Kỳ vọng bầu chọn một đại biểu dân cử có đủ phẩm chất đạo đức, có năng lực, tâm huyết, sẵn sàng bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, đủ điều kiện diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân ...luôn là điều trăn trở của cử tri trước những kỳ bầu cử Quốc Hội và HĐND các cấp.
Bài toán cơ cấu và chất lượng luôn khó giải. Đối với một tập thể, phụng sự cho một mục đích nào đó, nếu có một cơ cấu hợp lý sẽ tạo nên sức mạnh thật sự cho tập thể đó. Vấn đề ở đây lúc này là “một cơ cấu hợp lý sẽ tạo ra chất lượng cho tập thể”. Băn khoăn lớn nhất của cử tri, của Đảng, của toàn dân là khi đã có một “cơ cấu hợp lý” rồi, làm thế nào để có thể chọn được những người thật sự xứng đáng trong cơ cấu cho Quốc hội và HĐND?
Thật ra, cách lập cơ cấu hiện nay nếu không khéo nhiều khi cũng làm giảm chất lượng. Cụ thể như trong các phiên truyền hình trực tiếp cho cử tri nghe, mặc dù đại biểu nào cũng phát biểu rất hay, bài rất hoàn chỉnh song “hình như” là cơ cấu giống nhau khi có rất nhiều bài phát biểu hết sức giống nhau.
Quy định yêu cầu các đại biểu phải có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, song quy định này khó lòng thực hiện được, khi mà có tới trên 2/3 số đại biểu kiêm nhiệm nên việc vắng mặt của không ít các đại biểu tại các phiên họp cũng là dễ hiểu, vì phải lo giải quyết công việc khác đôi khi còn cấp bách hơn. Một vị Bộ trưởng khó có thể đi họp liên tục suốt 40 ngày, lãnh đạo địa phương cũng cần về họp thường vụ, nhiều đại biểu khác cũng kiêm nhiệm nên cần giải quyết công việc ở địa phương…
|
Phải nói rằng, cách làm nhân sự bầu cử, ứng cử chưa thật sự khoa học, dân chủ, công tâm, cũng còn đôi lúc hình thức, chỗ nầy chỗ kia quá chú trọng cơ cấu xem nhẹ chất lượng.
Thật ra, trong hàng trăm đại biểu HĐND và cả Quốc Hội, không tránh khỏi có người này, người kia coi việc làm chính trị nói chung và làm đại biểu dân cử nói riêng không phải do một sự thôi thúc cống hiến cho xã hội.
Đúng ra, việc làm chính trị nói chung và làm đại biểu dân cử nói riêng phải như một sự thôi thúc chứ không phải chuyện kiếm sống, kiếm chỗ đứng, ghế ngồi...
Rất tiếc là không có chế tài gì đối với các đại biểu “phai nhạt trách nhiệm” trở thành “hội đồng ừ,hội đông gật” vô cảm trước những bức xúc của dân. Họ chỉ vi phạm nội quy, chưa đến mức bị bãi nhiệm,vì bãi nhiệm là cả vấn đề. Ở đây có thể xem là họ đã “tự bãi nhiệm”!
Trách nhiệm nặng nề của cử tri sắp tới là phải sáng suốt lựa chọn cho được những đại biểu đạt yêu cầu, không nên nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn năng lực. Chọn cho được những đại biểu tâm huyết, có trình độ, am hiểu sâu sắc về các lĩnh vực kinh tế - xã hội thì mới có những ý kiến đóng góp thiết thực, để các Nghị quyết của Quốc hội và HĐND có chất lượng, đi vào cuộc sống. Còn người ứng cử cần phải có tinh thần trách nhiệm cao hơn, nhiệt huyết hơn, năng nổ hơn chuẩn bị chương trình hành động, làm sao để cử tri hiểu được mình, ủng hộ cho mình.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì đây là cuộc bầu cử đánh dấu Việt Nam hội nhập sâu vào thế giới. Thành công của cuộc bầu cử sẽ góp phần to lớn vào quá trình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cũng thông qua cơ quan dân cử sẽ phát huy năng lực trí tuệ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, giữ gìn tròn vẹn non sông bờ cõi, lãnh thổ thiêng liêng của đất nước.
Bình luận (0)