Theo các đại biểu, bức tranh kinh tế nước ta đầu năm 2012 có những khoảng sáng và những khoảng tối cần được đánh giá một cách xác thực. Trong đó, có một số ý kiến lo lắng về việc chính sách kiềm chế lạm phát như hiện nay đang ảnh hưởng mạnh đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
“Tránh siết quá chặt và nới lỏng quá mức”
ĐB Lê Hữu Đức (tỉnh Khánh Hòa) đánh giá Báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 của Chính phủ về cơ bản đã đạt được mục tiêu tổng quát mà QH giao.
|
Đồng thời, ĐB Đức đề xuất: Nếu ưu tiên số một là kiềm chế lạm phát thì phải chấp nhận tăng trưởng thấp đi để kiềm chế không cho lạm phát quay trở lại hai chữ số; giải quyết nợ xấu; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp; tăng cường thanh kiểm tra, kiểm toán hoạt động của các tập đoàn công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tăng cường bảo đảm an ninh quốc phòng…
Tuy nhiên, theo ĐB Phạm Quang Khải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu trong việc kéo giảm lạm phát, nước ta lại đang đối mặt với thách thức về suy giảm kinh tế, doanh nghiệp (DN) tiếp tục gặp khó khăn, hàng loạt DN phải phá sản khiến người lao động mất việc làm; Chính phủ chưa kiểm soát tốt hoạt động của các DNNN. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật như tham nhũng, tai nạn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm còn chưa được giải quyết hiệu quả.
|
“Năm 2011, lạm phát ở Việt Nam quá cao do chúng ta theo đuổi tăng trưởng kinh tế. Đầu năm 2012, Chính phủ dùng biện pháp quá mạnh để kiềm chế lạm phát bằng chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ. Như đà hiện nay thì có thể CPI năm 2012 sẽ tăng thấp hơn mức QH cho phép. Việc siết chặt tiền tệ đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, đình trệ sản xuất, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phá sản (hơn 17.700 DN của cả nước phá sản trong 5 tháng đầu năm) và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế” - ĐB Bùi Đức Thụ (tỉnh Lai Châu) phân tích.
ĐB Trần Du Lịch lo lắng việc giảm lạm phát, giảm tổng cầu quá nhanh như hiện nay tuy có làm chỉ số CPI giảm mạnh nhưng có nguy cơ tăng lại.
Vì vậy, ĐB này không đồng tình với một số quan điểm "lúc này thì bảo rằng nên hy sinh tăng trưởng, lúc khác thì cho là nên hy sinh lạm phát” vì ông cho rằng quan điểm "phiến diện" như thế là không ổn. Theo ông, trong nhiều giai đoạn lẫn thời điểm, Chính phủ vẫn cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kiềm chế lạm phát và mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, nhiều ĐB đề nghị cần thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, thận trọng thay cho chính sách thắt chặt để vừa kiềm chế được lạm phát vừa thúc đẩy kinh tế phát triển.
“Tránh siết quá chặt và nới lỏng quá mức”, ĐB Nguyễn Cao Phúc (tỉnh Quảng Ngãi) phát biểu.
Yên cầu kiểm soát tập đoàn, DNNN
Trong phiên thảo luận, bên cạnh việc phân tích, đánh giá tình hình, các ĐB cũng kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ, đề phòng trục lợi. Đồng thời, có biện pháp giám sát chặt chẽ hoạt động của các công ty, tập đoàn, DNNN để tránh thua lỗ, lãng phí.
|
ĐB Lê Thị Yến (tỉnh Phú Thọ) cho rằng nhiều DNNN được tập trung đầu tư nhưng hoạt động yếu kém, gây thất thoát quá nhiều. ĐB Yến dẫn chứng sự việc ụ nổi của Vinalines và đặt ra câu hỏi liệu sẽ còn bao nhiêu Vinalines nữa?
|
Song song đó, ĐB Đồng Hữu Mạo (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cảnh báo tình trạng lãng phí đang rất đáng lo ngại và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Theo ĐB Mạo, rất ít trường hợp gây lãng phí trong các DNNN, các công trình giao thông, xây dựng... được đưa ra truy cứu trách nhiệm hoặc thậm chí còn không được xử lý đến nơi đến chốn.
Vì vậy, ĐB Mạo đề nghị Chính phủ cần thiết phải có chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn trong vấn đề này.
Nguyên Mi - Hoàng Uy
>> Tham nhũng từ đất đai khá phổ biến
>> Thích làm “hộ nghèo”
>> Tránh đầu tư dàn trải, nửa vời vào nông nghiệp
>> Lỗ hổng tập đoàn, tổng công ty: Kiểm soát, giám sát còn nể nang nhau
>> Giữ lạm phát cả năm ở mức 7 - 8%
Bình luận (0)