Làm gì để phòng, chống xâm hại cho học sinh ?

Lê Thanh
Lê Thanh
30/12/2020 11:43 GMT+7

Hai sinh viên Trường ĐH Hùng Vương là Nguyễn Thị Khánh Linh và Đào Khánh Chi đã có nghiên cứu giúp phòng, chống xâm hại cho học sinh , nhất là học sinh bậc tiểu học.

Nghiên cứu vừa đoạt giải tại cuộc thi Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka 2020, do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.
Linh chia sẻ ngoài môi trường gia đình và trường học, thì thế giới bên ngoài luôn ẩn chứa rất nhiều điều mới mẻ song cũng không ít cạm bẫy, nguy hiểm với lứa tuổi học sinh tiểu học.
“Nếu trẻ em không có những kiến thức cần thiết để nhận diện và biết cách ứng phó tích cực để vượt qua những thách thức mà hành động theo cảm tính thì rất dễ gặp trở ngại, rủi ro trong cuộc sống. Chính vì vậy, giáo dục phòng, chống xâm hại cho học sinh tiểu học được coi là vấn đề cấp bách”, Linh nói.
Nghiên cứu của 2 sinh viên này được thực hiện trên 262 học sinh lớp 4 và 30 giáo viên của 3 trường tiểu học: Tuy Lộc, TT.Sông Thao và Sơn Tình, H.Cẩm Khê, Phú Thọ.
Để có được kết quả nghiên cứu khách quan, hai nữ sinh viên đã phối hợp các phương pháp như: điều tra giáo dục, quan sát, phỏng vấn sâu, thống kê toán học, trao đổi, trò chuyện, lấy ý kiến chuyên gia, thực nghiệm sư phạm, nghiên cứu trường hợp...
Kết quả nghiên cứu cho thấy có 38,9% học sinh tự đánh giá bản thân có thái độ tích cực, chủ động; 55,7% tỏ thái độ bình thường và 5,4% tỏ thái độ thờ ơ, bàng quan đối với công tác giáo dục phòng, chống xâm hại. Trong khi đó, có 76,7% giáo viên đánh giá rằng học sinh có thái độ không cần, thờ ơ, bàng quan đối với việc rèn luyện giáo dục phòng, chống xâm hại; 20% giáo viên đánh giá thái độ học sinh ở mức bình thường...
Từ những kết quả nghiên cứu, Linh và Chi cho rằng cần phòng, chống xâm hại cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm. Đó là giúp học sinh vận dụng tri thức, vốn kinh nghiệm để nhận diện, ứng phó những nguy hiểm từ những tác động bên ngoài nhằm tránh gây tổn thương nhất định, đảm bảo về mặt tâm lý và tinh thần được an toàn, khỏe mạnh và phát triển đầy đủ. Việc phòng, chống xâm hại sẽ bao gồm nhiều nội dung như: hành động tự xâm hại bản thân; tự làm đau, tổn thương bản thân, gây thương tích cả về thể xác lẫn tinh thần; nhận biết những nguy hiểm của bản thân nhưng vẫn cố ý thực hiện…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.