Lan tỏa thông điệp 'Chung tay vì sự sống'

Trần Thanh
Trần Thanh
19/10/2018 07:59 GMT+7

“Một ngày nào đó nếu không may chết não, qua đời, ước mong khi trở về cát bụi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thắp sáng sự sống , viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác”, GS - TS Trịnh Hồng Sơn nói.

Đó là những chia sẻ của GS - TS Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tại chương trình “Chung tay vì sự sống 2018” do Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cùng với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức chiều 18.10, tại Ninh Bình.
Theo GS - TS Trịnh Hồng Sơn, lĩnh vực ghép tạng đã có nhiều thành tựu với gần 4.000 ca ghép thành công, trong đó ghép gan hơn 128 ca. Vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã thành lập Ngân hàng mô để lưu trữ những bộ phận khác để ghép cho người bệnh. Vì thế, GS Trịnh Hồng Sơn muốn chuyển tải thông điệp “Cho đi là còn mãi”, kêu gọi mọi người cùng tham gia hiến tặng mô, tạng sau khi chết hoặc chết não.
“Một ngày nào đó nếu không may chết não, qua đời, ước mong khi trở về cát bụi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thắp sáng sự sống, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác”, GS - TS Trịnh Hồng Sơn nói.
GS - TS Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức Ảnh Trần Thanh
Hoạt động này nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng chung tay làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn khi có nhiều người được cứu sống bằng cách đăng ký hiến tặng mô/tạng. Hiện, Ninh Bình là tỉnh đứng đầu toàn quốc về hiến mô tạng, hiến bộ phận cơ thể người. 
“Mới đây, có ca chờ ghép vì hoại tử hết ruột, cần phải ghép ruột nhưng không tìm được người nào cho. Ngân hàng mô đã ra đời ở Bệnh viện Việt Đức, để khi có người chết não hiến tạng thì ngoài những tạng cần ghép ngay, ngân hàng này sẽ lưu trữ những bộ phận khác như gân, van tim, xương, ruột… Mô hình này sẽ góp phần cứu sống nhiều người bệnh”, GS - TS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.
GS - TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, cho biết năm 2017 có số lượng ghép tạng nhiều nhất với 673 ca. Đến nay đã có 82 người chết hiến tạng, trung bình mỗi năm có 10 người. Nếu tính theo tỷ lệ dân số thì 1 triệu người dân mới có 0,11 người hiến tạng khi chết. Trong khi đó, tại Úc là 20,7 lần (gấp 200 lần) và ở Mỹ là 31,6 lần (gấp gần 300 lần).
“Thiếu tạng ghép cũng là một cản trở lớn cho sự phát triển ghép tạng Việt Nam. Thiếu tạng ghép còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp của xã hội như nạn buôn bán tạng, buôn bán người”, GS Khánh nói.
Theo GS Khánh, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đóng vai trò quan trọng trong mắt xích ghép tạng. Trong các mốc phát triển ghép tạng thế giới, điều phối là một trong các mốc tạo bước ngoặt cho sự phát triển của ghép tạng, được đánh giá như sự ra đời của tiêu chuẩn chết não, các thuốc ức chế miễn dịch. Một người hiến tạng chết có thể cứu được bao nhiêu người là phụ thuộc vào trung tâm điều phối.
Trong 5 năm qua, trung tâm đã thực hiện điều phối mô, tạng cứu sống được nhiều người bệnh hiểm nghèo. Trong công tác điều phối, đã có nhiều trường hợp tạo nên và lan tỏa ý nghĩa nhân văn rất lớn cho cộng đồng, như trường hợp hiến giác mạc của bé Hải Anh.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cũng công bố Quyết định của Bộ Y tế về việc tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân” cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Khiêm, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, Thái Bình; T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo” cho thiếu tá Lê Hải Ninh vì đã hiến tạng cứu sống nhiều bệnh nhân.
Tại chương trình còn có cuộc giao lưu với những gia đình có người hiến tặng mô tạng, đại diện là gia đình bé Vân Nhi, gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình ông Nguyễn Ngọc Khiêm.
Cuộc giao lưu với những gia đình có người hiến tặng mô tạng, đại diện là gia đình bé Vân Nhi, gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình ông Nguyễn Ngọc Khiêm Ảnh Trần Thanh
Bố của thiếu tá Lê Hải Ninh cho biết, quan niệm về chết toàn thây vẫn còn nặng nề, nhưng gia đình vẫn quyết định hiến tạng để cứu sống nhiều bệnh nhân. Mẹ ông Nguyễn Ngọc Khiêm cũng chia sẻ gia đình bà rất hạnh phúc khi đã góp phần cứu được 6 người và được thấy những người bệnh đã khỏe mạnh.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, cho biết Hội Chữ thập đỏ tỉnh luôn hỗ trợ, đồng hành cùng công tác vận động tình nguyện hiến tặng mô, tạng. Trong ngày 18.10, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức đoàn xe 200 người cổ động, mang thông điệp hiến tặng mô tạng tới từng con phố, từng người dân thành phố Ninh Bình để lan tỏa thông điệp “Hãy đăng ký hiến tặng mô tạng để sự sống được nối dài” tới những người dân thành phố Ninh Bình.
Hội chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức đoàn xe 200 người cổ động, mang thông điệp hiến tặng mô tạng tới từng con phố, từng người dân thành phố Ninh Bình để lan tỏa thông điệp “Hãy đăng ký hiến tặng mô tạng để sự sống được nối dài” tới những người dân thành phố Ảnh Trần Thanh
Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã có 15.000 người đăng ký hiến tạng, trong đó có 281 hiến giác mạc, 1 người hiến tạng, đặc biệt là tấm gương thiếu tá Lê Hải Ninh không may qua đời vì chết não đã được gia đình đồng ý hiến tạng, cứu sống được nhiều người khác, tạo nên kỳ tích ca ghép phổi đầu tiên cho một bệnh nhân tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.