Chị thừa biết là mẹ chỉ nhận xét vô tư, miệng nói thế thôi chứ thâm tâm mẹ chưa chắc có gì. Nhưng sao chị vẫn thấy đôi chút ngao ngán. Chị nhớ đến những câu chuyện bi hài về tang ma lời lỗ đã từng được xem, được đọc. Nhà ngoại chẳng tới nỗi này. Chỉ tội, sao nhiều điều tiếng hơn thua tị nạnh đến thế không biết nữa! Mà chỉ ngấm ngấm, thế mới ghê. Thằng em chị, thẳng thừng hơn:
- Tôi chán, chẳng muốn qua.
Chị cũng chán, theo nghĩa em chị nói. Thêm là, chị càng không hứng thú gì với cái việc chăm chú ngó một người thân đã chết nằm thinh lặng cứng đơ với hai ngón chân cái bị cột lại vào với nhau cho ngay ngắn, rồi thì được người của nhà đòn đưa lên hạ xuống, luồn vào một cái bịch ni lông to, cột lại, chỉ chừa khuôn mặt ra, rồi bỏ vào quan tài. Ý nghĩ rằng, người nằm đó bị coi như thể một thứ gì vô tri vô giác cứ xoắn lấy cảm giác của chị. Sao chẳng có ai ôm lấy người thân, ghì lấy người thân, nức nở nắm lấy bàn tay lạnh giá của người thân lần chót? Sao ai nấy lang lảng sợ sệt, chỉ quanh quẩn lo cơm nước, nhang đèn, bánh trái, hoa cúng, lạy tạ, trà nước linh tinh chẳng hạn? Những thân tình ruột rà không đủ để họ chạm vào nhau thật sao? Hay bởi cuộc sống hằng ngày vốn đã chẳng mấy tồn tại những cái ôm, những lần nắm tay, những cử chỉ âu yếm gần gũi như trong phim ảnh nữa rồi?
|
Lần này, mẹ vẫn nói thật to trong điện thoại, tất nhiên là không phải với mấy đứa con:
- Tao chẳng ý kiến, chúng mày muốn làm gì thì làm.
Mẹ cũng từng tuyên bố như thế, khi cậu Tư bàn bạc về phương án xử lý khoản tiền phúng của lần trước. Một, là khách nhà ai, người ấy lấy phong bì về, chi phí chia ra, các nhà cùng góp lại một khoản bằng nhau. Hai, cậu sẽ tự thu tự chi, ôm hết, lời ăn lỗ chịu. Phương án hai cuối cùng được duyệt, vì đa phần cũng là đồng nghiệp quen biết của cậu Tư đến viếng. Phần tiền mọi người đã góp ra trước đó để bà mổ được trả lại. Coi như chẳng ai phải tốn thêm chi phí gì. Mừng.
Chị gọi điện thoại cho mợ Tư, thản nhiên và thật lòng hỏi, “được” nhiều không mợ? Có đủ chi hay không? Mợ cũng không khách sáo gì mà phải giấu, trả lời, cũng được hơn trăm. Trăm ở đây, tất nhiên là trăm triệu. Nhà chị lần trước đã thử tính và nêu ra kết luận là, cậu mợ Tư phải dư một ăn một. Có nghĩa là số tiền thu được đã gấp đôi chi phí mà cậu mợ Tư phải bỏ ra lần trước.
Mẹ cũng thêm lần nữa nói câu ấy, khi mấy cậu với dì bàn bạc về việc ông sẽ tiếp tục ở với ai bây giờ. Cậu Tư thì không thể rồi. Lâu nay cậu mợ Tư và bọn nhỏ đều đi học đi làm cả ngày, nhà còn có bà chăm ông, nên mới ổn. Giờ bà đi rồi, ông không thể ở nhà một mình, càng không thể thuê ô sin rồi giao phó nhà cửa cho họ được. Ai đó, phải có ai đó đưa lưng ra gánh việc này thay cậu.
