Làm gì khi học sinh bị điểm thấp?

Bích Thanh
Bích Thanh
31/10/2019 14:04 GMT+7

Giáo viên cũng như phụ huynh không nên hốt hoảng, tức thời gây áp lực mà phải đồng hành và tạo nhiều hình thức phù hợp để động viên, khuyến khích, đặc biệt với học sinh đầu cấp sau những bài kiểm tra đầu tiên.

Đầu năm, điểm thấp là chuyện bình thường

Với gần 30 năm giảng dạy, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) khẳng định: Việc đạt kết quả thấp trong những bài kiểm tra thực hiện ở thời gian đầu năm học là chuyện bình thường. Sở dĩ học trò gặp phải sự lúng túng này là do khác biệt về môi trường và phương pháp học tập. Vì vậy, đừng vội vàng gây áp lực đối với học sinh vì trong một học kỳ có nhiều bài kiểm tra và có thể giúp học trò thay đổi kết quả theo đúng quy định. Thông thường sau 2 tháng đầu tiên của năm học, các em sẽ bắt nhịp với việc học tập.

Tương tự, giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, đang dạy ngữ văn bậc THCS tại quận Tân Phú (TP.HCM) cũng nói học trò lúng túng trong những bài kiểm tra đầu năm là chuyện đương nhiên. Đặc biệt với học sinh đầu cấp, chuyển giai đoạn, hết tiết học này nối tiếp tiết học khác, liên tục có các bài kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết… Vì vậy có những lớp trên 50% số học sinh có điểm kiểm tra dưới trung bình. Cho nên đòi hỏi cả giáo viên cũng như phụ huynh cùng đồng hành với học sinh để các em vượt qua một cách nhẹ nhàng nhất. Từ đó các em mới không sợ học, không bị ức chế ở những môn học khác.

Thầy cô khuyến khích, ba mẹ đồng hành

Giáo viên H.T.H đang dạy ngữ văn tại một trường THCS có tiếng tại quận 1, TP.HCM, cho hay trong thực tế học sinh bị điểm thấp gặp áp lực từ phía gia đình và chính giáo viên cũng bị “hỏi han”. Cô H.T.H kể: Đã từng bị phụ huynh “làm dữ” với lý do “con tôi 5 năm liền bậc tiểu học là học sinh giỏi thì không cớ gì mấy bài kiểm tra đầu năm lớp 6 chỉ đạt điểm trung bình”. Vì vậy, sau khi giải thích sự khác biệt về môi trường, phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá của 2 bậc học thì giáo viên H.T.H còn phải lấy bảng kết quả của lớp học do mình phụ trách để minh chứng với phụ huynh.

Và theo giáo viên Nguyễn Thị Hiền, trước tiên, ở bất cứ môn học nào cũng nên dành tiết đầu tiên hướng dẫn học sinh cách soạn bài, học bài và làm bài. Đồng thời đừng nên chỉ “khư khư” thực hiện một hình thức kiểm tra truyền thống và nóng vội khi đưa ra những hình thức khuyến khích học sinh cố gắng học tập không phù hợp. Thay vào đó, giáo viên nên tổ chức đa dạng cách thức kiểm tra, có thể là động viên học trò phát biểu, sưu tầm các sản phẩm hỗ trợ bài học, làm dự án, thuyết trình… để các em có thể “gỡ” điểm.

Đồng thời, về phía gia đình, giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi chia sẻ, phụ huynh cần thấu hiểu, giúp đỡ để học sinh làm quen với những môn học mới. Khi con bị điểm kém, bản thân con đã gặp áp lực nhất định, cha mẹ hãy là chỗ dựa tinh thần của con, là người bạn chia sẻ và đồng hành cùng con. Hãy lắng nghe để biết được bé đang gặp khó khăn gì, từ đó cùng con tìm ra những biện pháp cải thiện trong học tập và điểm số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.