Ông chia sẻ: “Trước khi làm luật phải có chính sách pháp luật về vấn đề đó, chính sách rõ ràng, minh bạch thì lợi ích nhóm sẽ bị loại bỏ. Nghĩa là trước khi đệ trình luật nào đó ra QH, thì cơ quan quản lý nhà nước phải có chính sách thực thi các nội dung đó trên thực tế, sau quá trình được kiểm nghiệm trong thực tế thì mới khái quát thành luật. Luật không phải từ trên trời rơi xuống, luật bắt đầu từ chính sách, mà chính sách không từ trên trời rơi xuống, chính sách bắt đầu từ đời sống.
|
Giải pháp khác là phải khắc phục tình trạng luật khung, luật ống rồi lại giao Chính phủ quy định chi tiết. Lâu nay ta làm luật theo cách muốn ôm quá nhiều vấn đề giải quyết trong một luật, vì quá nhiều nên không quy định chi tiết được, lại giao Chính phủ quy định, cho nên mới dẫn tới thực trạng luật phải chờ văn bản hướng dẫn. Cái dở nhất của ta trong tư duy làm luật là thích những bộ luật hoành tráng, những đạo luật lớn, để điều chỉnh một lúc rất nhiều quan hệ. Tư duy ấy rất không phù hợp với thực tiễn vận động cuộc sống và trong cuộc sống đôi lúc một mối quan hệ cần điều chỉnh ngay, còn vấn đề khác từ từ cũng được, nhưng ta lại đặt luôn cái chưa cấp thiết lắm vào cùng vấn đề cấp bách cần điều chỉnh, thành ra chậm trễ, không khả thi”.
Nghĩa là ví như luật Đất đai, thay vì “ôm” hết các quan hệ cần điều chỉnh vào, nên tách bạch từng luật nhỏ theo thứ tự vấn đề cấp bách cần ưu tiên trước?
Đúng như vậy, lấy ví dụ trong lĩnh vực đất đai, chúng ta làm luật Đất đai đồ sộ, như một bộ luật, nhưng đất đai là lĩnh vực vô cùng rộng lớn, không thể giải quyết tất cả các vấn đề được. Thay bằng một cái luật to, chúng ta làm những luật rất nhỏ, như về giao đất, xác định rõ giao gì, giao như thế nào, ai có quyền giao đất, ai được quyền nhận đất, thủ tục giao đất; rồi luật thu hồi đất, luật đền bù đất… Sau này nhiều quan hệ về đất đai được xử lý rồi thì chúng ta phát triển thành bộ luật đất đai hoàn chỉnh, sau khi đã ưu tiên xử lý từng luật nhỏ theo vấn đề cấp bách trước. Còn như hiện nay, chúng ta điều chỉnh một quan hệ rất rộng lớn, nhưng chỉ nêu về mặt nguyên tắc, rồi Chính phủ lại phải quy định, mà Chính phủ quy định thì chúng ta biết rồi, làm sao kịp được, luật lại phải đợi.
Theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi trình luật, cơ quan soạn thảo phải có báo cáo tác động về các quy định đề xuất ảnh hưởng tới các đối tượng liên quan thế nào, nhưng hầu như yếu tố này rất ít được chú trọng. Đây có phải là lý do căn bản tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm khi ban hành chính sách?
Lâu nay cái đó là khâu yếu. Dứt khoát anh phải lấy ý kiến được, quan điểm ý chí của đối tượng chịu điều chỉnh bởi luật đó, lắng nghe họ, tiếp thu mong muốn chính đáng của họ, giải thích lại cho họ. Điều quan trọng khi làm luật là phải xuất phát từ quan điểm để phục vụ dân. Có hai quan điểm trong làm luật: làm để quản trị hay làm để phục vụ dân. Chúng ta phải xác định rõ một trong 2 quan điểm ấy, mà quan điểm của tôi là chúng ta làm luật xuất phát từ nhu cầu của người dân, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện tốt quyền và lợi ích của mình, tạo điều kiện tốt nhất cho mỗi người phát huy hết khả năng của mình, cho mình và cho xã hội.
Phải cố gắng khắc phục tối đa làm luật cho quản trị. Làm luật cho quản trị thì yếu tố lợi ích của cơ quan quản lý nó vẫn chen vào, cho nên bất kỳ một đạo luật nào khi ban hành, câu hỏi đặt ra đầu tiên là luật này nhân dân được lợi gì, các nhóm lợi ích liên quan trong đó được lợi gì, lúc ấy chúng ta mới xem xét có trình ra QH để thảo luận luật đó hay không. Còn nếu đặt ra mà thấy lợi ích của người dân không được đảm bảo thì dứt khoát luật đó không được đặt ra.
Cách tốt nhất ngừa lợi ích nhóm khi xây dựng luật chính là quan điểm làm luật như đã nói. Nếu như tất cả những người từ Ban soạn thảo cho đến người khởi xướng luật nào đó đều xuất phát từ lợi ích của người dân thì lợi ích nhóm không bao giờ có cơ hội ẩn náu trong đó. Cơ quan thẩm tra, đại biểu QH khi phản biện các dự luật trình ra, cũng phải coi lợi ích của dân làm kim chỉ nam để “soi” vào các điều khoản. Thực hiện như vậy thì yếu tố lợi ích nhóm mới được loại bỏ, ngăn chặn.
Bảo Cầm
(thực hiện)
>> Ngăn ngừa lợi ích nhóm khi ban hành chính sách
>> Phải ‘rà’ cho được lợi ích nhóm trong chính sách
>> Tái cơ cấu chậm do nể nang, lợi ích nhóm
>> Lợi ích nhóm trong y tế - Kỳ 2: Mâu thuẫn ăn chia, người bệnh lãnh đủ
>> Lợi ích nhóm trong y tế
>> Lợi ích nhóm trong bệnh viện công
>> Đừng bắt dân phục vụ lợi ích nhóm
>> Giải cứu thị trường hay bảo vệ lợi ích nhóm?
>> Không có “lợi ích nhóm” trong xét giải thưởng
Bình luận (0)