Đó chính là Nguyễn Gia Cát Long (17 tuổi), học sinh lớp 12A4 của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân. Hiện tại, Cát Long đang là người hướng dẫn cho các thí sinh tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” và một số cuộc thi học thuật khác.
Cát Long trong một buổi huấn luyện về môn lịch sử |
LÊ TRÂN |
Tạo ra tình huống hài hước để người nghe dễ dàng tiếp thu kiến thức
Khi được hỏi nguồn gốc của tên gọi “Thầy Lôi”, Cát Long đáp: “Mình nhớ hôm đó trời mưa khá to. Mình đang khóc vì một chuyện buồn thì tự nhiên có một tia sét đánh ngang qua. Tự dưng trong đầu mình bật ra suy nghĩ: nếu như ví cơn mưa như nỗi buồn thì tia sét ấy chính là ánh sáng giúp mình thức tỉnh khỏi tâm trạng não nề kia. Vậy nên mình đã đổi tên Facebook thành “Trần Hoàng Thiên Lôi”. Lúc đầu mình tính để chơi thôi nhưng có vẻ mọi người yêu thích cái tên đó nên dần dần nó trở thành nghệ danh của mình luôn”.
Dù thế, Cát Long cũng cho rằng ở thời điểm hiện tại bản thân chưa xứng với chức danh “người thầy”, chỉ là do mọi người yêu mến và đặt cho mình cái tên “Thầy Lôi” mà thôi.
Nhìn lại hành trình trở thành huấn luyện viên, Cát Long kể: “Mình nhận ra công việc này chính là niềm đam mê của mình chứ không đơn thuần là sự yêu thích bộc phát nhất thời. Ban đầu, mình chỉ nhận ôn tập cho ba anh khóa trên rồi về sau mới bắt đầu hướng dẫn cho đàn em khóa dưới”.
Long cũng cho biết thêm việc huấn luyện trước đây chỉ diễn ra theo hình thức trực tuyến do tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng. Nhưng bây giờ, khi mọi thứ đã bắt đầu bình thường mới thì các phòng học và quán cà phê đối diện trường là hai nơi mà mọi người hay lui tới để luyện thi.
Cát Long đang hướng dẫn cho các bạn học sinh |
LÊ TRÂN |
Cát Long thường tự chuẩn bị những tài liệu ôn tập cho các học sinh. Hơn 95% các câu hỏi trong đề là do Long “chế” từ trong sách vở lẫn ở thực tiễn. Với Cát Long, việc tự làm đề sẽ phần nào giúp cậu ôn lại những gì đã học, đồng thời thúc đẩy quá trình sáng tạo các câu hỏi khiến người đọc phải “mắt chữ A mồm chữ O”.
Bên cạnh đó, Cát Long cũng hiểu được là nếu chỉ có đề “độc” mà thiếu đi cách dạy hay thì người học cũng chẳng hứng thú. Thế nên bên cạnh việc thuyết giảng thì cậu còn hay tạo ra những tình huống vui, hài hước để người nghe dễ dàng tiếp thu kiến thức.
Nguyễn Lý Khánh Hoàng, học sinh lớp 11A4 chia sẻ: “Khi bắt đầu vào giai đoạn ôn tập thì anh Long sẽ nghiêm túc hơn so với bình thường. Nhưng mà việc đó không làm tụi em bị áp lực hay sợ hãi bởi vì anh ấy là người biết cân bằng cảm xúc sao cho không khí tập thể không quá căng thẳng. Ngoài ra, anh có một cách giảng bài khá hay đó là liên hệ kiến thức từ những gì anh ấy vừa trình bày. Nhờ vậy tụi em mới có thể biết thêm được nhiều thứ mà trước giờ bản thân chưa có cơ hội tìm hiểu”.
Lỡ “chuyến tàu” lên đỉnh Olympia nhưng giành quán quân cuộc thi “Cuộc Chiến Vương Quyền”
Để có thể duy trì đam mê huấn luyện này thì Cát Long đã phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, nhất là khi cậu đánh mất cơ hội tham dự chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 22. Nhắc đến vấn đề này, Long bộc bạch: “Mỗi lần nhắc đến nó mình lại cảm thấy tiếc nuối không nguôi. 10 năm trước, lần đầu thấy các anh chị tham gia “Đường lên đỉnh Olympia”, mình đã rất khâm phục và quyết tâm rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ như họ vậy, sẽ đứng tại trường quay S14 của Đài Truyền hình Việt Nam. Ấy thế mà có vẻ là mình không có duyên với cuộc thi này. Dịch bùng phát khiến việc giải quyết hồ sơ xin tham gia của mình bị đình trệ. Kết quả là mình đã lỡ mất “chuyến tàu” lên đỉnh Olympia”.
Chưa dừng lại tại đó, cú sốc ấy còn kéo theo áp lực tâm lý lên Cát Long. “Cả tháng sau đó mình cứ bị quanh quẩn trong tâm trạng tự trách, hoang mang rằng liệu bản thân có đi đúng hướng không hay trước giờ mình cứ đâm đầu vào một màn sương mờ không thấy lối ra”, Long chia sẻ.
Cát Long cùng các thành viên trong lớp huấn luyện |
NVCC |
Mọi chuyện cứ như thế cho đến một ngày Cát Long nhận ra nếu cứ mãi đắm chìm vào nỗi u uất chắc chắn rằng một ngày nào đó bản thân sẽ đánh mất hết những gì đã đạt được. Thế nên, cậu tìm mọi cách lấy lại tinh thần, trở về với hành trình “đưa đò” của mình.
Cát Long tâm sự: “Thứ duy nhất mà mình có thể làm lúc trở lại bình thường là cố gắng truyền đạt kiến thức cho những đứa em. Mình không thể thi được thì mình đứng sau làm hậu phương hỗ trợ cho các em. Vậy thôi cũng vui rồi”.
Gạt đi những chuyện không đáng có thì trong hai năm vừa qua Cát Long đã đạt được vô số giải thưởng khác. Gần đây nhất có thể kể đến danh hiệu quán quân của “Cuộc Chiến Vương Quyền” năm 2022 do Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (tỉnh Đồng Nai) tổ chức, cuộc thi với hình thức tương tự như “Đường lên đỉnh Olympia”. Đề cập đến giải thưởng này, Cát Long cho biết bản thân khi đến với cuộc thi này chỉ để khẳng định giá trị bản thân rằng “Thầy Lôi” cũng có năng lực không kém gì những người học trò.
Long nói thêm: “Lúc mình cầm trên tay chiếc vòng nguyệt quế cùng cúp và bằng khen, mình vui mừng đến nỗi chân đứng không vững. Tự ôn luyện rồi thi và giành được giải thưởng cao nhất, điều đó giống như một giấc mơ trọn vẹn vậy. Sau cuộc thi, hộp thư thoại của mình được lấp đầy bởi những lời chúc mừng từ bạn bè, thầy cô”.
Cát Long trở thành Quán quân của “Cuộc Chiến Vương Quyền” năm 2022 |
NVCC |
Cô Nguyễn Thị Hằng Nghĩa, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 11 và cũng là người đứng ra cổ vũ cho Cát Long trong suốt mùa thi “Cuộc Chiến Vương Quyền” đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng rất tự hào về người học trò này dù không ít lần Cát Long khiến cô hồi hộp vì tìm đáp án quá nhanh.
Bình luận (0)