạch ròi

Kể lại chuyện chưa lâu: Cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ 20, tờ Lao Động Chủ nhật in màu, tòa soạn tại TP.HCM, thường đưa ra trang nhất ảnh và chapeau (sapo) một phóng sự, thường gọi là “bài đinh”. Hồi đó, tác giả nào có phóng sự như thế rất lấy làm tự hào. Lý do là đề tài hay, cách viết tốt, ảnh đẹp, đặc biệt là phải đúng thể loại phóng sự. Những bài đó được chấm nhuận bút rất cao.

Sơ đồ mô phỏng quá trình từ bài viết đến người tiếp nhận

N.T.T

Hồi đó, ngay “thể loại phóng sự” cũng là một đề tài để các tòa soạn tranh luận. Theo sự hiểu biết của cá nhân, tôi thấy, có thể lấy phóng sự của báo Lao Động hồi đó làm chuẩn mực (khiêm tốn hơn thì để tham khảo).

Sau đó một thời gian, nhà văn, nhà báo Vĩnh Quyền chủ biên quyển Phóng sự và cách viết phóng sự, tập hợp những bài viết của các “cây phóng sự” nói về cách viết phóng sự của mình. Một quyển sách về chuyên môn nhưng sinh động, cuốn hút, rất bổ ích cho người làm nghề.

Kể chuyện này để nói, thời đó, các thể loại báo chí rất rạch ròi: Ghi chép, tường thuật, điều tra, phóng sự, ký sự, bút ký… đều có tiêu chí riêng của nó. Các sinh viên báo chí cũng được học “Các thể loại báo chí” rất kỹ.

Những nhà báo in được tập phóng sự là rất hiếm. Có thể kể tên ra được.

Tương tự, các thể loại khác cũng thế. Ví dụ như ở Thanh Niên, các bài tường thuật của Đỗ Hùng từ World Cup hay các vùng có chiến sự; tường trình của Ngọc Thịnh từ Afghanistan; Việt Phương, Minh Quang từ Thái Lan, Thục Minh từ Singapore… đều “đâu ra đó”.

“Xóa nhòa” thể loại

Nói “xóa nhòa” thì hơi quá, đúng ra là các thể loại lẫn lộn, không còn phân biệt rõ ràng, có lẽ bắt đầu từ thời có báo điện tử.

Trong các trường học, sinh viên vẫn được học “Các thể loại báo chí”, nhưng khi ra hành nghề thì tác phẩm không mấy rõ ràng. Các tòa soạn cũng ít đề tên tác giả sau các thể loại, ví dụ: Ghi chép của Minh Quang, hay Đỗ Hùng (tường trình từ…).

Có một cảm giác rất cá nhân, rằng, hầu như người ta quan niệm cái gì dài gọi là bài, cái gì ngắn gọi là tin (nhiều người nói vui là tin dài gọi là bài, bài ngắn gọi là tin).

Điều tra là thể loại hay bị “lạm dụng” nhất. Một tác giả lấy tài liệu từ các cơ quan pháp luật, về viết lại cũng gọi là “điều tra”. Thực ra, người ta điều tra còn mình chỉ lược thuật lại. Trong khi, điều tra là tự mình hoặc nhóm mình trực tiếp điều tra.

Đối với ảnh cũng thế. Thường nhiều ảnh thì gọi là “phóng sự ảnh”, thực ra để có một “phóng sự ảnh” đòi hỏi cao hơn nhiều. Không tường thuật bằng chữ mà tường thuật bằng ảnh kèm chú thích thì cũng chỉ là tường thuật thôi.

“Anh Google” dẫn dắt

Quay trở lại vấn đề đặt ra từ đầu bài viết: “Tít một đường, nội dung một nẻo”, “Giật tít câu view”… Đó là bởi người viết hoặc người biên tập đã áp dụng các tiêu chí do Google hoặc các công cụ tìm kiếm khác và các mạng xã hội. Nói một cách dễ hiểu, đó là phải viết thế nào để các công cụ tìm kiếm nhận dạng được. Chuyên môn người ta gọi là “Tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm” (Seo copywriting - gọi tắt là SEO).

