Lâm Đồng: Hàng trăm héc ta rừng giao cho cộng đồng bị phá, lấn chiếm

31/10/2019 10:24 GMT+7

Toàn tỉnh Lâm Đồng có 8 mô hình giao rừng cho cộng đồng quản lý bảo vệ thì có đến 5 cộng đồng để hàng trăm héc ta rừng bị phá, lấn chiếm.

Thông tin trên được Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết vào ngày 30.10. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 8 cộng đồng dân cư được giao đất, giao rừng với tổng diện tích hơn 2.260 ha. Trong số này, chỉ có 3 cộng đồng dân cư ở H.Đức Trọng, H.Đam Rông và cộng đồng dân cư thôn Ka La Tơng Gu (H.Di Linh) được giao tổng cộng khoảng 990 ha là quản lý, bảo vệ tốt. Còn lại 5 cộng đồng ở các xã: Gia Bắc, Sơn Điền (H.Di Linh) và xã Lộc Bảo (2 cộng đồng), Lộc Nam, (H.Bảo Lâm) được giao tổng cộng 1.270 ha thì lại để phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp lên đến hàng trăm héc ta.

Cơ quan chức năng kiểm tra 1 khu vực rừng cộng đồng bị phá

Ảnh: G.B

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, 5 cộng đồng ở các xã Gia Bắc, Sơn Điền, Lộc Bảo, Lộc Nam đã để mất hơn 102 ha rừng và để lấn chiếm 102,4 ha đất lâm nghiệp. Điều đáng nói nhất, tình trạng người dân của cộng đồng nhận rừng rồi tự phá rừng, tác động trái phép, lấn chiếm đất rừng làm rẫy xảy ra khá phổ biến (chủ yếu để trồng cà phê, bơ, bắp, điều, trong đó nhiều diện tích cây cà phê đã cho thu hoạch).
Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND H.Di Linh và UBND H.Bảo Lâm thu hồi 5 mô hình giao rừng cộng đồng tại các xã nói trên do 5 cộng đồng này không phù hợp để quản lý rừng cộng đồng. Diện tích để mất rừng lớn, đối tượng không đúng quy định; có diện tích rừng tự nhiên trước đây cho cải tạo hiện không còn phù hợp và diện tích đã cải tạo để trồng rừng lại để bị lấn chiếm. Sau khi thu hồi giao cho chủ rừng nhà nước thiết kế, giao khoán rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho chính các hộ thuộc cộng đồng này nhận khoán.
Không chỉ đề nghị thu hồi, Sở NN-PTNT Lâm Đồng còn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để mất rừng đã giao cho các cộng đồng, xử lý hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý theo quy định. Đồng thời xây dựng kế hoạch giải tỏa cây trồng trái phép trên phần diện tích rừng bị mất, đất bị lấn chiếm để trồng lại rừng, phục hồi rừng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.