Có duyên với vai nàng dâu
* Sau Nàng dâu oder, bạn tiếp tục vào vai một nàng dâu khác trong Trói buộc yêu thương. Có vẻ bạn có duyên với vai nàng dâu?
- Diễn viên Lan Phương: Từ Cả một đời ân oán cũng đóng vai nàng dâu “rượu” rồi đến Nàng dâu oder và Trói buộc yêu thương. Cái thú vị là mỗi nàng dâu đều có số phận, tính cách khác nhau. Điều đó tạo nên sự hứng thú cho Phương khi nhập vai.
* Còn trong Hồ sơ cá sấu sẽ là vai diễn thế nào? Có khác biệt gì không?
- Trong Hồ sơ cá sấu, vai Lan hoàn toàn khác biệt với các vai mình từng thể hiện. Lan đứng ở vai trò là “nút thắt” của bộ phim chứ còn kịch tính cao trào nằm ở cặp đôi chính nên đó cũng là áp lực để Phương phải diễn làm sao tạo ấn tượng. Nên Phương khá hồi hộp khi phim lên sóng.
|
* Trong Trói buộc yêu thương, vai nàng dâu hơi “tồ” của bạn khiến khán giả rất ấn tượng. Vậy Dung có nét tương đồng gì với Lan Phương ngoài đời không?
- Dung và Phương ở ngoài đời chắc không có gì giống. Còn tương đồng thì chắc là hơi “tồ”, ngây thơ, dễ tin và suy nghĩ đơn giản (cười).
* Được biết Phương kết hôn với chồng ngoại quốc. Vậy bạn có phải làm nghĩa vụ của một “nàng dâu” không? Tò mò là làm dâu trong một gia đình ngoại quốc có “gây khó” cho bạn không?
- Phương lấy chồng ngoại quốc nhưng không ở với gia đình chồng nên Phương cũng không thực hiện nghĩa vụ nàng dâu. Trong văn hóa của họ thường là con cái khi lập gia đình, vợ chồng đã sống riêng, tự lập thì ngượi vợ không cần phải thực hiện vai trò, nghĩa vụ làm dâu thế nào. Khi sống riêng, cuộc sống của vợ chồng Phương rất thoải mái, tự do, sống theo cách mình muốn. Nhưng Phương thấy làm dâu trong gia đình ngoại quốc không khó. Thỉnh thoảng Phương qua thăm ông bà. Mà ông bà dễ thương lắm. Mỗi lần về là toàn ông bà nấu ăn, dọn dẹp còn Phương chỉ việc đi chơi thôi. Đó cũng là sự may mắn của Phương.
|
* Vai Dung trong Trói buộc yêu thương là kiểu nàng dâu rất bá đạo, bà tám, phải canh me giữ chồng, rất đành hanh, bà chằng... Có vẻ như rất giống với “style” của những nàng dâu hiện đại bây giờ. Bạn có đồng tình với cái cách mà Dung đang thể hiện?
- Phương đã nghiên cứu kỹ nhân vật Dung và cố gắng thể hiện tốt nhất tính cách của cô ấy. Phương tin rằng đa số nàng dâu ở ngoài đời sẽ nhìn thấy nhiều điểm chung có trong Dung và họ thấy thích thú. Còn có đồng tình với cách Dung thể hiện hay không thì Phương xin phép không đánh giá nhân vật của mình vì Phương yêu nhân vật Dung. Và Dung thể hiện như thế nào trong phim thì đều có logic và phù hợp với cuộc sống, hoàn cảnh của cô ấy nên đó là nhân vật thú vị. Có thể nhiều người thấy như vậy sẽ không khéo léo, khôn ngoan nhưng khi gặp chuyện thì chắc chắn sẽ có nhiều người xử lý như Dung.
* Việc Dung giữ chồng, xử lý chồng ngoại tình và “tiểu tam” như vậy theo bạn được nhiều hay mất nhiều?
- Dung có một điểm rất đáng yêu là mỗi khi ghen lồng lộn lên được chồng vuốt ve, nhẹ nhàng, ngọt ngào thì cô ấy lại vui vẻ, mối quan hệ cũng trở lại bình thường. Nên đấy cũng là cái hay của Dung mà không chắc phụ nữ khác làm được. Còn có đánh ghen cũng bình thường thôi. Còn được hay mất thì trong phim chồng Dung rất yêu người yêu cũ nên việc Dung có xử lý thế nào thì cũng không thay đổi được thực tế đấy.
|
Không lệ thuộc vào đàn ông
* Theo bạn, nếu có người thứ ba xen vào hôn nhân thì cách xử lý khôn ngoan của các bà vợ với “tiểu tam” là gì? Trên mạng xã hội gần đây rất ồn ào với các clip đánh ghen của những bà vợ. Trong Trói buộc yêu thương cũng có cảnh Dung đánh ghen. Vậy cách xử lý này là khôn hay dại?
