Làm phim chính luận về án tham nhũng

Ngọc An
Ngọc An
18/07/2022 06:27 GMT+7

Bộ phim Đấu trí lấy chất liệu từ đại án tham nhũng , tiêu cực trong đấu thầu sinh phẩm y tế, sẽ lên sóng VTV1 từ ngày 18.7.

Từ những đại án có thật

Nói về kịch bản của Đấu trí, đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, cho biết: “Đây là đề tài nhạy cảm, lấy chất liệu từ vụ việc nóng hổi được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, phim truyền hình không phải phóng sự hay phim tài liệu để đưa tất cả những diễn biến vụ việc vào phim mà nhiệm vụ của đội ngũ sáng tác là bám vào những chi tiết đời sống để sáng tạo, cấu tứ, nhân cách hóa lên”. Bộ phim xoay quanh những cuộc đấu trí, cân não giữa một bên là những kẻ vừa có quyền, có tiền, lại thừa mánh khóe, thủ đoạn để lợi dụng chính sách, cơ chế trục lợi cho bản thân và nhóm lợi ích, với một bên là những chiến sĩ cảnh sát kinh tế - những người không chỉ có tư duy sắc bén, sự quyết liệt, dấn thân mà còn có bản lĩnh vững vàng cùng lòng dũng cảm, dám đối đầu với quyền lực, vượt qua những đe dọa tính mạng bản thân và gia đình. “Một trong những điểm đặc biệt của phim là đi vào phân tích tâm lý tội phạm để thấy đằng sau những phi vụ mặc cả nhằm có được những dự án; những người mà sau này phải lãnh hậu quả đã có những toan tính, ứng xử thế nào. Phim cũng đặt giữa một bên là vừa tuân theo, bảo vệ pháp luật, một bên là tránh oan sai với những người giữ trọng trách khi những chứng cứ chưa được rõ ràng”, ông Hải bày tỏ.

Hình ảnh trong phim Đấu trí lấy chất liệu từ đại án Việt Á

VFC

Cách đây 3 năm, bộ phim Sinh tử (đạo diễn: NSND Khải Hưng và NSƯT Mai Hiền) lên sóng VTV xoay quanh chủ đề chống tham nhũng và tha hóa quyền lực. Lựa chọn 2 tuyến nhân vật chính là nhóm quan chức gồm bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh và nhóm doanh nhân, người làm kinh tế, phim khai thác câu chuyện về cách thức làm ăn sau vỏ bọc đầu tư dự án đất đai. Nhân vật Mai Hồng Vũ lấy nguyên mẫu từ một nhân vật có thật, là một doanh nhân nhanh nhạy làm kinh tế, đầu tư nhiều dự án bất động sản, khai khoáng mỏ và có khả năng kết nối với nhiều quan chức… Khác với kịch bản Đấu trí được triển khai trong thời gian ngắn, kịch bản Sinh tử được nhà văn Phạm Ngọc Tiến dành đến 10 năm để hoàn thành. Nhiều năm trước, bộ phim Chạy án, nằm trong series Cảnh sát hình sự, hấp dẫn khán giả khi lên sóng, được dựa theo nhiều vụ án khác nhau, trong đó có vụ án Mai Văn Dâu (nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại).

“Đổi biển xe để tránh ảnh hưởng”

Hầu hết quá trình thực hiện phim chính luận đều có sự tham gia tư vấn nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn, như phim Đấu trí được Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) tư vấn, hay phim Sinh tử được Viện KSND tối cao hỗ trợ… Tuy nhiên, những nhà làm phim vẫn đi thực tế, như trước khi thực hiện phim Sinh tử, NSND Khải Hưng cùng NSƯT Mai Hiền đã tham dự một số phiên tòa xử án tham nhũng. Ngoài ra, nhà làm phim cũng được đọc hồ sơ nhiều vụ án để hiểu thêm về nghiệp vụ. Cũng chính từ việc phải “chuẩn chỉnh” theo nghiệp vụ từ ngôn ngữ chuyên môn mà nhiều diễn viên “kêu trời” vì học lời thoại khó. Trong phim Sinh tử, NSND Hoàng Dũng và NSND Trọng Trinh phải quay tới 72 đúp để ghi hình với 3 câu thoại. “Lời thoại của nhân vật phải chuẩn chỉ, rõ ràng, rành rọt, đồng thời phải đưa ra thông điệp”, NSND Trọng Trinh lý giải.

Theo ông Đỗ Thanh Hải, một trong những cái khó cho nhà làm phim chính luận là kịch bản. “Với phim Đấu trí, trong quá trình kịch bản được viết thì vẫn tiếp tục có những vấn đề nảy sinh và người làm phim phải cập nhật, theo dõi diễn biến ngày càng mở rộng. Làm thế nào vừa cập nhật, bổ sung và cả dự đoán nữa, là những thách thức khi làm phim Đấu trí”, ông Hải cho hay và nói thêm phim chính luận cũng phải tránh sự khô cứng. “Phim không chỉ đề cập những vấn đề được thông tin trên báo chí, mà trong đó còn có cả những thân phận con người”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải bày tỏ. Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, người thành công với những bộ phim về đề tài gia đình như Về nhà đi con hay Hương vị tình thân, chuyển sang làm đạo diễn phim dòng chính luận Đấu trí, chia sẻ: “Phim về đề tài gia đình có thể làm ngẫu hứng được, nhưng với phim chính luận thì phải đúng và đạt yêu cầu lãnh đạo đề ra”, ông Dũng cho hay. Về những giới hạn của nhà làm phim khi thực hiện phim dòng chính luận, ông Dũng không phủ nhận và cho biết: “Kịch bản được duyệt kỹ càng và đã có sự thống nhất từ trước, nên chúng tôi biết được giới hạn khi làm bộ phim”.

Khi quay phim tại một tỉnh, có lần nhà làm phim được lãnh đạo địa phương yêu cầu đổi biển số xe (có mã tỉnh) trong phim để tránh ảnh hưởng. Ông Đỗ Thanh Hải cho hay nhà làm phim chính luận đã quen với việc vừa làm phim vừa phải đi thuyết phục. “Việc tìm bối cảnh, nhất là ở những cơ quan công quyền, là rất khó. Bởi những bối cảnh đó quay về những đối tượng tham nhũng, bị pháp luật trừng trị”, ông Hải nói. Còn nhà làm phim không thể dựng bối cảnh tòa án, ủy ban nhân dân tỉnh… nên chỉ còn cách cố gắng thuyết phục về ý nghĩa, thông điệp của bộ phim.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.