(TNO) Lần đẩu tiên, một bệnh nhân 88 tuổi mắc ung thư với một khối u khá lớn ở gan đã được các y bác sĩ của Trung tâm Ung bướu Bệnh viện trung ương Huế xạ phẫu để triệt tiêu bằng kỹ thuật tiên tiến.
Ca điều trị xạ phẫu đầu tiên đối với bệnh nhân có khối u ở gan tại Việt Nam |
Sáng 2.11, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế đã tiến hành xạ phẫu để điều trị một khối u lớn ở gan cho bệnh nhân ung thư bằng hệ thống máy xạ trị gia tốc Axesse Elekta.
Bệnh nhân là bà L.T.M (88 tuổi, ở H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), nhập viện cách đây hơn 1 tháng và được phát hiện có một khối u ác tính với kích thước khá lớn (khoảng 8 x 6,7x 6,5cm) ở gan.
PGS.TS Phạm Như Hiệp, Phó giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cho biết bệnh nhân có tuổi cao, khối u lại quá lớn và nằm ở vị trí không thể thực hiện các biện pháp điều trị khác như phẫu thuật, đốt diệt bằng sóng cao tầng hay tắt mạch hóa dầu… Sau khi hội chẩn với các chuyên gia thuộc Viện Maria Curie (Pháp), bệnh viện đã quyết định dùng kỹ thuật xạ phẫu bằng hệ thống máy xạ trị gia tốc Axesse Elekta để triệt tiêu khối u.
Ca xạ phẫu còn được sự hỗ trợ của bác sĩ Christine Fisher thuộc Bệnh viện Đại học y Colorado, thuộc tổ chức thiện nguyện hải ngoại của Hiệp hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ.
Theo PGS Phạm Như Hiệp, kỹ thuật xạ phẫu khối u ở thân có nhiều khó khăn phức tạp vì biên độ thở rất lớn sẽ làm cho khối u luôn di động. Tuy vậy, hệ thống xạ trị gia tốc Axesse Elekta thế hệ mới này có 2 tính năng đó là kỹ thuật có định thân (giữ cho biên độ di động của khối u di động theo nhịp thở ở biên độ thấp nhất) và phầm mềm tự động tia chính xác khối u theo nhịp thở… Các kỹ thuật hiện đại này đã cho phép thực hiện xạ phẫu chính xác đối với các khối u ở thân.
“Việc xạ phẫu thành công các khối u ở gan, tụy… và các bộ phận khác sẽ mở ra cơ hội kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân ung thư không thể áp dụng các biện pháp khác”, PGS.TS Phạm Như Hiệp cho biết.
Đây cũng là ca điều trị xạ phẫu đầu tiên đối với bệnh nhân có khối u ở gan tại Việt Nam.
Bình luận (0)