- Phương chưa đứng ở vai trò đó bao giờ nên nói thật Phương chưa biết trong hoàn cảnh đó mình sẽ xử lý như thế nào mới là khôn và các bà vợ làm gì để được xem là khôn ngoan. Nhưng Phương nghĩ lúc đấy sẽ nói chuyện rõ với chồng, xem anh ấy yêu ai, cần ai chứ còn xử lý “tiểu tam” là không cần thiết. Nếu người chồng thực sự không còn tình cảm với mình nữa thì chia tay là điều tất yếu. Còn “người thứ ba” cứ nhảy vào cố gắng chọc phá mà chồng mình không như vậy thì Phương cứ bơ thôi và họ cảm thấy nhục mà rời đi. Còn màn đánh ghen trong phim của Dung rất thú vị. Đó là nhân vật rất đáng yêu và với tính cách của Dung thì Dung sẽ làm như vậy cũng là bình thường. Còn bản thân Phương thì sẽ không đi đánh ghen.
|
* Đã kết hôn, làm vợ, làm mẹ cho bạn những trải nghiệm như thế nào cho các vai diễn gần đây?
- Thật ra khi lập gia đình, làm mẹ thì giúp Phương có cái nhìn sâu sắc, đồng cảm hơn và giúp cho Phương hóa thân các nhân vật đời và thực tế hơn. Trước đây nếu đóng vai Dung thì chắc Phương sẽ không làm được. Một vai đanh đá, chợ búa, bốp chát nhưng từ khi làm mẹ thì Phương hóa thân vào vai này rất ngọt. Và vai này giúp Phương “giải phóng” chính mình.
* Ông xã người ngoại quốc có góp ý hay hỗ trợ gì cho bạn trong công việc diễn xuất?
- Anh nhà Phương thì không hỗ trợ gì vì ảnh quan niệm đó là công việc của Phương thì Phương sẽ làm tốt nhất việc đó. Nhưng anh ấy luôn ủng hộ vợ và tán thưởng tất cả những gì mà Phương làm.
* Đóng nhiều vai nàng dâu, làm vợ, làm mẹ... Vậy theo Phương để giữ tổ ấm bình yên trong xã hội hiện đại nhiều cạm bẫy thì người phụ nữ phải thể hiện bản lĩnh như thế nào?
- Phụ nữ cần phải độc lập về tài chính, có ước mơ và nỗ lực học hỏi để hoàn thiện bản thân, không nên lệ thuộc vào đàn ông. Và điều quan trọng là biết yêu lấy chính mình, biết làm đẹp, lắng nghe và chia sẻ, đừng xét đoán, chỉ trích người đàn ông của mình. Nói chung là người phụ nữ nên tạo sức hấp dẫn và bản lĩnh riêng nếu muốn giữ được tổ ấm.
|
* Nàng dâu thời nay hình như có rất nhiều “chiêu trò” để đối phó với mẹ chồng. Họ không còn cam chịu, an phận nữa, bạn có thấy vậy không?
- Với văn hóa của Việt Nam thì con cái khi lập gia đình vẫn sống chung với bố mẹ cũng là điều tốt nhưng với sự phát triển của xã hội hiện nay thì sống riêng vẫn là xu hướng tốt nhất vì ai cũng cần có thời gian riêng. Ông bà, bố mẹ cũng thế. Khi sống chung, nàng dâu ngoài việc phải cố gắng đối phó với mẹ chồng còn mẹ chồng cũng phải cố gắng chăm sóc tốt nhất cho con cháu. Vô hình chung tạo áp lực cho cả hai bên và dễ gây ra những bất đồng. Nên Phương nghĩ gia đình trẻ có thể chọn sống riêng, sống gần nhà bố mẹ thì là lý tưởng nhất, thỉnh thoảng sang thăm nhau, sang chơi với cháu, không có áp lực gì. Hai thế hệ sẽ thấu hiểu nhau hơn.
|
Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!
Bình luận (0)