Theo đó, người viết phải lấy từ nào làm từ khóa, đặt tít thế nào, viết chapeau ra sao, chèn các từ khóa vào nội dung theo tỷ lệ nào, phần kết phải nhắc lại từ khóa ra sao… để các công cụ tìm kiếm nhận diện. Người viết phải theo “nguyên tắc” nhất định, chèn nhiều từ khóa cũng không được, ít cũng không được… Đó là lý do nhiều người viết hoặc nhiều trang mạng phàn nàn vì sao bài mình không “hiện lên” hoặc tìm kiếm không ra.

Không chỉ những người làm báo mà những người viết PR cho sản phẩm của mình cũng phải hiểu cách viết tối ưu, thành thục giữa nội dung và kỹ thuật thể hiện.

Đây là một môn học, một kỹ năng, không thể nói vài câu là hiểu mà đại khái có thể diễn đạt: Người viết phải biết chọn từ khóa ra sao, cách đặt tít thế nào, body text, anchor text, description, tag, ảnh...

Cụ thể hơn, từ khóa phải đưa vào tít, chèn từ khóa vào câu đầu tiên, đoạn (100 chữ) đầu tiên, giữ từ khóa theo tỷ lệ 1 đến 1,25% (có nghĩa từ khóa phải xuất hiện mật độ 1 đến 1,25 lần trong 100 từ). Nhiều hơn sẽ bị Google coi là spam từ khóa, sau đó họ sẽ “chán” ngay. Từ khóa cũng nên chọn làm sao có sự liên quan để gắn link (anchor text) bài viết liên quan.

Đến đây cần nói thêm chút về “từ khóa”. Nó là những từ vốn đã “nổi tiếng” (thường là nhân vật, địa danh, sự việc… hoặc sự việc đang hot) được nhiều người quan tâm trên mạng.

Từ vấn đề này nên mới nảy sinh câu chuyện “giật tít câu view”. Đưa vào tít những từ trong một bản tin nhạt nhẽo: “Hoa hậu X bị vắt cắn trong chuyến làm thiện nguyện”. Bản thân hoa hậu và tên hoa hậu là một từ khóa; vắt cắn, thiện nguyện… cũng là những từ khóa. Điều đáng nói ở đây, hoa hậu làm thiện nguyện là câu chuyện tốt nhưng đi rừng vắt cắn không phải là chuyện lớn; cọp vồ, rắn cắn… mới đáng nói. Hoặc “LNK cắn môi chảy máu vì ăn bánh tráng trộn”…

Vấn đề này nó liên quan đến đề tài báo chí. Những chuyện đại loại như thế đưa lên thường được rất nhiều người đọc, view rất cao, mà view là mục đích trước hết của vài tòa soạn.

Làm sao cho hài hòa?

Nói ra thì dài dòng, nhưng đó là câu hỏi cần được những người làm báo cân nhắc nghiêm túc.

Trước hết là chọn đề tài.

Bản thân tôi thấy nhiều đề tài nghiêm túc như chuyện chính trị - xã hội, tình yêu, hôn nhân, gia đình, chuyện học hành, chuyện dạy con, chuyện làm ăn, chuyện ứng xử, chuyện sức khỏe, ngay cả chuyện ẩm thực cũng rất được nhiều người đọc.

Chọn được đề tài nhiều người quan tâm, thể hiện nó bằng văn phong từ tốn, chững chạc, khi cần khôi hài thì khôi hài, châm chọc thì châm chọc… đúng cách thì đều hấp dẫn. Dĩ nhiên, như đã nói phần trên, phải nắm vững kỹ thuật SEO để vận dụng một cách tối đa.

Điều quan trọng nhất, theo người viết bài này, là các tòa soạn, từ phóng viên, biên tập viên - các công đoạn duyệt bài nên tôn trọng bạn đọc bằng cách đừng để lọt nhiều “hạt sạn” như đề cập. Vì, báo chí tất nhiên là thông tin nhưng thông tin là để xây dựng văn hóa cho con người.

Nói dễ cũng dễ mà khó cũng khó là ở chỗ đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.