Làm gì để vượt qua hội chứng uể oải sau kỳ nghỉ lễ ‘dài như tết’?

Thảo Phương
Thảo Phương
01/05/2024 14:30 GMT+7

Những kỳ nghỉ lễ dài ngày là dịp để nhiều người có thể giải tỏa căng thẳng, nạp năng lượng. Tuy nhiên, khi kỳ nghỉ kết thúc, đối mặt với việc đi làm, đi học trở lại, không ít người trẻ cảm thấy buồn chán, tiếc nuối và hụt hẫng.

Lưu luyến những ngày nghỉ

Trong kỳ nghỉ lễ dài ngày nhiều người thoải mái ngủ nghỉ, vui chơi, thức khuya, dậy muộn… lịch sinh hoạt bị xáo trộn. Vì vậy, sau khi hết kỳ nghỉ phải quay lại với công việc, học tập, thích nghi lại với thói quen sinh hoạt thường ngày, nhiều người cảm thấy uể oải, mệt mỏi là điều dễ hiểu.

Làm thế nào để lấy lại tinh thần làm việc sau kỳ nghỉ lễ dài ngày?

Làm thế nào để lấy lại tinh thần làm việc sau kỳ nghỉ lễ dài ngày?

THẢO PHƯƠNG

Suốt những ngày nghỉ lễ, dù không đi du lịch đó đây nhưng dành phần lớn thời gian cho việc ngủ và cày phim thả ga, Lê Thị Cẩm Tú (23 tuổi), ngụ tại kiệt 82 Nguyễn Lương Bằng, P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, (TP.Đà Nẵng), chia sẻ: “Nếu bình thường mình sẽ đi ngủ lúc 23 giờ, thì những ngày nghỉ lễ không phải dậy sớm đi làm nên thức xem phim đến 2 - 3 giờ sáng. Vì không cần báo thức nên mình ngủ thả ga đến 11, 12 giờ. Cho nên khi nghĩ đến việc mai phải thức dậy đi làm lúc 6 giờ tự nhiên mình muốn được nghỉ lễ thêm”.

Người trẻ

Người trẻ "nuông chiều" bản thân trong kỳ nghỉ bằng cách thức khuya, dậy muộn để cày phim

THẢO PHƯƠNG

Còn Nguyễn Như Quỳnh (23 tuổi), ngụ tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.22 Q.Bình Thạnh (TP.HCM), thì tranh thủ 5 ngày nghỉ lễ để về quê. Trong những ngày được về nhà, Quỳnh dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ để nạp năng lượng và đặc biệt là tận hưởng những phút giây được ở bên người thân. Vì vậy, khi kết thúc kỳ nghỉ lễ để quay lại thành phố làm việc Quỳnh vẫn có một chút lưu luyến.

“Những ngày nghỉ lễ như này là một khoảng dừng đủ để mình nghỉ ngơi thư giãn, gạt bớt những cảm xúc tiêu cực, thay vào đó là thời gian sum vầy với gia đình. Mặc dù có chút nuối tiếc nhưng sau kỳ nghỉ còn rất nhiều việc để mình phải chú tâm vào nên buộc phải nhanh chóng quay trở lại bắt nhịp với công việc”, Quỳnh chia sẻ.

Không chỉ người đi làm mà ngay cả những sinh viên cũng cảm thấy hụt hẫng khi kỳ nghỉ lễ kết thúc. Nhân dịp nghỉ lễ, Nguyễn Thị Thanh Hậu, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sắp xếp lịch học để về quê 1 tuần. 

Hậu chia sẻ: “Tự nhiên đang ở nhà với ba mẹ, chỉ ăn, chơi rồi ngủ, không lo nghĩ gì, thì mai phải quay lại thành phố vùi đầu vào sách vở. Ở ký túc xá ngày 3 bữa lúc nào cũng phải suy nghĩ ăn món gì, cả việc thức dậy sớm để đi học tự nhiên mình không muốn lên lại thành phố nữa. Dù chỉ nghỉ 1 tuần thôi mà tự nhiên thấy mình làm biếng hẳn”.

