(TNO) Buổi sáng đầu tháng 6, tại ĐH Yersin, Đà Lạt, những sinh viên năm 2 ngành điều dưỡng chất vấn sau khi xem một đoạn video tin tức: “Tại sao trong clip không có tên nhân chứng? Nguồn tin không rõ ràng. Không có tên thì không đáng tin cậy”... Đó là thành quả của 2 ngày cật lực trong một khóa học ngắn hạn với tên gọi “Độc giả thông minh”.
>> Hai ông hề già và độc giả trẻ
|
"Độc giả thông minh"
Trong một cuộc nói chuyện ngắn diễn ra vào ngày 27.7.2013, GS Richard Hornik, Giám đốc chương trình của khóa học “News Literacy” (tạm dịch, Đọc vị tin tức) đã phát biểu như thế trước 30 giảng viên khoa báo chí và nhà báo tại TP.HCM. Từ hôm ấy, những giảng viên và phóng viên đã cùng nhau dành ra hơn 6 tháng để soạn một giáo án cực ngắn: 2 ngày, để đem đi giới thiệu cho sinh viên khắp Việt Nam về một khái niệm đơn giản: Cách để bạn đọc báo mỗi ngày.
Chương trình đã được thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Huyền (cựu sinh viên Fulbright, giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), với sự tài trợ tài chính của Lãnh sự quán Mỹ, sự hỗ trợ của GS Richard Hornik và 30 giảng viên, phóng viên ở nhiều nơi tại Việt Nam xây dựng thành giáo trình.
Nhiều phóng viên của các tờ báo lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Forbes... đã tự viết phần giảng của mình trong suốt một thời gian dài. Cùng lúc đó, người “dẫn dắt” dự án, cô Nguyễn Thị Ngọc Huyền, vừa đi học tại Mỹ, vừa chỉnh sửa từng trang nội dung của chương trình từ Mỹ để sao cho có thể Việt hóa tốt nhất, khiến cho người học -dù chưa một lần chú ý đến ngành nghề báo chí - cũng có thể hiểu được các bài giảng của mình.
|
Đến tháng 4.2014, đợt “tuyển sinh” đầu tiên của “Độc giả thông minh” diễn ra. 50 sinh viên đầu tiên đã được mời đến ĐH Nha Trang, dành ra 2 ngày cuối tuần, ngồi bên những bản tin truyền hình, những bức ảnh báo chí, bản tin báo mạng.... cùng các nhà báo, các “huấn luyện viên” cùng các bạn chỉ ra những điểm vô lý, cách nhận diện các thông tin không đúng sự thật, cách đánh giá mức độ tin cậy của bài viết, xem ảnh, xem video.
|
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một cuộc “tập luyện” cho người đọc chính thức được đưa đến tận tay người đọc trẻ, thực hiện đúng câu hỏi: “Nhà báo giỏi để làm gì nếu độc giả không phân biệt được đâu là nhà báo giỏi?". Một nhóm 50 độc giả tại ĐH Nha Trang hôm ấy đã được trang bị những kỹ năng đơn giản nhất, để mỗi khi cầm tờ báo lên đọc, họ biết hoài nghi hoặc xác tín những thông tin được trình bày trên trang giấy.
Người đọc “thông minh” là sức mạnh cho báo chí
Theo giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Huyền, điều phối viên nội dung của “Độc giả thông minh”, chương trình này của ĐH Stony Brook được xây dựng từ một nhà báo người Mỹ, sau 1 thời gian dài lăn lộn, được mời về trường, thành lập khóa học này và huấn luyện sinh viên để nắm bắt kỹ năng về báo chí.
"Khóa học này không hề có giáo trình, mà được chi tiết hóa dựa trên nơi giảng dạy. Cốt lõi của khóa học là chỉ dẫn người đọc sử dụng tư duy logic để nhận ra những điểm vô lý, sự sai lệch, thiếu bằng chứng của các bài báo, nhằm nhận ra thông tin có đáng tin cậy không”, theo giảng viên Ngọc Huyền.
Tuân thủ nguyên tắc của khóa học, những giảng viên và phóng viên tham gia khóa giảng tập trung vào các “điểm mù” cho độc giả. Một chương trình truyền hình tại sao có đông khán giả vỗ tay vậy? Họ dựng khán giả từ đâu ra? Một bản tin báo in tại sao lại viết tắt tên nhân vật? Trường hợp nào mới đúng? Một bức ảnh báo chí diễn tả sự thật đến mức nào? Khi nào thì ảnh báo chí bị giả mạo?... là các câu hỏi được xoáy vào.
Bạn Bùi Anh Đào (sinh viên năm 1, ngành Điều dưỡng ĐH Yersin) nói: “Nhờ các dấu hiệu, em biết được thông tin nào là thật, hình ảnh thật, như vậy khi đọc thông tin cho ngành học của em sẽ dễ dàng hơn. Bình thường, có lúc em đọc báo trên mạng mà không biết là đúng hay sai. Ví dụ trên Facebook chia sẻ cái tin có người bắt em bé chặt đầu, uống máu, ghê lắm nhưng khi xem qua các dấu hiệu, em biết bản tin này không đáng tin cậy”.
|
Anh Nguyễn Thanh Sơn (Bí thư Đoàn trường ĐH Yersin) cho biết: “Ban đầu khi đồng ý đưa khóa học vào trường, tôi hơi ngại nội dung không phù hợp với các em, vì sinh viên ở đây không học ngành báo chí, chỉ sợ không ăn nhập làm các em không hứng thú. Nhưng ngay sau buổi đầu tiên, các em đã thấy có rất nhiều nội dung thú vị, phù hợp với bất cứ ai, chứ không chỉ riêng ngành nào”. Anh Sơn đã cùng với sinh viên theo suốt 2 ngày của khóa học tại Đà Lạt và kết thúc trong một “cuộc đua” ngắn về thẩm định mức độ tin cậy của 2 bản tin truyền hình.
Từ ĐH Nha Trang, những người làm “Độc giả thông minh” đã mang các bài giảng đến với gần 100 sinh viên ĐH An Giang, ĐH Yersin (Đà Lạt) và sẽ tiếp tục với hơn 100 sinh viên tại TP.HCM trong chương trình cuối tháng 6 này.
Sinh viên tại TP.HCM muốn tham dự khóa giảng “Độc giả thông minh” tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM có thể đăng ký tại: http://docgiathongminh.org/ |
Khải Đơn
Ảnh do chương trình cung cấp
>> Người Hà Nội đọc báo
>> 1.001 kiểu đọc báo
>> 2 tuổi biết đọc báo
>> Sách khó đến với độc giả
>> Đọc báo... ở ngã tư
>> Người Sài Gòn đọc báo
Bình luận (0)