Lần đầu tiên ra mắt một hệ thống xếp hạng đại học riêng của Việt Nam

Quý Hiên
Quý Hiên
18/08/2020 21:01 GMT+7

Hôm nay, 18.8, nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội đã ra mắt hệ thống xếp hạng đối sánh đại học, đồng thời công bố kết quả xếp hạng đối sánh và gắn sao cho 30 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN.

Hôm nay, 18.8, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức giới thiệu hệ thống xếp hạng đối sánh do Việt Nam phát triển mang tên “University Performance Metrics” (UPM), đồng thời công bố kết quả xếp hạng đối sánh và gắn sao lần đầu tiên cho 30 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN.
UPM là sản phẩm do nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện dưới sự tài trợ của chương trình khoa học giáo dục cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT chủ trì. GS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, người trực tiếp phụ trách hệ thống này, cho biết top 1.000 đại học thế giới chiếm khoảng 3%, UPM quan tâm đến 97% với hơn 28.000 trường đại học còn lại, gồm đông đảo các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và khu vực, với vai trò và đóng góp lớn, tuy nhiên, chưa được đánh giá đúng mực.
Hệ thống UPM giúp các cơ sở giáo dục đại học xác định, quản trị mục tiêu chiến lược, hướng tới đạt chuẩn top 100 của đại học châu Á. Nhiều tiêu chí gắn với các mốc chuẩn của đại học định hướng nghiên cứu quy định tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Việt Nam hướng dẫn thi hành luật Giáo dục đại học.
Hệ thống này tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn sao, theo đó, các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1 - 5 sao. Trên cơ sở lõi xếp hạng truyền thống, UPM phát triển thêm các tiêu chí đặc trưng của đại học trong kỷ nguyên 4.0.
Cụ thể, UPM gồm 8 nhóm lĩnh vực và 54 tiêu chí. Mỗi lĩnh vực có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng 1.000 điểm. 8 nhóm lĩnh vực lần lượt là: Quản trị chiến lược (5 tiêu chí, trọng số 6%), Đào tạo (15 tiêu chí, trọng số 35%), Nghiên cứu (4 tiêu chí, trọng số 20%), Đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 11%), Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 6%), Công nghệ thông tin và tài nguyên số (10 tiêu chí, trọng số 10%), Mức độ quốc tế hóa (9 tiêu chí, trọng số 6%) và Phục vụ cộng đồng (3 tiêu chí, trọng số 6%).
Lần lượt chỉ số thực tế của từng tiêu chí, từng lĩnh vực đều được đối sánh với mốc chuẩn và gắn sao, do vậy, UPM vừa giúp nhận diện tổng thể vừa có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu đến từng hoạt động, từng lĩnh vực của cơ sở giáo dục đại học. Từ đây, hệ thống có thể cung cấp cho các trường đại học một bộ chỉ số cơ bản, làm công cụ quản trị chiến lược và hỗ trợ kiểm định chất lượng.
Các trường đại học (đặc biệt là các đại học định hướng nghiên cứu) đạt chuẩn 5 sao là các trường đã có khả năng tiếp cận nhóm 100 châu Á, có chất lượng hàng đầu quốc gia và bắt đầu có uy tín quốc tế. Các đại học 4 sao là các trường có uy tín trong nước và khu vực. Các trường đại học 3 sao thực hiện tốt chức năng đào tạo theo phân khúc thị trường và có thể tham gia vào việc trong đổi sinh viên trong khu vực.

Gần 40 trường sử dụng bộ tiêu chí UPM

Cũng theo GS Nguyễn Hữu Đức, hiện nay đã có gần 40 trường đại học Việt Nam và ASEAN tự nguyện tham gia sử dụng bộ tiêu chí UPM để đối sánh chất lượng. Kết quả đối sánh chất lượng và gắn sao cho thấy một bức tranh chân thực và tích cực về chất lượng các trường đại học Việt Nam và khu vực, mang thông tin hữu ích, nhiều chiều đến các bên liên quan từ các trường đại học, đến sinh viên, nhà tuyển dụng và nhà quản lý.
Theo kết quả ban đầu, các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu đạt tiêu chuẩn 5 sao bao gồm: Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Kasetsar (Thái Lan).
Nhóm cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu đạt tiêu chuẩn 4 sao gồm: Trường đại học Y dược, Đại học Huế; Trường đại học Khoa học, Đại học Huế; Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế; Trường đại học Sư phạm Hà Nội; Trường đại học Dược Hà Nội; Trường đại học Vinh; Trường đại học Thủy lợi; Trường đại học Mỏ địa chất; Trường đại học Giao thông vận tải; Trường đại học Phenika; Đại học Burapha, Thái Lan; Đại học Malang, Indonesia.
Trường đại học Kinh tế thuộc Đại học Huế là trường khối khoa học xã hội đầu tiên đánh giá theo định hướng nghiên cứu đạt chuẩn 3 sao.
Theo định hướng ứng dụng, đạt chuẩn 4 sao có các trường: Trường đại học Ngoại thương; Học viện Ngoại giao; Trường đại học Thủ Dầu Một; Trường đại học Quy Nhơn; Trường đại học Nguyễn Tất Thành; Đại học West Visayas, Philippines.
Nhóm 3 sao có: Trường đại học Thành Đô; Trường đại học Nam Cần Thơ; Trường đại học Tây Đô; Trường đại học Phan Thiết; Đại học Centro Escalar, Philippines.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.