Lăng kính bạn đọc:

Làm gì để dứt cảnh quảng cáo thuốc kiểu thổi phồng?

Trí Minh
(tổng hợp)
02/03/2023 05:16 GMT+7

Quảng cáo thuốc bất hợp pháp đang diễn ra bát nháo trên mạng xã hội. Bạn đọc đề nghị các ngành chức năng xử lý mạnh tay, không để xảy ra cảnh dọn dẹp yên một thời gian rồi tái diễn.

Sở Y tế TP.HCM ngày 28.2 cho biết đã có văn bản gửi Sở TT-TT và Phòng y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thuốc, kinh doanh thuốc, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Bộ Y tế.

Làm gì để dứt cảnh quảng cáo thuốc kiểu thổi phồng?  - Ảnh 1.

Hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội thời gian qua rất bát nháo

THANH NIÊN

Theo đó, Sở Y tế đề nghị Sở TT-TT phối hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến cho người dân về tác hại của việc tự mua thuốc điều trị. Vận động người dân đến khám và điều trị, mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc. Sở Y tế công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị về việc các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm để người dân tránh mua phải thuốc, sản phẩm không phải là thuốc chưa được phép lưu hành.

Thanh tra Sở Y tế được yêu cầu nắm bắt các thông tin về việc sản xuất, mua bán, quảng cáo thuốc bất hợp pháp trên các mạng xã hội và qua phản ảnh của các phương tiện truyền thông. Tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Sở Y tế đề nghị Phòng y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức thông báo đến các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy định về kinh doanh, quảng cáo thuốc và các sản phẩm không phải là thuốc. Chỉ quảng cáo các sản phẩm này (thông qua hình thức bảng quảng cáo, tờ rơi, tờ gấp... tại cơ sở bán lẻ thuốc) khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng có các cảnh báo trên trang web vfa.gov.vn và thông báo để các báo đăng tin, bài cảnh báo về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm. Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ TT-TT, Bộ Công thương, Bộ VH-TT-DL trong quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thành lập Tổ phản ứng nhanh xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Quảng cáo thuốc tràn lan, phản cảm

Thường xuyên tiếp nhận bị động các hình thức quảng cáo thuốc bất hợp pháp trên kênh mạng xã hội, nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự bức xúc. "Tôi mở YouTube thấy nhảy ra clip quảng cáo thuốc trị xương khớp, "nhức mắt" quá nên bỏ qua Facebook thì thấy hiện lên clip nghệ sĩ quảng cáo thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Cảm giác đi đâu cũng gặp quảng cáo thuốc, tưởng như xã hội có rất nhiều người bệnh tật", BĐ Trương Quân ngao ngán.

Đồng tình, BĐ Kim cho biết thêm: "Các quảng cáo trên YouTube hiện nay rất phản cảm, thiếu văn hóa, nhất là quảng cáo yếu sinh lý. MC rất vô duyên, thiếu văn minh lịch sự, khi quảng cáo về thuốc trị tiểu đường. Việc quảng cáo thuốc tràn lan gây phản cảm, bức xúc cho nhiều người".

BĐ Lens nêu góc nhìn về tình trạng này: "Giờ vô mạng xã hội là thấy quảng cáo ở bất cứ đâu chứ không như trước đây chỉ có trên ti vi, những quảng cáo kiểu này đi thẳng vô nhà dân. Nhiều người thiếu hiểu biết cộng với tâm lý có bệnh thì tìm thuốc mua rồi tiền mất tật mang. Mà trên ti vi còn có kiểm duyệt chứ trên mạng xã hội thì ai quản lý cho xuể".

Trong khi đó, BĐ Xuan Vuong cho rằng người dân có thể tránh được, bằng cách: "Người bệnh thì cứ đi tới bệnh viện, phòng khám mà thăm khám điều trị, việc gì đi mua thuốc theo quảng cáo của mấy người trên mạng? Theo tôi, ý thức người dân là quan trọng, không ai mua thuốc hay chữa trị theo như trên mạng nữa thì họ tự dẹp thôi".

Phạt nặng hành vi quảng cáo sai sự thật

Thực tế, hành vi quảng cáo thuốc phạm luật trên mạng xã hội không mới, tuy nhiên rộ lên thời gian gần đây. BĐ TC cho rằng người đứng ra quảng cáo cần có tiêu chuẩn: "Nên quy định người quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng phải là dân chuyên ngành. Điều này nhằm tránh tình trạng quảng cáo thuốc bát nháo, lu bu, thật giả lẫn lộn, thổi phồng".

Ở khía cạnh khác, BĐ Cuong Pham Phu nêu ý kiến: "Cứ bắt những người quảng cáo thuốc, sữa, thực phẩm chức năng, kem trị mụn... làm cam kết. Nếu người tiêu dùng xảy ra sự cố thì những người quảng cáo phải chịu trách nhiệm hình sự và đền bù cho người sử dụng bị biến chứng".

BĐ Luxury đặt vấn đề: "Cơ quan chức năng ở đâu, có thường xuyên kiểm tra chất lượng thuốc cũng như phương pháp chữa trị từ mấy quảng cáo này không. Rồi việc quản lý các nghệ sĩ ra sao để họ lên mạng ra rả nói về cách chữa bệnh mà nhiều khả năng là không có cơ sở khoa học nào. Các bên cần phải phối hợp đồng bộ, ra tay giải quyết thì mới hy vọng chấm dứt tình trạng này".

Đối chiếu từ góc độ pháp luật, BĐ Hiep Vo Hong khẳng định: "Việc quảng cáo sai sự thật, thổi phồng chất lượng sản phẩm là hành vi sai trái. Các loại thuốc chữa bệnh là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, nên cần phải được quản lý nghiêm ngặt. Đề nghị nhà nước có chế tài ngay lập tức hành vi này, xem như tội lừa đảo. Người tham gia quảng cáo được xem như là đồng phạm trong tội lừa đảo. Phạt hoặc truy tố thật nặng".

* Việc quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, thổi phồng và chưa được phép, thì có được gọi là muốn lừa người tiêu dùng và qua mặt cơ quan chức năng không?

Trinh Cuong

* Đề nghị các cơ quan quản lý yêu cầu diễn viên, nghệ sĩ, những người nổi tiếng không quảng cáo các loại thuốc và sản phẩm chức năng nữa. Sản phẩm chức năng gì mà bệnh nào uống cũng khỏi. Toàn lừa đảo những người không hiểu biết.

Van Hoan

* Ngoài việc xử lý nghiêm những nghệ sĩ và bất kỳ ai đóng kịch quảng cáo về tác dụng thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, thậm chí chữa bách bệnh, cần phải xử lý nghiêm những tổ chức, đơn vị đăng tải những quảng cáo thổi phồng này. Có xử phạt nghiêm thì mới chấm dứt được.

Tuetranba

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.