Bài toán ông sẽ ở nhà ai được giải nháp nhiều lần mà vẫn không tìm ra đáp số phù hợp. Mợ Út bảo, cậu Tư mày tính chưa tới. Cả đời được tiếng hiếu thảo, giờ đẩy ông ra khỏi nhà, chẳng phải uổng công đó sao? Ông sống được bao lâu nữa mà sợ. Cậu Hai viện cớ nghèo, cậu mợ nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học, nhưng thu nhập chỉ ở mức lao động phổ thông. Mọi người bảo, sẽ đóng góp mỗi nhà hai trăm một tháng. Sáu nhà, vị chi là triệu hai. Người già như ông, hầu như nằm một chỗ, chỉ mỗi việc ăn, làm sao mà hết được chừng ấy tiền hằng tháng. Đó là ý nghĩ chung hay riêng, chẳng ai biết, chỉ chắc chắn rằng nó đã từng tồn tại. Nên dì lâu lâu qua thăm ông lại móc mỉa, rằng cậu Hai ăn trên đầu trên cổ thiên hạ. Ông trước giờ vẫn quý cậu Hai nhất mà, giờ nuôi bố được bao lâu mà tham lam thế. Sao cậu Hai cho ông ăn uống tệ đến vậy cơ chứ, lại chẳng chăm sóc gì. Lần nào đến thăm cũng thấy hôi hám nhếch nhác, nhận tiền rồi làm vậy mà coi được hay sao?
Đó là những lời dì thậm thụt kể chỗ này chỗ kia trong nhà, chủ yếu là với mẹ chị, người đàn bà lớn nhất trong gia đình, nhưng tự nhún nhường lép vế, với lý do chỉ ở nhà chồng nuôi, chẳng có tiền bạc, không quen can dự quyết định chuyện gì hết. Chị nghe mẹ kể lại, bực mình, chưa kịp nói gì thì đã tới đoạn, dì quyết định đưa ông về nhà nuôi, sau khi cậu Hai cương quyết không chịu hợp tác nữa.
Nói dễ, làm không phải dễ. Dì bảo, tôi nuôi bố cũng được, nhưng mọi người phải hùn tiền lại nuôi cả tôi và hai đứa con tôi. Tính ra, một tháng mỗi nhà đóng cho tôi sáu trăm ngàn đồng, vẫn còn rẻ chán, đâu đáng là bao, đúng không nào?
Mẹ đi thăm ông về kể: ông khóc, nằng nặc đòi đưa ông trở lại nhà cậu Tư hoặc cậu Hai. Ông vẫn còn tỉnh táo lắm, còn nói rành rọt địa chỉ từng nhà kia. Chứ ông không muốn phải chết ở nhà dì. Ông mày vốn ác miệng từ nào giờ, ai chẳng biết. Chỉ vì dì không cho ông ăn vặt thả cửa theo nhu cầu, mà ông nói vậy, thế thôi.
Nhà dì ở xa khu trung tâm, càng không gần với nhà của mấy cậu và nhà mẹ chị. Tính ra, từ ngày bà mất, trong chưa đến nửa năm, ông làm một cuộc chu du khắp nhà đám con cái, một việc mà trước đó, khi ông còn khỏe mạnh, từng nhiều lần đề nghị chở đi chơi thăm cháu nội ngoại cho khuây khỏa, nhưng ai nấy đều bận bịu lần lữa mãi. Chân ông yếu, đã không thể đi lại bình thường nhiều năm rồi. Nằm một chỗ, nhưng ông không để ai yên, đặc biệt là thích gây gổ chửi mắng với bà. Ai nấy đều ngán ngại. Chị không muốn, hay đúng hơn là không dám hình dung ra cảnh sống của một người đàn ông già cả, buộc chặt với cái giường kê đối diện toilet, với những bước đi khập khễnh khó nhọc từ giường tới nhà vệ sinh, rồi từ giường tới bàn ăn. Chỉ có chừng đó. Chị dưng không nhớ tới lần trước, lúc ngồi trên chiếc xe tang vòng vèo qua mấy nẻo đường còn vắng vẻ buổi sớm, chị bỗng nghĩ mông lung rằng, cuối cùng, khi nằm trong cỗ áo quan đáng sợ ấy, bà cũng được đi ra ngoài chơi một chuyến đàng hoàng. Nhà chị vốn ở cùng hướng với lò thiêu, và bà, vẫn chưa một lần đặt chân tới chơi nhà cháu ngoại. Ai rảnh rang chở bà đi được, chị cũng đôi lần có ý định đó, nhưng lại thấy, chẳng gấp gì, lừng chừng mãi rồi quên mất…
Ông ngoại chị có một ước mơ canh cánh mãi. Ông thèm một chuyến về Bắc từ khi vẫn còn khỏe mạnh. Miền Bắc trong câu chuyện, lời lẽ và ký ức của ông thành ra xa xôi cách trở diệu vợi, chứ không đơn thuần là chưa đến hai giờ bay như chị đã vài lần trải qua. Càng chẳng giống với một chầu nhậu tiếp khách tiền triệu của cậu Tư. Miền Bắc cụ thể hơn trong một hai tờ vé số mà ông cắc củm mua, với hy vọng một lần trúng giải, sẽ về quê thăm nhà… Một lần chị đi Hà Nội, về ghé nhà biếu ông bà và cậu mợ Tư ít đặc sản miền Bắc. Ông lúc đó mắt đã không còn nhìn thấy rõ, nhưng vẫn nhận ra chị và nội dung câu chuyện, vội vàng hỏi chị:
- Thế mà mày không bảo ông ghi địa chỉ, mày về bắc thì ghé qua Ninh Bình thăm mấy người bà con xem sao!
