Thay vì lăn lộn bên ngoài, nhiều sinh viên lại tìm được cơ hội việc làm và có thêm thu nhập ngay tại chính ngôi trường mình theo học.
Sinh viên hỗ trợ các chương trình tư vấn tuyển sinh của trường mình theo học - Ảnh: Kim Nga |
Để lọt vào “mắt xanh”
Lê Văn Tâm, sinh viên (SV) năm cuối Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tìm đến với công việc cộng tác viên tại phòng truyền thông của trường từ năm học thứ hai. Khác với nhiều bạn học “bung” ra ngoài, Tâm nghĩ rằng việc làm thêm “nội địa” này cho tâm cơ hội để hiểu thêm và gắn bó hơn với ngôi trường thân thương của mình.
|
|
“Trong 4 năm học ĐH, mình có đặt ra mục tiêu là rèn luyện kỹ năng ngoài việc học. Làm thêm ở phòng truyền thông, mình tích lũy được rất nhiều kiến thức ngoài chuyên môn chính, như tư vấn, thiết kế truyền thông đa phương tiện, làm việc nhóm, giao tiếp, óc tổ chức, kế hoạch... Ban đầu chỉ nghĩ là sẽ vui thôi, nhưng qua thời gian thì mới nhận thấy giá trị thu được lớn hơn rất nhiều”, Tâm bộc bạch.
Với Mai Hữu Phước, SV năm thứ hai Trường ĐH Quốc tế, công việc trợ giảng lại cho Phước cơ hội học hỏi trực tiếp từ thầy cô và mở rộng mối quan hệ.
“Mình làm từ học kỳ 1, đến giờ đã được 7 tháng. Nói chung công việc chính là chấm bài và dạy phụ đạo (1 - 2 lần/tháng) cho các bạn còn chưa theo kịp. Mục tiêu của mình trong tương lai là làm giảng viên, nên công việc này thật sự cho mình rất nhiều kinh nghiệm cần thiết như đứng lớp, làm việc với SV”, Phước nói.
Để có được công việc trên, Phước phải nộp “hồ sơ xin việc” cho thầy cô, bao gồm bảng điểm và tự viết thư giới thiệu ngắn về bản thân và kinh nghiệm như bất kỳ công việc toàn thời gian nào. Còn Tâm thì chia sẻ rằng bản thân SV phải chứng tỏ được sự năng nổ, đủ nổi bật để lọt vào “mắt xanh” của các đàn anh, đàn chị hay thầy cô trong trường.
Theo thạc sĩ Phan Nguyễn Quỳnh Anh, Trường ĐH Thủ Dầu Một, những việc làm thêm ngay trong trường mà SV có thể đảm nhận là viết tin, bài cho website, trợ giảng, cộng tác các phòng ban, hỗ trợ, tổ chức các sự kiện, bán hàng hay tham gia các trung tâm, hội nhóm, câu lạc bộ và thậm chí là các dự án nghiên cứu khoa học…
“SV làm thêm trong trường thì có lợi cả hai phía dù ở hình thức nào. Và nếu làm ngay trường thì rất an toàn và được chỉ bảo tận tình. Tuy nhiên, sự phù hợp với chuyên môn riêng sẽ hạn chế, vì công việc chuyên ngành trong một trường ĐH không nhiều. Chủ yếu là mang đến kinh nghiệm tổ chức sắp xếp”, cô Quỳnh Anh nhận định.
Có thêm thu nhập
Nếu trước đây việc SV làm cộng tác trong trường chỉ đa phần vì... thích, hầu như không được hỗ trợ gì và chỉ gói gọn trong một nhóm nhỏ, thì hiện nay mọi sự đóng góp đều được trả công.
Theo Tâm, trung bình việc làm bán thời gian trong trường có thể mang đến thu nhập từ 1 đến dưới 2 triệu đồng/tháng, tùy vào sự sắp xếp thời gian của từng người. Còn Phước thì bật mí rằng thù lao của trợ giảng thường là 1 triệu đồng/học kỳ, mỗi thầy cô có tối đa 4 trợ giảng. Dù không quá cao ngất ngưởng nhưng có lẽ đủ để SV trang trải phần nào nhu cầu cá nhân, giải trí.
Tuy chỉ là làm thêm nhưng theo Tâm và Phước, sự tận tâm luôn là yêu cầu và trách nhiệm. Ngoài ra, việc học dĩ nhiên vẫn là ưu tiên chính.
“Mình vạch ra kế hoạch, giờ giấc cụ thể cho học và làm. Để không ảnh hưởng đến kết quả học tập, khi nào có việc trường gấp phải nghỉ thì sau đó mình sẽ học nhóm để bạn bè chỉ lại. Nhờ đó mình có thể chịu được áp lực cao, thích ứng với nhiều môi trường và rèn luyện được kỹ năng”, Tâm chia sẻ.
Thạc sĩ Quỳnh Anh cho rằng những khoản thù lao dù không nhiều nhưng cũng là sự ghi nhận những nỗ lực, đóng góp tích cực cho trường của các bạn SV.
“Hiện tại thì nhiều trường cũng tìm cách để hỗ trợ SV, dù có khi chi phí cho SV cũng khó quyết toán. Một số trung tâm buổi tối của trường có thể tự thu tự chi, nếu SV làm thêm ở đó thì việc trả thù lao cũng thuận lợi, miễn là phù hợp với quy chế chi tiêu là được. Riêng vài trường mạnh về nghiên cứu khoa học thì thường xuyên có nhiều đề tài nghiên cứu thực tế, có kinh phí, cần nhiều cộng tác viên để thu thập mẫu thử, thí nghiệm… thì cũng tốt cho SV tham gia, vì vừa được trả thù lao, vừa thu thập được kiến thức chuyên môn”, thạc sĩ Quỳnh Anh khuyên.
Bình luận (0)