Lâm Đồng: Lại “nóng” chuyện phá rừng

07/07/2012 11:59 GMT+7

(TNO) Chuyện phá rừng một lần nữa lại trở thành đề tài “nóng” tại cuộc họp HĐND tỉnh Lâm Đồng lần thứ 4 khóa VIII (diễn ra ngày 6.7).

(TNO) Chuyện phá rừng một lần nữa lại trở thành đề tài “nóng” tại cuộc họp HĐND tỉnh Lâm Đồng lần thứ 4 khóa VIII (diễn ra ngày 6.7).   

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng là người phải trả lời nhiều câu hỏi chất vấn nhất khi “đăng đàn”.   

Nhiều năm qua, mặc dù báo chí liên tục phản ánh, cử tri nhiều lần có ý kiến, chính quyền nhiều lần chỉ đạo giải quyết nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chống người thi hành công vụ ở Lâm Đồng vẫn tồn tại dai dẳng.

Trong hai cuộc họp HĐND lần trước và tại cuộc họp HĐND lần này, Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Minh (lần trước ông Minh là Phó giám đốc) đều giải trình: tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở địa phương diễn biến hết sức phức tạp, chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.

Điều phức tạp ở đây là “lâm tặc” hoạt động hết sức tinh vi. Chúng cắt cử người theo dõi “nhất cử, nhất động” của lực lượng chức năng, sẵn sàng đánh trả khi bị phát hiện. Những người vi phạm sử dụng xe “chế, độ” hết hạn sử dụng để vận chuyển lâm sản trái phép, khi bị phát hiện thường sử dụng số đông chống lại hoặc vứt bỏ phương tiện, tang vật để chạy trốn.

Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có tới 960 vụ vi phạm Luật Bảo vệ phát triển rừng và cơ quan chức năng đã xử lý 915 vụ, trong đó chỉ có 23 vụ chuyển xử lý hình sự; tịch thu hơn 1.800 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, cùng 5 ô tô, 190 xe máy, 138 phương tiện khác…

Đáng nói là, việc cho các doanh nghiệp (DN) thuê đất, thuê rừng để đầu tư lại vô hình trung trở thành họa “giao trứng cho ác” khi nhiều dự án không hoặc chậm triển khai đầu tư, vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, về sử dụng đất đai.

Thời gian qua, Lâm Đồng có 23 DN để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép. UBND tỉnh đã yêu cầu bồi thường trên 8,3 tỉ đồng giá trị tài nguyên rừng nhưng mới chỉ có số ít DN chịu nộp với số tiền khoảng 3,5 tỉ đồng, còn lại chưa chấp hành.

Mới đây, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng có kết luận: việc cho thuê đất, thuê rừng bị nhiều DN lợi dụng khi xin phép trồng rừng nhưng lại “tận thu” lâm sản rồi sang nhượng đất, dự án để kiếm lời. Nhiều DN xin cấp đất làm dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng nhưng mục tiêu là kinh doanh bất động sản, xây biệt thự, nhà nghỉ để sang nhượng hoặc thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép…        

 
Rừng đã giao doanh nghiệp nhưng vẫn bị tàn phá

Bài, ảnh: Gia Bình

>> Khởi tố thêm 3 người trong vụ phá rừng tại Hà Tĩnh
>> Phá rừng phòng hộ
>> Bao che cấp dưới phá rừng, "đổ tội" cho nông dân
>> Phá rừng gỗ quý trồng mía
>> Vụ phá rừng thông để khai thác đá: Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tạm dừng
>> Lập biên bản 18 hộ dân phá rừng đầu nguồn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.