Làm 'sống dậy' những kiệt tác

Ngọc An
Ngọc An
14/09/2020 07:01 GMT+7

Những kiệt tác được danh họa người Ý Raphael (Raffaello Sanzio da Urbino) vẽ từ hàng trăm năm trước như được sống dậy trong triển lãm kỹ thuật số Magister Raffaello (đang diễn ra và kéo dài đến 31.10 tại Bảo tàng Hà Nội).

Một triển lãm có thể khiến người xem vừa choáng ngợp, vừa thích thú bằng việc ứng dụng công nghệ nghe nhìn đa phương tiện: hình ảnh, âm nhạc và thuyết minh. Những tuyệt tác của danh họa Raphael đã được số hóa hiện ra trước mắt người xem theo nhiều cách khác nhau, đầy sống động. Không chỉ vậy, khách tham quan dễ bị lôi cuốn vào những câu chuyện đằng sau các kiệt tác của Raphael: bối cảnh lịch sử, hành trình sáng tạo, những con người, yếu tố đã ảnh hưởng tới tư duy sáng tác của Raphael. Hà Nội là điểm “đặt chân” đầu tiên của triển lãm Magister Raffaello - được thực hiện nhân kỷ niệm 500 năm ngày mất của danh họa Raphael và có hành trình kéo dài trong 1 năm tới các châu lục. Dù vậy, đây không phải lần đầu tiên công chúng trong nước được tiếp cận với một triển lãm mỹ thuật đa phương tiện.
Vào tháng 10 năm ngoái, triển lãm Bùi Xuân Phái với Hà Nội giới thiệu 100 tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội cũng đã gây chú ý với công chúng khi ứng dụng công nghệ đa phương tiện, kết hợp âm thanh, ánh sáng, công nghệ 3D mapping (dùng ánh sáng tạo hiệu ứng hình ảnh 3D đặc biệt) và deep learning (công nghệ học sâu). Có thể thấy việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong triển lãm mỹ thuật không còn vượt tầm tay của những nhà tổ chức Việt Nam. Ngay như tại triển lãm Magister Raffaello, theo chia sẻ của ông Antonio Alessandro - Đại sứ Ý tại Việt Nam, không có nhân sự nào từ Ý cần phải qua Việt Nam để lắp đặt thiết bị cho triển lãm, mà chính đội ngũ kỹ thuật viên của bảo tàng đã thực hiện, với sự hỗ trợ từ xa của phía công ty thực hiện ở Ý.
Không ít người mong muốn có thêm những triển lãm đa phương tiện cho các danh họa bậc thầy của Việt Nam. Một trong những điều kiện cần để có được những triển lãm như vậy là việc số hóa tác phẩm cùng những tư liệu của các danh họa. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, việc số hóa này đặc biệt cần thiết, nhất là khi nhiều tác phẩm nổi tiếng của các danh họa được lưu giữ tại bảo tàng trong nước hiện trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trong thời gian làm việc tại Viện Nghiên cứu mỹ thuật (sau này là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), bà Yến được giao nhiệm vụ tìm mua lại những tác phẩm của các họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Bà cho hay do nhiều yếu tố, bảo tàng không thể mua hết những tác phẩm xuất sắc của các họa sĩ. Sau khi đất nước mở cửa, nhiều người nước ngoài vào mua tranh với giá cao. Bên cạnh đó, trước kia, nhiều người Pháp thích sưu tầm tranh Đông Dương, mua lại từ những cuộc triển lãm thuộc địa hoặc triển lãm của Trường Mỹ thuật Đông Dương diễn ra tại Pháp. Số lượng tác phẩm của các họa sĩ thời kỳ Đông Dương đang được lưu giữ ở nước ngoài rất lớn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến luôn hy vọng được nhìn thấy những phiên bản số hóa các tác phẩm của danh họa Việt đang lưu lạc tại nước ngoài trong những cuộc triển lãm trong nước. “Những bức tranh còn lại trong nước của nhiều danh họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương chỉ là một phần trong gia tài của họ. Nếu những tác phẩm ấy có thể trở về quê hương qua những phiên bản kỹ thuật số, cũng là điều tuyệt vời với công chúng trong nước”, bà Yến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.