Làm sao 'giải vây' cho sân bay Tân Sơn Nhất?

11/08/2022 07:06 GMT+7

Cảng Tân Sơn Nhất đang phục vụ khoảng 120.000 lượt hành khách/ngày (đến và đi), tương ứng với hơn 40 triệu lượt hành khách/năm.

Ngưng cho xe công nghệ đón khách trên lầu, đề xuất xây thêm bãi đệm đậu xe…, nhiều giải pháp tình thế đang được cấp tập triển khai, song vẫn khó “cứu” sân bay Tân Sơn Nhất, bởi để giải cứu sân bay lớn nhất cả nước không chỉ phụ thuộc vào chuyện phân luồng, bãi xe mà cần tổng thể các giải pháp.

Bố trí bãi lót, thêm bãi đậu xe

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP báo cáo về tình hình hoạt động của Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất sau liên tiếp những thông tin phản ánh của báo chí về các bất cập, tồn tại trong tổ chức giao thông vận tải tại sân bay này.

Theo đó, Cảng Tân Sơn Nhất đang phục vụ khoảng 120.000 lượt hành khách/ngày (đến và đi), tương ứng với hơn 40 triệu lượt hành khách/năm. Công suất thực tế này đang vượt 1,3 lần so với công suất thiết kế khoảng 30 triệu lượt hành khách/năm. Về hoạt động vận tải đường bộ tại cảng, có 4 loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với khoảng 5.600 xe có đăng ký hoạt động hoặc ký hợp đồng hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, có các loại hình du lịch, hợp đồng, taxi của các đơn vị không đăng ký hoạt động thường xuyên và phương tiện mô tô, ô tô cá nhân, tổ chức phục vụ đưa, đón hành khách ra vào cảng.

Hành khách đón xe taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất

Cao An Biên

Số lượng phương tiện lớn như vậy, song, Cảng Tân Sơn Nhất hiện nay chỉ tổ chức 1 cổng vào cho hành khách đến và đi, dẫn đến tập trung lượng lớn người và phương tiện lưu thông trên đường Trường Sơn, chưa kể lượng phương tiện quá cảnh qua khu vực này. Ngoài ra, một số tuyến đường xung quanh sân bay có lưu lượng phương tiện rất lớn nhưng chưa được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch nên tình hình giao thông diễn biến phức tạp, dễ xảy ra ùn tắc khi có sự cố, hoặc các dịp lễ, tết.

Sở GTVT TP cũng đánh giá việc tổ chức các làn đón trả khách tại ga quốc nội chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện cho xe taxi, xe hợp đồng ứng dụng công nghệ và xe buýt được đón trả khách tại vị trí thuận lợi. Xe taxi, xe hợp đồng ứng dụng công nghệ đón khách tại làn D bên trong tòa nhà TCP dẫn đến tập trung đông khách, gây mất trật tự nhưng chưa được cơ quan quản lý tòa nhà phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt. Ngoài ra, do không có bãi đỗ xe dành cho phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt, taxi nên tình trạng giao thông trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu hành khách vào các giờ cao điểm.

Để giải quyết các bất cập, Sở GTVT đề nghị Cảng Tân Sơn Nhất bố trí bãi lót trong sân bay cho các đơn vị vận tải có đăng ký hoạt động hoặc ký hợp đồng hoạt động thường xuyên tổ chức đỗ xe taxi, xe hợp đồng ứng dụng công nghệ kịp thời đón khách. Song song, rà soát và ưu tiên bố trí cho xe taxi, xe công nghệ được đón khách tại làn C ga quốc nội và thường xuyên theo dõi, sắp xếp vị trí các điểm xe đón trả khách linh hoạt, phù hợp với tình hình giao thông thực tế tại từng thời điểm.

