Làm rõ vụ container hồ tiêu, cà phê bị rút ruột

13/06/2024 06:23 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết các lô hàng của mình bị rút ruột, thiếu hụt một lượng hồ tiêu và cà phê so với hợp đồng đã ký kết trước đó. Tình trạng này được phát hiện tại cảng đến. Vậy hàng xuất khẩu có thể bị mất mát ở khâu nào trong chuỗi cung ứng?

"Rút ruột" hàng xuất khẩu lại tái diễn

Sau gần 10 năm, tình trạng "rút ruột" hàng xuất khẩu lại tái diễn, lần này là đối với các mặt hàng đang có giá trị cao như cà phê và hồ tiêu. Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN (VPSA) đã gửi công văn khẩn cấp đến Cục Hàng hải VN và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn về hiện tượng thiếu hụt hàng hóa, sau khi hàng được vận chuyển từ cảng Cát Lái.

Làm rõ vụ container hồ tiêu, cà phê bị rút ruột- Ảnh 1.

Container hàng hóa bị rút ruột gây thiệt hại đến tài sản và uy tín của doanh nghiệp VN

Q.T

VPSA cho biết từ nhiều ngày nay liên tục nhận được phản ánh của các doanh nghiệp hội viên về việc đối tác nhập khẩu thông báo tình trạng thiếu hụt một lượng hồ tiêu và cà phê được phát hiện tại cảng đến so với hợp đồng đã ký kết. Thống kê cho thấy khối lượng hàng hóa bị mất chiếm từ 7 - 28%, đều cùng một cảng hạ tại Cát Lái và đều nằm tại cảng trong một thời gian do tàu bị hoãn. Tổng cộng có hơn 18,5 tấn cà phê, hồ tiêu (trị giá 2,7 tỉ đồng) của 5 doanh nghiệp xuất khẩu đã bị "rút ruột", khiến đối tác nước ngoài không nhận đủ số lượng như đã giao. Trong đó, số lượng tiêu bị mất hơn 8,2 tấn, còn cà phê là 10,3 tấn.

Theo các doanh nghiệp, phiếu cân container có hàng tại nhà máy và phiếu cân hàng lúc vào cảng là trùng khớp, do đó họ nghi ngờ khả năng hàng hóa bị mất trong thời gian container hạ bãi chờ xuất. Các chứng từ liên quan khác cũng được doanh nghiệp cung cấp làm cơ sở để chứng minh hàng hóa được niêm phong và đảm bảo an toàn từ lúc hàng được đóng vào container tại nhà máy cho đến lúc container vào cảng. Theo VPSA, tình trạng mất hàng không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về tài chính khi doanh nghiệp phải đền bù hoặc bị phạt mà còn ảnh hưởng đến các hợp đồng tương lai. Không dừng lại ở đó, uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp nói riêng và VN nói chung cũng bị sụt giảm trên thị trường quốc tế.

Tại sao các đối tượng trộm cắp hàng hóa lại chọn cà phê và hồ tiêu để "rút ruột"? Các chuyên gia trong ngành nhận định cà phê và hồ tiêu là hai mặt hàng nông sản tăng giá rất "nóng" từ đầu năm đến nay, trong đó cà phê đã đạt mức cao nhất trong lịch sử với giá xuất khẩu hiện tại là trên 4.000 USD/tấn. Còn giá giao dịch hồ tiêu các loại của VN trên thị trường quốc tế đã tăng thêm tới 50% chỉ sau 3 lần điều chỉnh trong 10 ngày trở lại đây, đạt mức 7.800 - 8.000 USD/tấn. Bên cạnh đó, nguồn hàng cung ứng trong nước không còn nhiều, với lượng hàng "rút ruột", các đối tượng trộm cắp có thể dễ dàng tiêu thụ và bỏ túi hàng tỉ đồng.

Làm rõ vụ container hồ tiêu, cà phê bị rút ruột- Ảnh 2.

