Làm quản lý giáo dục, tôi tin rằng mỗi giáo viên khi lựa chọn nghề giáo, ngoài mục đích kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, còn có một niềm yêu trẻ mãnh liệt, đam mê với công tác giảng dạy. Thu nhập người làm thầy cũng không thuộc mức cao trong xã hội, và đó thường là một lựa chọn nghề nghiệp trọn đời.
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao về câu chuyện thầy giáo ở Cà Mau chửi học sinh là "đầu trâu, đầu chó, … chứ không phải đầu người". Tôi khẳng định lời nói của thầy là sai, không đúng chuẩn mực nhà giáo, và sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần học sinh. Thầy giáo nên tự kiểm điểm bản thân, và cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói với trẻ, để tránh những trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra trong tương lai.
Tôi chợt nhớ lại những năm học THPT, lứa tuổi "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò", chúng tôi không phải lúc nào cũng là những học sinh gương mẫu, cũng hay bày trò chơi dại hoặc chểnh mảng học hành, thầy cô giáo cũng có những lúc la rầy, đôi khi to tiếng. Lúc đó, là học sinh, chúng tôi cũng giận lắm.
Nhưng giờ đây nghĩ lại, nếu lúc đó thầy giáo không la rầy, nhắc nhở, cập nhật đến phụ huynh tình hình học tập sa sút của tôi, không có sự hợp tác uốn nắn giữa thầy cô và ba mẹ, có lẽ tôi đã không có một kết quả thi tốt nghiệp THPT tốt và vào ĐH, giờ đây tiếp nối làm thầy. Hơn 20 năm gặp lại, thầy đã nghỉ hưu, học trò và thầy gặp lại mừng mừng tủi tủi, chúng tôi trân trọng sự dạy dỗ của thầy giáo năm xưa...
Thầy cô giáo đối mặt nhiều áp lực
Việc học tập và thi cử ở Việt Nam có nhiều áp lực. Kỳ thi tốt nghiệp THPT có ý nghĩa quan trọng, nếu rớt thì thí sinh sẽ lỡ dở một năm. Học sinh ở lại lớp cũng mắc cỡ, tự ti với các bạn đồng trang lứa, tinh thần học tập sa sút, dễ ảnh hưởng lâu dài. Thầy cô giáo cũng rất áp lực, từ phía nhà trường, phụ huynh, và tình yêu trẻ, để cố gắng giúp tất cả học sinh đạt kết quả tốt, vượt qua các kỳ thi.
Mỗi năm, thầy cô được giao giáo dưỡng hàng chục học sinh. Giáo viên thường ấn tượng và quan tâm đặc biệt đến những học sinh cá tính, vì hiểu rằng các em cần có sự hỗ trợ nhiều hơn. Có những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, ba mẹ ly tán, ít có thời gian lo cho con, tất cả việc học của con phó mặc cho trường. Có trẻ được gia đình cưng chiều, đầy đủ điều kiện vật chất, dễ bị cuốn hút bởi những thú vui bên ngoài trường, dễ chệch hướng. Mỗi học sinh là một cá thể khác biệt, là một câu chuyện khác nhau. Phụ huynh cũng mỗi người một khác, đôi khi được sự tin cậy, gửi gắm của phụ huynh, cũng là một gánh nặng tâm lý, áp lực cho người làm thầy đứng trên bục giảng.
Thầy giáo nóng giận với học sinh, đôi khi bản thân cũng có những áp lực cơm áo gạo tiền của gia đình và bản thân. Thầy cô giáo cũng là con người, và con người thì không hoàn hảo. Bất kỳ ai đi làm cũng đều từng trải qua những ngày tồi tệ. Chúng ta khó có thể kỳ vọng giáo viên quanh năm đều có sự cân bằng về cảm xúc, kiểm soát cảm xúc của mình.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu xem nghề giáo là một nghề nghiệp trong xã hội, mỗi giáo viên đều phải tự nhận thức rằng mỗi ngày đến trường là một ngày đi làm, cần phải giữ gìn hình ảnh, lời nói, đạo đức nghề nghiệp của mình. Tôi cũng thường dặn dò các giáo viên làm việc cùng cần biết quản lý cảm xúc, tách bạch trách nhiệm và tình yêu trẻ, cũng như những cảm xúc tiêu cực từ cuộc sống. Vì những hệ lụy từ những khoảnh khắc nóng giận của người làm thầy và lời nói, hành động không hay với người học, có thể là dấu chấm hết đối với nghiệp nhà giáo.
Dạy học với trái tim nóng và cái đầu lạnh
Quan hệ giữa người làm thầy cô giáo và học sinh là quan hệ cân bằng. Học sinh cần được học lễ nghĩa trước khi học chữ, có sự tôn trọng đối với thầy cô: "Tiên học lễ, hậu học văn".
Tương tự đối với phụ huynh. Những câu chuyện đáng buồn gần đây về việc phụ huynh không hài lòng rồi vào trường tấn công thầy cô giáo cho thấy rủi ro với người làm nghề giáo.
Học sinh ngày nay cũng khác ngày xưa, các em được tiếp cận internet sớm hơn, trưởng thành sớm hơn. Internet giúp các em trang bị nhiều kiến thức, tuy nhiên nếu không khéo sử dụng thì các em cũng tiếp cận những nội dung không phù hợp. Điều này càng cần nhà trường, thầy cô quan sát, uốn nắn các em.
Đối với những học sinh cá tính, hoặc có dấu hiệu chểnh mảng trong học hành, giáo viên nên quan sát, nắm tình hình, trao đổi với đồng nghiệp và ban giám hiệu. Cần có những cuộc gặp phụ huynh để đối thoại thẳng thắn, có sự hỗ trợ kịp thời, để giúp các em sớm quay lại con đường đúng. Thầy giáo chửi học sinh, rõ ràng là sai. Nhưng cũng có thể là sự bất lực khi đối diện với các em học sinh bất trị.
Làm thầy thật khó. Sự nuôi dạy học trò đúng nghĩa không hề dễ dàng, nó cần sự nỗ lực của không riêng ai, từ giáo viên trực tiếp, ban giám hiệu, và chính gia đình các em học sinh.
Bình luận (0)