Làm gì để xử lý xe vi phạm nhưng chủ xe bỏ lơ ?

20/07/2022 06:11 GMT+7

Các đội CSGT tại TP.HCM hiện đang trông giữ rất nhiều xe máy đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận. Bạn đọc cho rằng cần sớm có giải pháp để không kéo dài tình trạng này.

Chuyện những bãi giữ xe vi phạm ở TP.HCM chứa hàng hàng lớp lớp xe máy bụi bám, hỏng hóc, cây cỏ mọc um tùm, được đề cập nhiều thời gian gần đây. Xe vi phạm nằm phơi nắng mưa dài ngày đợi người đến nhận hoặc chờ thanh lý, đấu giá. Trong khi đó, CSGT phải trông coi, bảo quản, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.

Lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM cho PV Thanh Niên biết các phương tiện bị tạm giữ thường là do vi phạm các lỗi: người điều khiển phương tiện đã uống rượu bia; người chạy xe không có giấy phép lái xe, không có giấy đăng ký xe… Ngoài ra, xe không hợp lệ như xe không chứng từ, xe nhập lậu… nếu bị CSGT lập biên bản tạm giữ, người vi phạm xác định sẽ không thể nhận lại được xe.

Bãi giữ xe vi phạm của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM

Ngọc Dương

Theo lãnh đạo một đội CSGT phụ trách địa bàn trung tâm TP.HCM, ở đội gặp nhiều trường hợp người vi phạm không đến đóng phạt để nhận lại xe sau khi bị lập biên bản: “Các xe mà người vi phạm không nhận lại thường là do mức phạt cao, xe giá trị thấp. Nhiều nhất là những người bị lập biên bản xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Mức phạt cao nhất thường gặp là 7 triệu đồng khi nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở”. Theo vị này, khi xử phạt vi phạm nồng độ cồn, CSGT có thể đoán được trường hợp nào sẽ bỏ xe dựa vào giá trị xe, thái độ của người vi phạm.

Đẩy khó cho người khác

Nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết không lạ với chuyện nhiều người bỏ luôn xe sau khi vi phạm, nhưng bất ngờ với hình ảnh những bãi giữ xe vi phạm “đầy ắp”, như BĐ Binh Trung: “Nhìn hình ảnh những bãi giữ chứa hàng trăm, hàng nghìn xe máy vi phạm quá hạn, tôi thấy khá bất ngờ. Nghĩa là có bất cập nào đó trong câu chuyện này. Nhiều chủ xe vi phạm đã bất chấp, bỏ của chạy lấy người, còn phía ngành chức năng bị động, lúng túng trong việc xử lý tang vật. Hậu quả là tài sản, công sức, thời gian bị phí phạm”.

Tương tự, BĐ Trần Lâm Vân cho rằng nhiều chủ xe đã đẩy hậu quả cần giải quyết về phía cơ quan quản lý: “Làm vậy là đẩy khó khăn cho người khác. Một vài người, vài xe thì còn xử lý được, chứ hàng trăm người cùng làm vậy thì ai phải chịu đây?”.

BĐ Hòa Nguyễn nhìn nhận cơ quan chức năng đã lường được nhiều trường hợp sẽ bỏ xe, nên cần có biện pháp ngay từ đầu: “Đọc báo thấy CSGT nói đoán được những ai sẽ bỏ luôn xe vi phạm khi nhìn giá trị chiếc xe và thái độ của người bị phạt. Vậy thì cần có giải pháp sẵn cho những trường hợp này luôn. Chẳng hạn, lập danh sách những xe quá nát mà chủ xe sẽ bỏ, những xe dự báo là không có ai tới nhận đưa qua khu vực, bãi khác để xử lý”.

“Cần phải “khai tử” gấp những loại phương tiện thiếu tiêu chuẩn lưu thông này. Có chế tài thích đáng với người điều khiển, sử dụng và sở hữu”, BĐ Liên Phạm nêu ý kiến.

Tịch thu, bán xe vi phạm quá hạn

Nhiều BĐ cùng quan điểm chỉ lưu xe vi phạm 30 ngày, sau thời hạn này phải xử lý để giải phóng bãi xe. BĐ phihainguyen63 kiến nghị: “Chỉ giữ xe vi phạm trong thời hạn tối đa không quá 1 tháng, thông báo cho chủ xe 3 lần giải quyết. Nếu chủ xe không đến nhận, thì sung công quỹ hoặc tái chế nếu được”.

Phải sửa lại quy định hoặc luật nếu người bị giữ xe quá 1 tháng mà không lấy thì cho hóa giá hoặc tiêu hủy. Nếu giữ bằng lái mà 1 tháng không đến lấy thì hủy bằng lái đó, sau khi đến nộp phạt mới được học để thi bằng lái khác. Làm như thế thì mới giải quyết được tình trạng các bãi giữ xe vi phạm quá tải.

Hồ Hồ

Nên tiêu hủy, không bán đấu giá các xe đã tịch thu... Và nếu trễ hẹn 10 ngày thì xử ngay, đừng lăn tăn!ngocquynh...

@gmail.com

Không cần biết xe có chính chủ hay không, chỉ cần có CCCD, giấy phép lái xe là có thể xử lý theo luật định. Cố tình bỏ xe thì phạt thêm.

Trường Nguyễn

Nên quy định thời gian, nếu người vi phạm không đóng phạt thì sẽ tịch thu phương tiện và thanh lý phương tiện đó, để không phải giữ lâu ngày.

anhminhgocong

“Theo tôi, một là giữ xe vi phạm không quá 30 ngày, nếu chủ xe không đến liên hệ, đóng phạt thì đưa ra đấu giá, sung công quỹ. Hai là, như ở các nước phương Tây, họ đưa giấy báo vi phạm, giấy phạt 3 lần không đến làm việc thì đưa ra tòa. Khi đó phải đóng tiền phạt lại thêm tiền án phí nữa. Đố dám chạy, cho dù giá trị xe chỉ có 1 triệu đồng”, BĐ hoanlieu187 bổ sung.

Trong khi đó, theo quan sát của BĐ Phuong Van, có thể đưa ra hướng giải quyết nhìn từ các dạng xe vi phạm: “Loại xe lậu, cà số sườn số máy, xe không giấy tờ thì rõ ràng tịch thu không trả lại, cần gom về một đầu mối. Loại xe của những người vi phạm chạy xe khi đã uống rượu bia thì tách riêng ra nhóm khác. Chưa kể mấy loại xe cũ nát hứa hẹn không có ai tới nhận lại là một nhóm nữa. Cứ tách từng cụm vậy mà xử lý”.

“Thực tiễn luôn phát sinh tình huống mới. Đã đến lúc chúng ta điều chỉnh luật cùng những quy định để phù hợp với đời sống. Cần ra quy định cấm xe cũ nát không đủ điều kiện lưu thông ra đường để hạn chế ngay từ ban đầu đối với tình trạng bỏ luôn xe vi phạm. Trường hợp xe vi phạm phải thu giữ, cần có quy định cụ thể hơn sau bao lâu thì phải tịch thu, sau bao nhiêu ngày thì cần thanh lý phương tiện”, BĐ Truong Dong đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.