Làm sao để trả lời những câu hỏi 'khó đỡ' ngày tết?

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
02/02/2022 11:15 GMT+7

Cuộc gặp gỡ ngày tết sẽ mất vui, trở nên áp lực khi người trẻ nhận được các câu hỏi khó đỡ mang tính cá nhân. Vậy người trẻ cần làm gì khi nhận được sự quan tâm 'khó đỡ' này?

Đến hẹn lại lên, câu chuyện người trẻ nơm nớp lo sợ việc bị họ hàng “tra hỏi” những câu mang tính chất cá nhân như: “Lương tháng bao nhiêu?”, “Khi nào kết hôn?” trong những cuộc họp mặt ngày tết chưa bao giờ là cũ. Nhiều người trẻ bày tỏ mong muốn người lớn thấu hiểu và hạn chế đưa ra những câu hỏi mang tính chất cá nhân khiến họ khó xử.

Nhiều người trẻ bày tỏ mong muốn người lớn thấu hiểu và hạn chế đưa ra những câu hỏi mang tính chất cá nhân để cuộc gặp ngày tết luôn đầy ắp tiếng cười

Trần Huy Phụng

Tuy nhiên, bản thân những người trẻ cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng đối đáp, xử lý tình huống một cách tinh tế để không làm mất lòng người lớn, giữ cho cuộc gặp gỡ ngày tết thêm “thân tình”.

Nguyễn Hoàng Oanh, 25 tuổi, quê Long An, cho biết cô cảm thấy mệt mỏi, áp lực khi người lớn cứ đặt ra những câu hỏi mang tính cá nhân trong ngày tết.

Cô bày tỏ mong muốn: “Người lớn hãy thông cảm và thấu hiểu cho những áp lực mà người trẻ chúng tôi đang đối mặt phải, việc trở thành trung tâm của một bữa tiệc và bị tra hỏi khi nào lấy chồng, lương tháng bao nhiêu khiến tôi muốn ngộp thở”.

Nguyễn Hoàng Oanh chọn cách trả lời khéo léo khi nhận được câu hỏi “khó đỡ” ngày tết để không làm mất lòng người lớn

NVCC

Mỗi khi đối mặt với những câu hỏi khó xử như trên, Hoàng Oanh cho biết cô chọn cách trả lời có phần né tránh như: “Khi thời điểm thích hợp, công việc cuộc sống ổn định con sẽ lấy chồng” hoặc “Lương con không nhiều nhưng cũng không ít, đủ trang trải cuộc sống cũng như phụ giúp gia đình”.

Cùng tâm trạng, Triệu Thanh Ngân, 22 tuổi, quê Sóc Trăng, cho rằng người lớn thấu hiểu và hãy khơi gợi những câu chuyện, kỷ niệm vui trong một năm thay vì đưa ra những câu hỏi mang tính cá nhân.

Khi bất đắc dĩ phải trả lời những câu hỏi khó xử, Thanh Ngân chọn cách trả lời “chung chung” kèm theo một lời khen như: “Lương con cũng bình thường, mà hôm nay dì mặc chiếc đầm đẹp quá”. Theo Ngân, “bẻ lái” là một “chiêu” hữu hiệu mà người trẻ có thể áp dụng để đối đáp khi bị hỏi về các vấn đề hôn nhân và lương bổng.

Triệu Thanh Ngân lựa chọn phương án “Bẻ lái” sang một chủ đề khác để “sống sót” qua những câu hỏi mang tính cá nhân ngày tết

NVCC

Hoá giải sự quan tâm “khó đỡ”

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trước hết, bạn trẻ cần khẳng định tinh thần chung khi người lớn hỏi những câu “khó đỡ”, gây cảm xúc khó chịu cho người trẻ như “Lương bao nhiêu?”, “Khi nào lập gia đình?” xuất phát từ sự quan tâm đến con, cháu của mình.

”Xa mặt gần cả năm trời, chỉ có dịp tết mới quây quần bên nhau, hai chủ đề gây nhức nhối, nhưng cũng luôn hiện hữu trong cuộc sống cũng là tình và tiền. Vì vậy, chúng ta khó có thể trách người thân trong gia đình hỏi han những chủ đề này. Khi hiểu rằng điều này cũng chỉ xuất phát từ sự quan tâm và chia sẻ, người trẻ sẽ hạ bớt một phần khó chịu trong người để tâm thế thoải mái hơn trong những ngày tết”, chuyên viên nói.

Từ bỏ thói quen hỏi chuyện cá nhân ngày tết

Theo chuyên viên Tâm An, chúng ta có thể nhận ra những câu hỏi này khá tương đồng với sự quan tâm về kết quả, thời đi học thì bị hỏi “Điểm số bao nhiêu”, đi làm thì bị hỏi “Lương bổng, chức vụ gì?”, đến tuổi trưởng thành thì “Người yêu đâu? Làm nghề gì? Khi nào cưới?”.

“Việc quá chú trọng vào kết quả mà bỏ quên quá trình, bỏ quên đời sống tinh thần của người đối diện là một nét văn hoá cần phải sửa đổi, vì nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt”, anh Tâm An bày tỏ quan điểm.

Không nên trả lời gây “sốc”

Thay vì học những câu đối đáp gây “sốc” trên mạng mà khả năng ứng dụng lại không cao vì dễ gây mất lòng, anh Tâm An khuyên người trẻ nên chủ động “đi trước một bước” bằng cách hướng sự quan tâm của người lớn vào những chủ đề mà các bạn cảm thấy thoải mái, hoặc hướng người lớn quan tâm nhiều hơn về quá trình thay vì kết quả.

Khi phải gặp họ hàng trong những dịp sum vầy, chuyên viên tâm lý cho rằng người trẻ hoàn toàn có thể chủ động đưa ra những câu hỏi như “Trong một năm qua, bác có chuyện gì vui không ạ?”, “Gia đình cô, chú vẫn khỏe chứ?”, “Có chuyện gì làm anh, chị không vui ạ?”...

“Rồi sau đó, các bạn có thể tiếp tục tương tác về những chủ đề liên quan đến quá trình, thay vì là kết quả “Năm vừa rồi, cháu cảm thấy rất vui vì vẫn an toàn trong tình hình dịch bệnh phức tạp”, “Năm vừa qua khá khó khăn với con, nhưng ít nhất gia đình vẫn khỏe mạnh và bình an, vậy là con hài lòng lắm rồi”, chuyên viên Tâm An khuyên người trẻ.

Bên cạnh đó, chuyên viên lưu ý, khi nhận những câu hỏi không muốn trả lời, ngoài việc luôn tâm niệm đây là “sự quan tâm” để bản thân “hạ hỏa” thì người trẻ có thể đưa ra câu trả lời chung như “Con cũng làm công việc văn phòng bình thường thôi, nhưng con cảm thấy rất thoải mái và phù hợp”, “Con muốn dành thời gian để hoàn thiện bản thân trước khi nghĩ đến việc kết hôn”.

“Nếu bạn nhận ra đối tượng hỏi có động cơ so sánh, khoe khoang, khiến bạn cảm thấy khó chịu, hãy tìm một lý do nào đó để rời khỏi không gian đó, ngắt sự kết nối. Thật khó để chúng ta có thể thay đổi tư duy và cách hỏi chuyện của người lớn, nhưng chúng ta có thể xoay chuyển góc nhìn của bản thân để bức tranh ngày tết bớt màu tiêu cực. Hãy tập trung sự quan tâm của mình vào những người thân yêu xung quanh, vì đây là dịp hiếm hoi mà bạn có để thể hiện tấm lòng của mình”, chuyên viên Tâm An chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.