Cuốn từ điển sống về nhiều sự kiện văn học và xã hội
Nhà thơ Vũ Quần Phương là người đầu tiên chia sẻ về nhà văn Tô Hoài trong tọa đàm Tô Hoài - nhà văn của mọi lứa tuổi, do NXB Kim Đồng tổ chức ngày 25.9 tại Hà Nội. Tô Hoài trong hình dung của ông Phương là người trí nhớ tuyệt vời, quan sát tinh vi, lại có lối diễn đạt mộc, sắc, hóm. “Tô Hoài như cuốn từ điển sống về nhiều sự kiện văn học và xã hội. Ông rất giỏi tạo thần thái cho không gian và tính cách cho nhân vật”, ông Phương nói.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý lại nhắc tới nhà văn Tô Hoài như một nhà văn chuyên viết về Hà Nội. Theo ông Quý, thế giới nhân vật thị dân Hà Nội của Tô Hoài thường hiện lên với những vất vả, tùng tiệm hơn là nhàn tản, sang cả. “Có thể nói, Tô Hoài đem lại cho văn chương viết về Hà Nội một chân dung thú vị, như thể một người đã chụp một bộ ảnh Hà Nội từ đen trắng sang ảnh màu, tạo ra một dữ liệu thuyết phục cho bất cứ ai muốn nhận diện đô thị này. Bộ ảnh đó có tấm cảm động, có tấm hài hước, có tấm buồn bã, nhưng điều thú vị nhất chính là người ta sẽ thấy bóng dáng Tô Hoài luôn ở một góc những khung hình đó, thong dong vừa đủ cho một sự hiện diện lão luyện hơn người”, ông Quý nói.
Người viết chuyên nghiệp
Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm được nhiều người nhắc tới trong tọa đàm. Ở đó, nhà văn Tô Hoài hiện lên như một cây viết truyện đồng thoại giỏi giang cho thiếu nhi. Tư liệu của NXB Kim Đồng cho thấy việc dịch tác phẩm này đã mang tới hình dung về văn học thiếu nhi đẹp đẽ ở nước ngoài. Bản tin Liên Xô năm 1963 ghi lại đánh giá của một nhà văn về tác phẩm này: “Không còn nghi ngờ gì nữa, cuốn sách này sẽ được tái bản ở nước ta và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác, cho tới khi nó trở thành một trong những cuốn sách hay nhất bằng tiếng loài người”.
Nhà văn Trương Quý lại đánh giá cao ông Tô Hoài ở sức mạnh thể loại. “Tô Hoài không phải là người duy nhất sử dụng thể loại tùy bút, tạp văn để viết về Hà Nội, song có thể nói, ông đem lại cho những thể loại này một quyền lực đáng kể, cạnh tranh về khả năng hấp dẫn bạn đọc so với thể loại “chính thống” của văn học như tiểu thuyết hay truyện ngắn”, ông Quý nói.
PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, lại nói về quá trình Tô Hoài tự nhận biết khả năng và thực hành viết văn. “Thực ra thời đầu Tô Hoài cũng làm thơ... Sau những dò tìm ấy, Tô Hoài nhận ra mảnh đất dụng võ của mình là văn xuôi, là những câu chuyện của mình, quanh mình, như ông đã nói. Ngay cả những câu chuyện về loài vật cũng là những chuyện về cuộc đời. Hơn 20 tuổi, Tô Hoài tạo được một kiệt tác ở thể đồng thoại Dế mèn phiêu lưu ký. Chuyện viết cho thiếu nhi nhưng cũng là viết cho người lớn, vì ẩn trong tác phẩm này là những bài học nhân sinh sâu sắc”, ông Điệp đánh giá.
Ông Điệp cũng so sánh Tô Hoài với Nguyễn Tuân. “Nguyễn Tuân truy tìm cái đẹp đượm màu lý tưởng, còn Tô Hoài tìm cái đẹp trong chính đời thường”, ông Điệp nói.
Theo ông Điệp: “Tô Hoài mang phẩm chất của cây bút chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở chỗ, ngày nào ông cũng sờ đến bút, ngày nào cũng viết, mà viết kỹ. Nói chuyện với Tô Hoài, đọc văn ông, ta ngạc nhiên bởi trước mắt ta là một pho từ điển bách khoa về đời sống, đặc biệt là những chuyện cũ mà ta đã quên béng tự thời nào. Những chuyện ấy qua ngòi bút của Tô Hoài, bỗng nhiên trở nên sống động, nói cười, tươi mới. Những câu chuyện ngủ vùi đâu đó trong thời gian, qua năng lực đánh thức của Tô Hoài, bỗng nhiên hiện về như là chuyện của hôm nay, rồi từ hôm nay mà ám mãi vào mai sau”.
Trong khi đó, nhà văn Hồ Anh Thái lại cảm phục sức lao động, cảm hứng bền bỉ của nhà văn Tô Hoài. “Chiều chiều ngồi đối diện với bác Tô Hoài, tôi thường xuyên có cảm giác thú vị như đối diện một ẩn số. Sức khỏe ở đâu mà sang tuổi 90 vẫn miệt mài ngồi viết hằng ngày... Vẫn còn điều bí ẩn hơn cả: làm sao để sống thản nhiên như bác, để mà viết?”, ông Hồ Anh Thái chia sẻ.
Bình luận (0)