Chị buồn cười mà nín lặng không nói, những người bà con mấy mươi năm không gặp của ông, liệu họ có biết chị là ai, có nghe hiểu nổi giọng nói rặt mùi phương nam của chị, để biết chị là cháu ngoại của ông, một người đã bỏ làng ra đi vào những năm năm tư gì gì đấy…
Chị vốn không thân, chính xác hơn, là không “ưa” ông ngoại lắm. Ông khó, dữ tính, lại gia trưởng, thích tỏ vẻ rằng mình có quyền uy trong nhà. Một phần cũng do những kỷ niệm ngày bé của mẹ về ông mà hồi xưa mẹ thường hay mang ra kể, đã ám vào đầu óc chị một cách vô thức. Một cô gái lớn lên trong thời này như chị, “khác” với mẹ, thích phản kháng và thể hiện mình, cũng là điều đương nhiên. Nên lúc mẹ bảo rằng ai muốn làm sao thì làm, chị đã bực bội trong lòng, nhưng vẫn giữ giọng nói tưng tửng như đang đùa giỡn, bảo:
- Mẹ như thế, chứ con thì không vậy đâu. Mai mốt nhà mình mà có chuyện gì, con cãi to và khí thế lắm đấy!
Câu nói nhiều ẩn ý đó, chị muốn ám chỉ những xục rục gần đây trong mấy chị em về việc mẹ đối xử thiếu công bằng với đứa này đứa nọ, về căn nhà mẹ đang đứng tên có nguy cơ bị vợ chồng đứa em trai độc chiếm, về việc bán căn nhà cũ dưới quê xong thì tiền đó sẽ xử lý ra sao… Chẳng hiểu mẹ có nhận ra những thâm sâu trong câu nói của đứa con gái lớn ngỗ nghịch hay không nhỉ? Chị đau lòng khi nhận ra, những giành giật tị hiềm mà chị vốn nghĩ nó ở đâu đâu ấy, nó thuộc về những gia đình như thế nào ấy chứ, làm sao mà mấy chị em vốn chỉ hay giành ăn giành chơi với nhau, đã bắt đầu phải đối mặt với những chuyện vĩ mô ghê gớm xấu xa kinh tởm như thế này được kia chứ!
Mọi thứ là do cha mẹ nghèo, con cái mới ra nông nỗi đùn đẩy nhau như thế này. Mẹ kết luận về tình trạng ông ngoại bị đưa qua đưa lại nhà của mấy đứa con vào những ngày cuối đời. Chị muốn cãi rằng, chị không nghĩ vậy, nhưng rồi chị lại im lặng. Không giàu, cũng có người hơi nghèo thật đấy, nhưng chẳng ai đến mức thiếu ăn thiếu mặc. Cái thiếu chủ yếu ở đây là thiếu tấm lòng. Nếu được quan tâm chăm sóc tốt, hẳn ông còn có thể sống thêm một thời gian nữa, chứ không đến mức phải vật vã ra đi sớm như thế này.
Đó là chị nghe kể lại, chứ chị cũng không chứng kiến những giây phút ông hấp hối lìa đời. Sao mà chết cũng khó khăn đau đớn thế nhỉ? Chị từng coi trên phim trên ảnh, thấy chết thật đơn giản và đôi lúc cũng lãng mạn lắm kia mà. Làm gì có cảnh giật người từng cơn từng cơn từ tối cho tới giữa khuya, rồi gõ nhịp tay vào sàn giường, rồi gồng cả hai cánh tay vào thành giường, rồi thì hàm dưới thụt vô, ngước đầu lên như thể hớp hơi cả nửa tiếng đằng đẵng. Cuối cùng, theo cách nói của dượng chị thì:
- Ông ngoại làm xấu rồi mới đi.
