Ngày 15.4, bác sĩ Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, cho biết sau một thời gian chuẩn bị, bệnh viện vừa tiến hành thành công ca cấy máy khử rung tim ICD đầu tiên trên nam bệnh nhân N.N.Q (54 tuổi, trú tại H.Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Sau 2 ngày cấy máy khử rung tim ICD, hiện sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt.
Trước đó, ngày 7.4, bệnh nhân N.N.Q nhập viện trong tình trạng tức ngực, hồi hộp. Bệnh nhân có tiền sử nhiều lần vào viện vì nhịp nhanh thất, đã được điều trị đốt điện sinh lý tại một bệnh viện ở TP.Đà Nẵng (nhưng thất bại) nên nhập viện tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và được chỉ định cấy máy khử rung ICD.
Bác sĩ nội trú Lê Minh Dũng, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, cho biết việc chỉ định cấy máy khử rung ICD cho người bệnh nhằm phòng ngừa những cơn rung thất xuất hiện trong tương lai là một phương pháp hiệu quả và an toàn trong y học hiện đại, giúp dự phòng đột tử do các rối loạn nhịp tim nguy hiểm gây ra.
Ê kíp y, bác sĩ tiến hành cấy máy khử rung tim ICD |
s.x |
Đến ngày 13.4, sau quá trình chuẩn bị, bệnh viện đã thực hiện ca cấy máy khử rung ICD đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Quá trình cấy máy khử rung ICD thành công sau 1 giờ tiến hành. Ê kíp y, bác sĩ cấy máy ICD với túi máy được đặt tại vùng ngực phía dưới xương đòn trái, điện cực được đặt và cố định ở đường ra thất phải. Sau khi kiểm tra điện cực dẫn tốt thì lắp máy, đóng túi máy, khâu vết thương, băng vô khuẩn vùng đặt máy...
Bác sĩ Tô Mười cho biết thêm cấy máy khử rung tim ICD là kỹ thuật cao rất ít khi được áp dụng tại bệnh viện tuyến tỉnh. Tuy nhiên, bệnh viện đã cố gắng trong công tác đào tạo cán bộ, chuẩn bị sẵn các điều kiện tốt nhất để thực hiện thành công ca cấy máy đầu tiên tại địa bàn tỉnh.
Máy khử rung nhịp tim ICD được cấy trong cơ thể bệnh nhân N.N.Q. |
s.x |
"Đây là ca đầu tiên tại Quảng Nam được thực hiện cấy thành công máy khử rung tim ICD cho nên công tác chuẩn bị rất kỹ. Tất cả yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng đều được làm kỹ. Ngoài ra cũng cần sự đồng thuận của gia đình người bệnh", bác sĩ Mười nói.
Bác sĩ Nguyễn Quang Anh Tuấn (Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam) cho biết cấy máy khử rung tim ICD được các chuyên gia y tế khuyến khích dùng cho những người bị rối loạn nhịp tim có nguy cơ gặp rủi ro của bệnh và là thiết bị được đánh giá có khả năng kéo dài sự sống đối với những bệnh nhân suy tim hoặc người gặp các vấn đề về rối loạn nhịp nhịp tim.
Đưa các rối loạn nhịp nhanh thất trở về nhịp xoang bình thường là chức năng chính của ICD. ICD được cấy ghép vào vùng da dưới ngực bệnh nhân, với dây điện cực được đặt tại tim. Sau khi được cấy ghép vào cơ thể, máy như một “người gác cổng”, ICD liên tục ghi nhận và theo dõi các hoạt động của tim. Nếu tim xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp bất thường, ICD lập tức ghi nhận được tín hiệu này qua dây điện cực được đặt tại tim. Với thuật toán thông minh, máy ICD phân tích các rối loạn nhịp và chỉ trong vòng 15-20 giây, ICD lập tức phát ra dòng điện khôi phục lại nhịp tim bình thường.
Bệnh nhân sau khi được cấy ICD cần tuân thủ chế độ thăm khám, kiểm tra định kỳ của bác sĩ điều trị. Khi tiếp xúc với các thiết bị điện từ, máy kiểm tra tại sân bay cần tham khảo ý kiến và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Cấy máy khử rung tim ICD là một kỹ thuật y khoa cao được khuyến cáo áp dụng trong các trường hợp có nguy cơ cao bị đột tử do rối loạn nhịp thất nguy hiểm, hội chứng Brugada…
Bình luận (0)