Tê yếu tay chân, tổn thương tủy sống, suy giảm sinh dục
Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian gần đây, bệnh nhân nhập viện điều trị do ngộ độc, lạm dụng bóng cười có xu hướng tăng. Các bệnh nhân hầu hết là những người trẻ, trong độ tuổi 18 - dưới 30.
Ngay trong các tuần cuối tháng 8, trung tâm tiếp nhận 3 ca vào điều trị, là các trường hợp lạm dụng bóng cười.
Trong số nhập viện có bệnh nhân nữ 28 tuổi ở Hà Nội, vào viện trong tình trạng tê yếu hai chân, đứng không vững, không đi lại được; tay, chân thường xuyên có cảm giác châm chích.
Nữ bệnh nhân cho hay, trước nhập viện, cô đã có 3 năm dùng bóng cười, mức độ 3 lần/tuần, mỗi lần hơn 10 quả. Khoảng 2 năm gần đây, bệnh nhân xuất hiện tê bì, châm chích chi. Mức độ tê bì tăng hơn trong khoảng 1 năm gần đây. Khoảng 2 ngày trước nhập viện, bệnh nhân yếu hai chân, đứng không vững, không đi lại được, cảm giác đau buốt khi vận động.
Một trường hợp khác vào điều trị tại Trung tâm Chống độc mới đây là nam bệnh nhân 27 tuổi, từng dùng bóng cười trong 1 năm qua, mỗi ngày hút 2 - 3 bình khí bóng cười. Trước nhập viện, từ 3 tháng qua, bệnh nhân đã bị tê yếu tay chân, đi lại hạn chế.
Theo TS - BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), bóng cười (chứa khí N2O) khi sử dụng nhiều, lạm dụng thì thực sự gây hại cho sức khỏe như ngộ độc cấp, hôn mê, co giật, hôn mê loạn nhịp tim, tụt huyết áp.
Nếu hít nhiều lần, trong thời gian dài, khí này gây tổn thương hệ thần kinh (các chất trắng của hệ thần kinh, đặc biệt ở tủy sống, mà trọng tâm là tủy sống cổ - "yết hầu" của cơ thể) với mức độ tổn thương rất nặng.
N2O cũng gây tổn thương não, dây thần kinh khiến bệnh nhân rối loạn cảm giác, bị tê bì, liệt tất cả các cơ. Đó là lý do mà nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng hạn chế hoặc không đi lại được, ảnh hưởng chức năng sống. Kết quả chụp chẩn đoán với các bệnh nhân này cho thấy, hình ảnh tủy sống bị tổn thương rất nặng. Khi chụp cắt ngang thấy hình ảnh tổn thương có thể lên đến 1/3 tủy sống, rất nặng nề.
Ngoài ra, N2O còn ảnh hưởng đến tâm thần, gây rối loạn tâm thần do tổn thương não. Với máu, khí này còn gây thiếu máu do ức chế tủy xương gây suy tủy xương. Với cơ quan sinh dục, N2O làm giảm khả năng sinh dục nam và nữ.
Theo Bộ Y tế, khí N2O là hóa chất được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như trong công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, sử dụng trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ...). Trong y học, đây là chất gây mê, an thần, giảm đau trong lĩnh vực nha khoa, sản khoa, thể thao… Trong thực phẩm, N2O là một phụ gia được phép sử dụng theo danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế.
Tác động như ma túy, gây tăng liều
BS Nguyên lưu ý, khí N2O có tác động thực sự và rõ ràng với thần kinh, tâm thần, tim mạch và kể cả tác động sâu trong tế bào. Cách thức tác động của chất này giống như nhóm ma túy heroin, khiến cho những người dùng bóng cười đều tăng liều.
Tác dụng đó khiến cho, từ chỗ hít một vài quả/lần, người sử dụng tăng lên vài chục quả, thậm chí dùng đến vài bình khí - tương đương cả trăm quả bóng cười/ngày (mỗi bình chứa lượng khí N2O tương đương với lượng khí của 50 - 60 quả bóng cười).
"Trong các năm gần đây, các bệnh nhân vào điều trị do ngộ độc, lạm dụng bóng cười có xu hướng tăng chứ chưa thấy giảm, có trường hợp phải tái nhập viện do tác hại của N2O", BS Nguyên đánh giá.
Mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O; tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O.
Các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm quy định, nguyên tắc sử dụng phụ gia thực phẩm, không được lạm dụng, sử dụng sai mục đích; phải tuân thủ khai báo nhập khẩu, kinh doanh khí N2O làm phụ gia thực phẩm (bảo đảm truy xuất được người bán và người mua).
Bình luận (0)