Thống kê 5 trường hợp bị rút ruột hàng xuất khẩu

VPSA

Xác minh, làm rõ vụ việc

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều VN, một trong những "bị hại" từng gặp phải nhiều trường hợp "rút ruột" container trong quá khứ, nhận định: "Cách đây khoảng 10 năm, nhiều doanh nghiệp ngành điều đã gặp trường hợp rút ruột "container", chịu thiệt hại rất lớn. Ở thời điểm ấy, cơ quan điều tra đã xác định phương thức, thủ đoạn lấy trộm là do các tài xế lái xe lợi dụng thời gian vận chuyển trên đường để bóc niêm phong, rút trộm hàng sau đó làm giả niêm phong lại để xóa dấu vết. Nhưng hiện nay các đơn vị vận tải đều đã gắn định vị, theo dõi rất sát sao lộ trình, thậm chí có thể kiểm tra bằng video call bất cứ lúc nào. Các tài xế có ý đồ xấu dù có muốn dừng xe ở đâu đó để "rút ruột" cũng không thể làm được. Còn đối với các container khi đã bốc xếp lên tàu rồi thì càng không thể ăn trộm vì hệ thống giám sát chặt chẽ và trộm rồi cũng không chuyển đi đâu được".

Từ đó, theo ông Bạch Khánh Nhựt, khi cân hàng tại nhà máy và cân đối chiếu lại tại cảng đều có số liệu trùng khớp, tuy nhiên kẻ gian có thể lợi dụng khoảng trống vài tiếng đồng hồ trong lúc chờ xếp hàng lên tàu để "rút ruột". Rà soát lại các quy trình vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa thì vị trí này, thời gian này là cơ hội tốt nhất để kẻ gian ra tay.

Sau khi nhận được công văn nghi vấn "rút ruột" hàng hóa xuất khẩu từ cảng Cát Lái, ông Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, có văn bản hồi đáp và khẳng định: "Hiện nay, các phòng ban chức năng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang làm việc với các đơn vị thẩm quyền và cơ quan chức năng để kiểm chứng thông tin thiếu hụt hàng hóa do phía VPSA cung cấp. Tuy nhiên, việc rủi ro mất hàng xảy ra ở nhiều khâu, chưa có căn cứ để khẳng định xảy ra tại cảng. Luồng hàng hóa di chuyển từ kho người bán đến kho người mua phải đi qua các khâu trong chuỗi cung ứng như: vận tải trên biển, đến cảng dỡ hàng, vận tải từ cảng đến kho người nhập khẩu... cần phải kiểm chứng để tránh gây hiểu nhầm cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu". Theo lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, việc VPSA đưa thông tin trên website trước khi có kết luận chính xác từ cơ quan chức năng đã làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp này.

Sau khi nhận công văn phúc đáp của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, ngày 12.6, VPSA đã rút nội dung thông tin kiến nghị trên website của Hiệp hội. Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 12.6, đại diện VPSA cho biết Hiệp hội đã đề nghị Cục Hàng hải VN và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tăng cường chỉ đạo giám sát, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để đảm bảo an toàn hàng hóa của doanh nghiệp khi lưu tại cảng. Đối với những trường hợp báo cáo mất hàng nói trên, Hiệp hội đề nghị các đơn vị vào cuộc, làm việc với các bên liên quan để điều tra vụ việc và phản hồi bằng văn bản, có phương án đền bù thiệt hại nếu vụ việc xảy ra thuộc chức năng và trách nhiệm của cảng. Hiệp hội sẵn sàng tham gia và phối hợp hỗ trợ các bên trong khả năng và quyền hạn khi có yêu cầu. Hiện nay ngoài 5 doanh nghiệp đã báo cáo có xảy ra tình trạng "rút ruột", VPSA sẽ tiếp tục cập nhật và sẽ thông báo khi phát hiện thêm các trường hợp khác. 

Giá hồ tiêu tiếp tục tăng cao

Giá hồ tiêu ngày 12.6 tại thị trường trong nước đã lập mức cao kỷ lục mới khi tăng thêm 7.000 - 9.000 đồng/kg, đạt mức 180.000 đồng/kg. Tại thị trường quốc tế, giá giao dịch hồ tiêu các loại của VN cũng tăng thêm hơn 20%. Hiện nay quốc gia tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của VN là Trung Quốc đã bắt đầu tăng mua trở lại. Trong tháng 5.2024, xuất khẩu hồ tiêu của VN sang Trung Quốc đạt 3.137 tấn, tăng gấp 4,8 lần so với tháng trước và là mức cao nhất trong 11 tháng qua.

Làm rõ vụ container hồ tiêu, cà phê bị rút ruột- Ảnh 3.

Mặt hàng hồ tiêu đang trên đường trở lại mức giá hoàng kim

Q.T

Dữ liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, giá nhập khẩu hồ tiêu bình quân vào nước này đạt mức 4.576 USD/tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Indonesia và VN là hai nguồn cung hồ tiêu lớn nhất. Thị phần hồ tiêu của VN trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng lên mức 37,5%, so với mức 32% của 4 tháng đầu năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.