Lan tỏa khát vọng, lẽ sống thanh niên từ vở kịch 'Sống mãi tuổi mười bảy'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
29/11/2022 06:00 GMT+7

Tại buổi gặp mặt báo chí giới thiệu vở kịch Sống mãi tuổi mười bảy , công diễn dịp Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, ban tổ chức cho biết vở kịch sẽ truyền đi thông điệp về khát vọng, lẽ sống cho thanh niên.

Chiều 28.11, T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ VH-TT-DL và Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức gặp mặt báo chí giới thiệu vở kịch Sống mãi tuổi mười bảy. Chủ trì buổi gặp mặt có anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên VN; NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ; anh Nguyễn Thái An, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn.

Năm 2021, T.Ư Đoàn đã tổ chức lễ công bố mẫu tượng chân dung anh hùng Lý Tự Trọng

Phạm Đức

Lan tỏa tấm gương về người anh hùng Lý Tự Trọng

Chia sẻ tại buổi gặp, ông Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết vở kịch Sống mãi tuổi mười bảy là tác phẩm sân khấu đầu tiên của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Ngay từ khi ra đời, vở kịch đón nhận được tình cảm đặc biệt và sự yêu mến của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Vở kịch đoạt giải nhất Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980.

Các đoàn viên là học sinh tiêu biểu sinh hoạt tại tượng đài anh hùng Lý Tự Trọng

Nhật Nam

Vở kịch tái hiện những giai đoạn hoạt động cách mạng sôi nổi, niềm tin, khí phách quật cường, lòng yêu nước nồng nàn của anh hùng Lý Tự Trọng. Anh đã cống hiến và hy sinh trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Đoàn. Sống mãi tuổi mười bảy truyền đi thông điệp cho lớp lớp thế hệ trẻ VN học tập và noi theo tấm gương của anh hùng Lý Tự Trọng, mãi mãi đi theo con đường mà Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, xây dựng đất nước VN trường tồn, phồn vinh, hạnh phúc.

Anh Nguyễn Tường Lâm và đại diện ban tổ chức thông tin về vở kịch

Xuân Tùng

“Hiện tuổi trẻ có quá nhiều thứ để học, nhưng học để biết về lịch sử, quá khứ của dân tộc là sứ mệnh của tuổi trẻ, bởi có quá khứ mới có hiện tại, có hiện tại mới có tương lai”, ông Tiến nói về lý do dựng lại vở kịch sau 42 năm ra mắt. Ông Tiến cũng chia sẻ vở kịch không chỉ tái hiện lại chân dung của một người anh hùng mà tái hiện lại lịch sử dân tộc qua những câu chuyện kể gần gũi, chạm đến trái tim khán giả. “Khi dàn dựng vở kịch, chúng tôi tái hiện lại lịch sử gần 100 năm trước khi mà đất nước đang chìm trong ách thống trị của thực dân Pháp, khi mà đời sống nhân dân ta một cổ hai tròng, vô cùng cơ cực lầm than. Lúc dàn dựng và nói chuyện với nghệ sĩ trẻ, chúng tôi đã vỡ ra nhiều điều, rằng nếu không có độc lập, tự do thì chúng ta sẽ sống thế nào…”, ông Tiến chia sẻ.

Ông Tiến cũng cho biết anh hùng Lý Tự Trọng khi bị địch bắt, trong nhà tù thực dân đế quốc, kẻ thù sử dụng mọi hình thức tra tấn dã man, tàn khốc nhưng anh vẫn không một lời khai báo và bị kết án tử hình. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác…”.

Ông Tiến chia sẻ nhân vật lịch sử đã hơi xa so với các bạn trẻ nhưng bài học mà nhân vật mang tới là giá trị trường tồn. “Chúng tôi mong muốn khi tuổi trẻ được xem lại những gì mất mát đau thương mà những người cộng sản trẻ tuổi đã làm để quyết rửa mối thù mất nước thì họ sẽ lấy điện thoại ra tra xem Lý Tự Trọng là ai và sẽ lan tỏa được tấm gương về người anh hùng”, ông Tiến nói.

Thổi bùng ngọn lửa yêu nước

Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Tường Lâm cho biết qua vở diễn Sống mãi tuổi mười bảy, ban tổ chức mong muốn góp phần giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng, hun đúc lòng yêu nước, khát vọng cống hiến vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân cho thanh thiếu nhi thông qua nhân vật anh hùng Lý Tự Trọng. Từ đó, mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi sẽ rút ra cho mình những bài học về lòng yêu nước, yêu nhân dân, yêu chuộng hòa bình và tinh thần tự tôn dân tộc; bài học về tấm gương ham học hỏi, ham hiểu biết để đóng góp được nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho dân tộc; bài học về lòng can đảm, gan dạ, anh dũng và ý chí sắt đá của một chiến sĩ cộng sản chân chính…

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về thông điệp của vở kịch có phù hợp với thế hệ gen Z không, anh Nguyễn Thái An cho biết vở kịch muốn truyền đi thông điệp đó là khát vọng cống hiến của tuổi trẻ.

“Khát vọng của anh hùng Lý Tự Trọng là đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, còn khát vọng của thế hệ trẻ ngày nay là học tập, lao động để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Khi mới xây dựng vở kịch, chúng tôi cũng băn khoăn về điều đó nhưng khi xem xong thì chúng tôi nhận thấy nó tiếp cận đến trái tim khán giả và khơi dậy khát vọng của thanh niên. Bởi chúng tôi tin rằng thanh niên VN ai cũng có lòng yêu nước nên khi được xem lại lịch sử và chân dung về người anh hùng Lý Tự Trọng, sẽ thổi bùng ngọn lửa yêu nước của thanh niên”, anh Thái An khẳng định.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn cũng cho biết vào 20 giờ ngày 13 và 14.12 tới, tại Nhà hát Tuổi trẻ, gần 1.000 đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII sẽ được thưởng thức vở kịch này. Ngoài ra, để góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến của anh hùng Lý Tự Trọng thông qua vở kịch, trong thời gian tới, Ban Bí thư T.Ư Đoàn phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức công diễn vở kịch tại nhiều địa phương, địa bàn trên cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.