Làm giàu để làm từ thiện

31/01/2019 13:47 GMT+7

Cần cù, sáng tạo, làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Nguyễn Văn Thuận (47 tuổi, ngụ ấp Phú Lâm, xã Đông Thái, H.An Biên, Kiên Giang) luôn tâm huyết việc từ thiện như xây cầu, làm đường, giúp đỡ bà con nghèo bệnh tật.

Ông Thuận (tên thường gọi là Nam Thuận) kể lúc nhỏ nhà nghèo nên xong lớp 7 ông phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ chuyện đồng áng. Khi cưới vợ, ông được cha mẹ cho 20 công đất, nhưng hiệu quả sản xuất thấp nên ông phải làm thêm nghề sửa xe, may quần áo và buôn bán nhỏ lẻ… Năm 2009, khi đã tích lũy được chút vốn liếng, ông mở cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Tiếp đó, ông mở thêm cơ sở sản xuất nước đá và nước đóng chai, rồi mua thêm đất trồng lúa và chuối. Hiện các cơ sở sản xuất kinh doanh của ông Thuận đáp ứng tốt nhu cầu của nông dân tại địa phương. Ông Lê Thanh Thắng, Phó trưởng ấp Phú Lâm, nhận xét ông Thuận là người chí thú làm ăn và khá giả ở địa phương.
Cũng theo ông Thắng và nhiều bà con ở ấp Phú Lâm, ông Thuận đã tích cực đóng góp cho quê hương. Các cơ sở của ông hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với thu nhập từ 4 - 8 triệu đồng/tháng. Nhiều thanh niên địa phương được ông nhận vào làm tài xế xe tải, vận chuyển nước đá, nước đóng chai có thu nhập ổn định.
“Tôi ra điều kiện, hễ đại lý tôi lấy bao nhiêu phân, thuốc thì nhà phân phối cấp trên sẽ cùng tôi đi khảo sát và hỗ trợ bao nhiêu tiền để xây cầu tại vị trí nào đó”, ông Thuận nói. Từ năm 2009 đến nay, ông Thuận đã hỗ trợ chính quyền và nhân dân 2 xã Đông Thái, Đông Hòa xây dựng 7 cây cầu, 3 sân trường học để học sinh và nhân dân đi lại dễ dàng. Về phần mình, hằng năm ông xuất 2 tấn lúa xay thành gạo để hỗ trợ bà con nghèo địa phương.
Nhận thấy bà con nghèo, không có điều kiện vận chuyển khi ốm đau, bệnh tật nặng, cuối năm 2015, ông Thuận tự bỏ tiền túi mua một xe cứu thương trị giá 680 triệu đồng để vận chuyển miễn phí người dân mỗi khi bệnh nặng hoặc hoạn nạn. Từ năm 2015 đến nay, xe cứu thương của ông đã kịp thời đưa hàng chục bệnh nhân nặng cần chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang. “Tôi chỉ lấy tiền hỗ trợ tài xế, chứ không tính tiền xe, bởi bà con còn khó khăn lắm, nhất là đau bệnh vào đêm. Việc này xem như mình làm điều phước đức”, ông Thuận bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.