Theo đó, UBND TP.HCM đưa ra quan điểm xây dựng chương trình trong đó nội dung giáo dục địa phương tại TP.HCM là thành phần của chương trình giáo dục phổ thông, tuân thủ các quy định nêu trong chương trình tổng thể. Đồng thời chú ý đến đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa của TP.HCM.
Nội dung của giáo dục địa phương tập trung vào tích hợp các vấn đề cơ bản của tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội. Chú trọng nội dung bảo vệ môi trường, giáo dục giá trị nhân văn, gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung giáo dục với thực tiễn.
Kế thừa, kết nối với các môn học và hoạt động giáo dục khác như: Tự nhiên và xã hội, khoa học, đạo đức, hoạt động trải nghiệm, lịch sử, địa lý… giúp học sinh vận dụng tích hợp kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề trong học tập, đời sống, phù hợp với lứa tuổi.
Cũng theo chỉ đạo của ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, mục tiêu xây dựng chương trình nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử… từ đó bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa của TP.HCM…
Nội dung giáo dục địa phương của TP.HCM sẽ được trình bày dưới dạng tài liệu song ngữ (Việt - Anh) và được xây dựng dưới dạng chủ đề dạy học để nhà trường chọn lựa khi tổ chức thực hiện chương trình theo quy định của Bộ.
UBND TP.HCM giao Sở GD-ĐT TP.HCM chủ động xây dựng đề án, kế hoạch và lộ trình soạn thảo chương trình giáo dục địa phương. Tổ chức lấy ý kiến các sở ban ngành, các tổ chức có liên quan để chương trình đảm bảo liên kết chặt chẽ với chương trình giáo dục phổ thông mới và gắn liền với sự phát triển của TP.HCM.
Bình luận (0)