Làm gì để giữ lực lượng y tế?

10/12/2021 06:59 GMT+7

Trong suốt hơn một năm qua, y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch rất vất vả, thu nhập lại giảm sút, đã có nhiều người xin thôi việc. Ngành y tế và các địa phương có đề xuất, quyết sách gì để hỗ trợ lực lượng y tế?

Thực trạng đáng lo

Năm 2020, lĩnh vực y tế công của TP.HCM có 597 người nghỉ việc, nhưng từ tháng 1 - 10.2021, có đến 988 người nghỉ việc. Theo Sở Y tế TP.HCM, số nhân viên y tế (NVYT) nghỉ việc rơi vào chủ yếu ở các trạm y tế (TYT).

Trạm y tế lưu động số 7 (P.14, Q.10, TP.HCM) do bác sĩ, học viên Học viện Quân y phụ trách

Khánh Trần

Tổng số biên chế phân bổ năm 2022 cho 310 TYT trên địa bàn TP.HCM theo định mức đề xuất là 4.156 (định mức biên chế này không bao gồm số lượng hợp đồng lao động), tức tăng 1.869 biên chế so với tổng số biên chế năm 2021 đã phân bổ cho TYT (2.287 biên chế ). Nhưng việc tuyển dụng NVYT cho TYT hiện nay rất khó khăn.

Số liệu từ Sở Y tế Đồng Nai cho thấy số lượng bác sĩ (BS) nghỉ việc hằng năm luôn ở mức cao. Năm 2019 là 104 BS, năm 2020 là 80 BS và năm 2021 (tính đến thời điểm tháng 11) có 79 BS nghỉ việc. Đối với điều dưỡng con số lần lượt tương ứng qua các giai đoạn vừa nêu là: 156, 131, 151.

Bác sĩ, điều dưỡng thăm khám, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1

KHÁNH TRẦN

Còn ông Trương Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp cho biết trung tâm có 202 người (gồm y, BS và nhân viên). Mới đây phải giải quyết cho 8 người nghỉ việc theo nguyện vọng. Ngoài ra, còn nhiều NVYT ở xã đã nộp đơn xin nghỉ việc nhưng chưa được giải quyết. Còn tại mỗi TYT xã, phường trên địa bàn có khoảng 10 người, nhưng có một số trạm NVYT nghỉ chỉ còn 5 - 6 người.

Nguyên nhân của tình trạng trên phần lớn được cho là do áp lực công việc trong phòng chống dịch, nhưng thu nhập thấp.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiều tháng qua, đội ngũ NVYT vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa phải đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Dịch bệnh tăng, anh em y tế quá tải, căng thẳng. Một số NVYT vì lý do sức khỏe và bị áp lực sau thời gian dài chống dịch đã nộp đơn xin nghỉ việc”, ông Bửu nói.

Covid-19 sáng 10.12: Cả nước 1.367.433 ca nhiễm | TP.HCM kêu gọi nhà thuốc tham gia chống dịch

Đi tìm giải pháp căn cơ

Trước tình hình vừa nêu, Sở Y tế Đồng Nai mới đây phát phiếu khảo sát, nhằm tìm giải pháp ngăn BS bệnh viện (BV) công thôi việc với tên gọi “Đánh giá thực trạng bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn Đồng Nai”. Trả lời Thanh Niên, BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, chia sẻ: “Câu chuyện BS công thôi việc, sang làm ở BV tư không phải mới và không riêng gì ở Đồng Nai. Tuy nhiên, lần này Sở Y tế phát phiếu khảo sát đánh giá thực trạng đã cho thấy sự quyết liệt hơn trong việc tìm giải pháp cho vấn đề này”.

Bảng khảo sát gồm 8 trang, tổng cộng 43 câu hỏi, bao quát các vấn đề như thu nhập; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; môi trường, điều kiện làm việc; chế độ, chính sách đối với việc thu hút nhân tài và cuối cùng là về quản lý, sử dụng nhân lực.

Còn tại Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết: “Tỉnh đã yêu cầu Sở Tài chính rà soát lại để hỗ trợ chi phí cho anh em y tế ở tuyến đầu chống dịch kịp thời để đảm bảo lực lượng anh em làm việc hiệu quả, ổn định đời sống gia đình để an tâm công tác”.