Cách "xốc" lại tinh thần sau kỳ nghỉ dài

Nói về lý do nhiều người cảm thấy mệt mỏi, uể oải khi phải bắt tay vào làm việc sau kỳ nghỉ, thạc sĩ Võ Minh Thành, giảng viên ‏‏khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết đây là cảm xúc bình thường sau kỳ nghỉ. 

"Mọi người có xu hướng vui vẻ trong dịp lễ vì họ thấy tự do, thoải mái làm những gì mình muốn. Khi quay trở lại làm việc, phần lớn đối mặt với khối lượng nhiệm vụ còn dang dở, cần trả lời cấp trên về thời gian hoàn thành chúng. Nhiều người không muốn quay trở lại làm việc vì biết rằng các vấn đề đang chồng chất chờ họ giải quyết".

Ngoài ra, trong kỳ nghỉ, nhiều người có lịch sinh hoạt kiểu thức khuya, dậy muộn, ăn uống vô độ hoặc dùng quá nhiều rượu, bia có thể dẫn đến uể oải kéo dài. Đây còn gọi là "post-vacation depression" (hội chứng trầm cảm sau nghỉ lễ). Dấu hiệu là uể oải, khó ngủ, đau mỏi vai gáy, thắt lưng, khó tập trung công việc, tinh thần đi xuống”, thạc sĩ Thành chia sẻ.

Có nhiều cách để xốc lại tinh thần làm việc sau kỳ nghỉ

Có nhiều cách để xốc lại tinh thần làm việc sau kỳ nghỉ

THẢO PHƯƠNG

Vậy làm thế nào để khởi động lại tinh thần làm việc, nhanh chóng bắt nhịp lại với những thói quen thường ngày sau mỗi kỳ nghỉ dài? Thạc sĩ Thành chỉ ra những cách sau đây. Đầu tiên, cần chuẩn bị tâm thế cho việc đi làm trước một ngày hoặc một buổi. “Không nên vui chơi “thả ga” hết kỳ nghỉ lễ, ít nhất là tối hôm trước ngày làm việc đầu tiên. Hãy dành một lượng thời gian nhất định để lập mục tiêu và kế hoạch làm việc cho thời gian tiếp theo. Hoặc ít nhất hãy nghĩ những công việc mình cần làm trong ngày mai”, anh Thành nói.

Ngoài ra, theo thạc sĩ Thành, việc đi ngủ sớm để phục hồi năng lượng sau những ngày vui chơi thường thức khuya; dậy sớm để có một bữa sáng đầy đủ, quần áo tươm tất; dành một khoảng thời gian để hỏi thăm trò chuyện cùng đồng nghiệp… cũng là những cách để lấy lại nguồn năng lượng làm việc dồi dào. Ngoài ra, thạc sĩ Thành còn chia sẻ thêm: “Hãy lấy giấy bút ghi ra 5 - 10 công việc đơn giản cần giải quyết trước mắt và bắt tay vào làm từng việc một. Thao tác này sẽ khởi tạo năng lượng cho bạn. Hãy tạo nên một môi trường năng động, thân thiện, mọi người cùng kết nối với nhau”.

“Bạn chẳng thể nào bắt đầu làm gì đó mới mẻ nếu cứ đắm chìm trong những cuộc vui đã qua. Nếu quỹ thời gian cho phép, nên thiết lập lại các thói quen thường nhật như dậy sớm, ngủ đúng giờ, đọc sách, tập gym, chạy bộ… Tất cả sẽ giúp cơ thể trở lại trạng thái cân bằng sau nhiều ngày “buông thả”, là một tín hiệu cho não bộ nhận biết rằng bạn đã sẵn sàng quay trở lại với công việc”, thạc sĩ Thành chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.