Thoạt nghe qua, chị không hiểu. Làm xấu, là làm sao, giống như mấy đứa con nít nhăn mặt, lè lưỡi ấy à? Cuối cùng, qua vài lời kể của những người đã chứng kiến giây phút sau cuối của ông, “làm xấu” có nghĩa là ông ngoại khóc. Ông tràn nước mắt ra ngoài. Ông mệt mỏi quá, khổ sở quá, đau đớn quá, nên vừa khóc vừa chết đi cho xong, cho rảnh nợ đời. Cho hết một kiếp người tha hương tội nghiệp.
Đó là chị thầm lén nghĩ vậy. Phải như bà, thì bà ngoại chị lại không muốn chết. Bà chết bất ngờ, chết tức tưởi vì một tai nạn ngoài ý muốn. Bà chết mà chắc vẫn còn vàng để dành chưa kịp dấm dúi hết cho con cháu. Mấy cậu tếu táo đùa vui như vậy. Bà có nhiều vàng lắm đấy. Ngay cả khi bà mất rồi, dì và mấy cậu bỗng tin là bà có quyền lực vô song. Không thế, việc gì dì phải xì xụp bên quan tài bà, xin cái này cái nọ, mong bà phù hộ việc nọ việc kia làm gì?
Vì ông không được lòng mọi người như bà, nên đám tang ông cũng vắng lạnh hơn hẳn. Nhà chị cũng rút kinh nghiệm, không chung tay vào mua món này món nọ như lần trước nữa. Lần trước, cuối cùng cậu Tư ôm hết, nhưng lại chẳng đả động gì đến việc trả lại cho mọi người những phần tiền họ đã chi ra. Kể cũng bộn, nước suối trái cây, nhang đèn hoa trái, ký thịt bó rau, mỗi thứ mỗi chút, của đau con xót cũng phải.
Lần này, mợ Ba không dám khóc to, khóc nhiều, khóc thoải mái vô tư như lần trước nữa. Mợ sợ bị mọi người xầm xì cười cợt là “khóc chuyên nghiệp, khóc có nghề” như lần trước. Mợ vốn có khoảng thời gian sống chung với bà ở Phú Giáo, cơ cực kham khổ, mẹ chồng nàng dâu cũng chẳng thuận hòa gì. Thế mà mợ có thể khóc bà ra tấm ra món như thế, cũng đáng khâm phục thật. Những thì thầm tai quái đó hình như đã được mợ rút kinh nghiệm triệt để, hay mợ Ba cũng như chị, yêu ghét thể hiện trong dòng nước mắt tiễn đưa? Đám tang ông hầu như ai nấy đều nhẹ nhõm. Hằng tháng không phải đóng góp. Chẳng cần họp mặt, cự cãi, phân bì nữa. Càng không còn cảnh lâu lâu bị cậu Tư gọi điện báo rằng bố mẹ lại đang cãi nhau om sòm đây này, tôi đến phát điên lên mất. Mẹ chị thành ra mồ côi cả bố lẫn mẹ. Chị thản nhiên nói, vậy là xong phía bên ngoại. Giờ chỉ còn lo phía bên nội… Mẹ bảo, sống như vậy cũng khổ quá đi, chết còn sướng hơn. Chị tất nhiên chưa trải nghiệm qua chuyện chết để có thể so sánh, nhưng cứ thấy nghẹn lòng. Mất mát người thân hai lần liên tiếp, chuyện lớn và phức tạp thật.
H.M
>> Giéc, người làng Mai' - Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
>> Tàu đến G - Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Giật mình giữa mùa xuân' - Truyện ngắn của Phan Ý Yên
>> Yêu Sài Gòn như yêu một cô gái - Truyện ngắn của Cẩm Thư
>> Mát xa ở khu công nghiệp - Truyện ngắn của Nguyễn Trí
>> Kẻ cắp gặp bà già" - Truyện ngắn của Y Ban
>> Rót rượu - Truyện ngắn của Hồ Anh Thái
>> Úm..."- Truyện ngắn của Quế Hương
>> Khi thị trường nóng lạnh, sổ mũi! - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền
>> Ba người đàn bà" - Truyện ngắn của Vĩnh Quyền
Bình luận (0)