Trước đó, Cảng vụ Hàng không miền Nam cũng đề xuất UBND TP kêu gọi đầu tư xây dựng bãi đậu xe, bãi đệm cho các phương tiện ra/vào phục vụ tại Cảng Tân Sơn Nhất tại khu đất trống chưa quy hoạch. Khu đất này có diện tích khoảng 3.541,9 m2, tiếp giáp đường vào ga quốc tế, góc đường Bạch Đằng - Trường Sơn - Hồng Hà, hiện TP.HCM đang tạm giao cho Cảng vụ quản lý. Ngoài ra, báo cáo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) triển khai một số giải pháp mang tính lâu dài để giảm ùn tắc tại Cảng Tân Sơn Nhất như: xây dựng nhà để xe tại khu vực ga quốc tế (có công năng tương tự nhà xe TCP tại ga trong nước); xây dựng đường hầm hoặc cầu đi bộ kết nối nhà xe TCP với nhà ga trong nước; mở thêm làn xe để đáp ứng nhu cầu tăng cao của các phương tiện ra vào cảng hàng không.

Dự án nào cũng phải chờ

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết việc đề xuất xây thêm bãi đệm, bãi đậu xe hoặc thêm đường thoát cho các phương tiện vận tải đã được cảng nghiên cứu và đề xuất từ lâu. Tuy nhiên, thủ tục phê duyệt chủ trương và bàn giao mặt bằng còn phụ thuộc nhiều vào các cấp cơ quan quản lý. Thời gian qua, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc, cảng đã cải tạo một phần diện tích sảnh công cộng trước sảnh A nhà ga để tăng diện tích khu vực làm thủ tục (check-in), bổ sung 3 cửa khởi hành mới, tăng diện tích chờ cho hành khách, chủ động sử dụng linh hoạt một phần nhà ga quốc tế để khai thác cho các chuyến bay nội địa vào các giai đoạn cao điểm…

Theo đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, nhà ga quốc nội được khai thác từ trước năm 1975, qua nhiều lần mở rộng, sửa chữa cải tạo, hiện đã xuống cấp. Mặt bằng không thay đổi so với trước kia nên thường xuyên xảy ra xung đột luồng tuyến di chuyển của hành khách, từ sân đỗ vào, trong nhà ga và trước nhà ga đến đường kết nối của TP thường xuyên xảy ra ùn ứ, đặc biệt trong dịp cao điểm, giờ cao điểm, thời tiết xấu, rất vất vả để điều tiết giao thông.

“Mọi sự cố gắng điều chỉnh, linh hoạt phân luồng, quản lý hiện nay chỉ dừng ở mức “dồn chỗ này, bóp chỗ kia” sao cho khoa học nhất. Hạ tầng đã quá tải gấp nhiều lần, rất khó để giải quyết tận gốc các bất cập. Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có thể chờ nhà ga T3 giải cứu”, vị này nói.

Trong khi đó, Thủ tướng chỉ đạo trong tháng 7 phải hoàn thành bàn giao 16,05 ha đất quốc phòng cho dự án nhà ga hành khách T3 và khoảng 11,89 ha đất quốc phòng cho dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa nhưng đến nay đã gần giữa tháng 8, công tác bàn giao đất vẫn đang loay hoay chờ lấy ý kiến các đơn vị.

Theo Bộ Quốc phòng, việc bàn giao đất để thực hiện dự án nhà ga T3 còn rất nhiều vướng mắc. Cụ thể, theo quy định của pháp luật thì khu đất này chưa được cập nhật, bổ sung vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) theo phương án chuyển giao đất quốc phòng cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội và chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp lại. Do đó, Bộ Quốc phòng không đủ cơ sở để bàn giao đất cho địa phương thực hiện các dự án.

Về kinh phí đảm bảo, đối với việc di dời đơn vị để bàn giao 16,05 ha đất xây dựng nhà ga hành khách T3, trên cơ sở báo cáo của Quân chủng Phòng không - Không quân, số tiền khoảng 1.152 tỉ đồng. Xây dựng mới hệ thống ụ bê tông xi măng tại sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 99,32 tỉ đồng. Đối với khu đất 19,79 ha đã bàn giao cho Bộ GTVT để xây dựng sân đỗ tàu bay, Bộ Quốc phòng chưa nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ. Đối với việc di dời, xây dựng, sửa chữa công trình để bàn giao 11,89 ha đất quốc phòng cho dự án xây dựng đường nối từ Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, Q.Tân Bình, do UBND TP.HCM chưa phối hợp kiểm đếm, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chưa xác định được số tiền bồi thường, hỗ trợ.

Như vậy, dự án cấp bách này một lần nữa vẫn chưa hẹn ngày khởi công, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn mòn mỏi chờ “giải cứu”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.