Ngày 9.12, theo thông tin Thanh Niên có được, trước đề xuất của các BV, Sở Y tế TP.HCM về cơ chế tài chính do giảm nguồn thu vì ảnh hưởng dịch Covid-19, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã có công văn gửi Sở Y tế, Sở Tài chính cho biết, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã có tờ trình Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy về cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế (CSYT) công lập trực thuộc Sở Y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19 hoặc có nguồn tài chính không đảm bảo do bị ảnh hưởng dịch Covid-19. BTV Thành ủy chấp thuận chủ trương. Do đó, UBND TP.HCM chỉ đạo triển khai thực hiện.

Đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) tại các CSYT được điều động tham gia phòng, chống dịch tại cộng đồng, khu cách ly tập trung, cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0, tại BV dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, BV hồi sức Covid-19 thì đảm bảo lương, các khoản đóng góp theo lương, các khoản phụ cấp theo quy định cho cán bộ, viên chức, NLĐ theo các quy định, theo số lượng thực tế tham gia. Đảm bảo chi thu nhập tăng thêm.

Riêng đối với NVYT là NLĐ (không thuộc đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018 của HĐND TP.HCM) được điều động tham gia trực tiếp vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ ổn định thu nhập với mức 3,7 triệu đồng/tháng (tương tự mức hỗ trợ cho nhóm lực lượng này tại các BV chuyển đổi công năng thành BV điều trị Covid-19).

Các bộ phận còn lại của các CSYT (ngoài bộ phận chuyển đổi công năng thành BV điều trị bệnh nhân Covid-19 và bộ phận được Sở Y tế điều động), trong khi chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế, trước mắt chấp thuận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho bộ phận còn lại của các CSYT.

Cụ thể, đơn vị ưu tiên sử dụng hết các nguồn tài chính hiện có của đơn vị. Trường hợp đã sử dụng hết các nguồn tài chính hiện có theo quy định, nhưng không đủ đảm bảo thì ngân sách nhà nước hỗ trợ chi trả lương, các khoản đóng góp theo lương, các khoản phụ cấp theo quy định cho số người làm việc thực tế tại đơn vị, nhưng không vượt quá số người làm việc được Sở Y tế ra quyết định giao hoặc thông báo. Chi ổn định thu nhập cho cán bộ, viên chức, NLĐ của đơn vị để đạt được mức thu nhập tăng thêm 0,6 lần lương ngạch bậc, chức vụ trong trường hợp tổng thu nhập tăng thêm bình quân của bộ phận này đạt dưới 0,6 lần. Thời gian xem xét hỗ trợ tính từ ngày 1.5.2021 đến khi dịch Covid-19 kết thúc, nhưng không quá ngày 31.12.2021.

Sở Y tế TP.HCM kêu gọi nhà thuốc tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19

Hoàn thiện các chính sách, đãi ngộ

Trong báo cáo lên Quốc hội về một số vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn vào tháng 11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có nêu về một số vấn đề liên quan chế độ cho đội ngũ cán bộ y tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức... đã được Chính phủ, các bộ ngành quy định chi tiết tại các nghị định, thông tư. Ngoài ra, công chức, viên chức công tác tại các CSYT công lập, nhất là hệ thống y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được hưởng; chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề; chế độ phụ cấp đặc thù và chế độ phụ cấp chống dịch.

Theo các quy định hiện hành, cán bộ, viên chức y tế, cán bộ quân y đang công tác tại các CSYT thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất là 70% mức lương theo ngạch bậc hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương theo ngạch hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Bên cạnh đó trong thời gian công tác, NVYT thôn, bản được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung.

Ngoài ra trong thời gian dịch Covid-19, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành các nghị quyết: quy định một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; quy định chế độ chống dịch cho các tình nguyện viên...

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết trong quá trình triển khai thực hiện, bộ này đã đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo tiền lương nhà nước và Bộ Nội vụ cho thực hiện: phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, viên chức y tế. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết để nâng cao chất lượng nhân lực y tế, thời gian tới ngành y tế tiếp tục hoàn thiện chính sách về xác định vị trí việc làm, công nhận chức danh hành nghề, giảng dạy lâm sàng; chế độ đãi ngộ về lương, phụ cấp cho người giảng dạy, người học chuyên khoa,... phù hợp với đặc thù đào tạo nhân lực y tế.

Đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng đủ số lượng cán bộ y tế các tuyến theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, đặc biệt chú trọng, tăng cường đào tạo cán bộ y tế các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, truyền nhiễm. Tiếp tục triển khai các đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.