Huyết áp cao không được điều trị sẽ gây hại đến các mạch máu chính như mạch máu ở não, tim, thận và động mạch chủ.
Tiến sĩ Stephen J. Huot, giáo sư, từ trường Yale School of Medicine (Mỹ), cho biết khi huyết áp tăng vọt quá cao, sẽ có những triệu chứng đe dọa tính mạng. Đó là trường hợp tăng huyết áp khẩn cấp, lúc đó, cần đi cấp cứu ngay.
Tăng huyết áp khẩn cấp là gì?
Nếu huyết áp dưới 120/80 mm Hg là bình thường. Còn huyết áp từ 180/120 mm Hg trở lên là huyết áp rất cao.
|
Huyết áp rất cao có 2 trường hợp:
Đó là huyết áp rất cao đã gây tổn thương các cơ quan nội tạng và huyết áp rất cao nhưng chưa gây tổn thương các cơ quan nội tạng.
Tiến sĩ Guy L. Mintz, từ Bệnh viện Tim ở Manhasset, New York (Mỹ), cho biết: “Sự khác biệt không phải là mức huyết áp mà là liệu các cơ quan nội tạng có bị tổn thương hay chưa”, theo MSN.
Nếu huyết áp đo được từ 180/120 trở lên, nhưng chưa có dấu hiệu tổn thương các cơ quan, đây là trường hợp cảnh báo.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên nên đợi khoảng 5 phút và đo lại. Nếu đo lần thứ hai cũng cao như vậy, hãy đi bác sĩ ngay.
Tiến sĩ Huot nói, cần can thiệp trước khi huyết áp tăng càng cao làm hỏng các mạch máu và trở thành trường hợp khẩn cấp.
Trường hợp huyết áp rất cao, nhưng chưa tổn thương nội tạng, sẽ có các triệu chứng là:
• Đau đầu dữ dội
• Khó thở
• Chảy máu cam
• Lo lắng nghiêm trọng
Nhưng nếu huyết áp rất cao, từ 180/120 trở lên, đồng thời kèm theo các triệu chứng tổn thương nội tạng, như đau ngực, đau lưng, tê hoặc yếu hoặc thay đổi thị lực, thì đây có thể là trường hợp tăng huyết áp khẩn cấp, theo MSN.
Những triệu chứng này cho thấy người bệnh có thể đã bị tổn thương nội tạng, tiến sĩ Huot nói.
Tổn thương nội tạng có nhiều dạng, bao gồm đột quỵ, đau tim và suy thận.
Do đó, dấu hiệu để biết huyết áp cao nguy hiểm chính là các triệu chứng tổn thương nội tạng, theo MSN.
Các dấu hiệu khác của tổn thương nội tạng do tăng huyết áp khẩn cấp có thể là:
• Mất ý thức hoặc ngất xỉu
• Mất trí nhớ
• Tác hại đến mắt
• Vỡ động mạch chủ, động mạch chính của cơ thể
• Đau thắt ngực
• Tràn dịch phổi
• Tiền sản giật - một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng
Cả tiến sĩ Huot và tiến sĩ Minz đều cảnh báo, trong tình huống khẩn cấp này, cần đi cấp cứu ngay lập tức, theo MSN.
Những ai có nguy cơ bị tăng huyết áp khẩn cấp?
Mọi người có huyết áp cao hơn 130/80 mm Hg hoặc đang dùng thuốc điều trị huyết áp cao, đều có nguy cơ bị tăng huyết áp khẩn cấp.
Nam giới có nguy cơ bị tăng huyết áp khẩn cấp hơn phụ nữ.
Theo nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp năm 2020 của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, các yếu tố nguy cơ khác của tăng huyết áp khẩn cấp gồm tuổi cao, tiểu đường, mức cholesterol trong máu cao hoặc bệnh thận mạn tính, và cả do tương tác thuốc.
Đa số trường hợp bị tăng huyết áp khẩn cấp là những người bị huyết áp cao nhưng ngừng dùng thuốc huyết áp.
Bác sĩ Huot cho biết, đa số người bị tăng huyết áp khẩn cấp, đều biết mình bị huyết áp cao, nhưng không dùng thuốc và huyết áp của họ tiếp tục tăng cao, theo MSN.
Có thể ngăn ngừa tăng huyết áp khẩn cấp được không?
Tiến sĩ Mintz cho biết, có thể ngăn ngừa các trường hợp tăng huyết áp khẩn cấp.
Bằng cách kiểm tra thường xuyên, đặc biệt ở người có các yếu tố nguy cơ cao, nên kết hợp theo dõi huyết áp tại nhà, tập thể dục 30 phút mỗi ngày - 5 ngày một tuần, ăn ít muối và duy trì cân nặng lý tưởng.
Để sẵn thuốc bên cạnh để khi huyết áp tăng cao thì dùng ngay. Người bệnh cần phải luôn biết mức huyết áp của mình và làm mọi thứ để giữ huyết áp trong vùng an toàn. Ngay cả huyết áp hơi cao cũng có thể nguy hiểm, theo MSN.
Bình luận (0)