Trao đổi với Thanh Niên ngày 1.2, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết thông tin giá hồ tiêu trong nước giảm do hồ tiêu Trung Quốc nhập khẩu là không có cơ sở.
Trong ngày 31.1, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu tra soát, kiểm tra ở các cửa khẩu. Cụ thể, trong thời gian từ đầu năm đến nay, Việt Nam chưa nhập khẩu bất cứ lô hàng hồ tiêu nào từ Trung Quốc.
Năm 2022, chỉ có 2 doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hồ tiêu từ Trung Quốc, với tổng khối lượng 504 tấn để làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm gia vị xuất khẩu, chứ không tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước.
Số lượng nhập khẩu hồ tiêu từ Trung Quốc trong năm 2022 chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với hơn 200.000 tấn hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, không đủ làm tác động đến thị trường, giá cả hồ tiêu tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ngày 28.1, ở thị trường thế giới, giá hồ tiêu giảm nhẹ tại Indonesia so với ngày trước đó. Giá tiêu đen Lampung giảm thêm 0,11%, xuống mức 3.587 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này cũng giảm 0,10%, ở mức 6.176 USD/tấn.
Giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 4.900 USD/tấn; còn hạt tiêu trắng ASTA của quốc gia này vẫn có giá 7.300 USD/tấn. Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 giữ ở mức 2.750 USD/tấn. Tại Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu vẫn giữ ở mức 4.750 USD/tấn.
Giá hồ tiêu ở thị trường trong nước cập nhật ngày 28.1 ở trạng thái đi ngang so với ngày trước đó. Cụ thể, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông duy trì ở mức 56.500 đồng/kg. Tại Gia Lai, giá tiêu là 55.500 đồng/kg; tại Đồng Nai, giá tiêu không biến đổi, được thu mua ở mức 56.500 đồng/kg. Giá tiêu cao nhất tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn giữ ngưỡng 58.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Bình Phước tiếp tục thu mua ở mức 57.500 đồng/kg.
Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt giá trị 970,61 triệu USD; giá trung bình 4.244 USD/tấn, tăng 18,1% về giá so với năm 2021.
Bình luận (0)