Lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường trong cộng đồng

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
24/05/2020 13:23 GMT+7

Việc phân loại rác thải tại nguồn chưa được nhiều người quan tâm, tình trạng ô nhiễm môi trường đáng lo ngại. Điều này đòi hỏi mỗi cá nhân phải có trách nhiệm chung tay hành động để bảo vệ môi trường.

Phân loại rác thải tại nguồn giúp giảm chi phí xử lý, giảm ô nhiễm môi trường

Sáng 23.5, có 70 sinh viên thuộc Khoa Báo chí – Truyền thông (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) do TS Huỳnh Văn Thông hướng dẫn đến tham dự chương trình truyền thông cộng đồng về tái chế chất thải và bảo vệ môi trường dành cho HS-SV tại Nhà máy xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh (khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, H.Bình Chánh).

Sinh viên lập dự án truyền thông “rác cũng cần đối xử tử tế”

Tại đây, các chuyên gia chia sẻ cho sinh viên về thực tế xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn TP; quá trình xử lý – tái chế chất thải thành các sản phẩm hữu ích (như đất sạch, phân bón hữu cơ); quy trình, công nghệ xử lý chất thải... Sau đó, sinh viên tham quan tìm hiểu thực tế việc xử lý chất thải từ khâu tiếp nhận đến tái chế thành phẩm.
Tại chương trình, ông Hoàng Giáng Sinh – đại diện nhà máy trên, cho hay: “Hiện nhà máy tiếp nhận hơn 770 tấn bùn thải/ngày. Trách nhiệm của chúng tôi là giải quyết, xử lý nguồn thải làm sao cho tốt nhất, nhưng về lâu về dài phải quan tâm đến gốc của vấn đề rác thải là phân loại rác thải tại nguồn. Ở Việt Nam, việc phân loại rác thải tại nguồn chưa được nhiều người quan tâm, chưa hiệu quả, gây rất nhiều khó khăn cho việc xử lý”.

Tại TP.HCM nhiều người dân vẫn xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường

ẢNH: BÍCH NGÂN

Hiện nay, hằng ngày tại TP.HCM có gần 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tốc độ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt là khoảng 1kg/ người/ ngày và con số này tiếp tục tăng lên theo dự báo. Phân loại rác thải tại nguồn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Tuy nhiên, phân loại rác thải tại nguồn chưa được nhiều người dân hiểu, quan tâm; nếu có phân loại rác cũng bị xe thu gom dồn chung lại.
Trước thực trạng đó, các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành cùng người trẻ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, đặc biệt là về phân loại rác thải tại nguồn, tái chế chất thải...

Các sinh viên báo chí nghe chuyên gia nói về quy trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

“Nếu cộng đồng được nâng cao nhận thức, kiến thức về phân loại rác tại nguồn thì câu chuyện rác thải trong tương lai sẽ thay đổi lớn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn chia sẻ kiến thức cho giới trẻ để họ tiếp bước, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường”, ông Sinh chia sẻ.
TS. Huỳnh Văn Thông kỳ vọng qua chương trình, sinh viên sẽ vận dụng trải nghiệm tại nhà máy và kiến thức truyền thông được học ở trường… để hành động thiết thực và hữu ích cho môi trường thành phố. “Việc hành xử với chất thải của người Việt Nam chưa tốt. Nếu mỗi công dân được chỉ dẫn về cách hành xử, chúng ta có rất nhiều thuận lợi để gìn giữ môi trường”, TS Huỳnh Văn Thông nói.

Trách nhiệm của mỗi cá nhân với môi trường

Hiện dự án “TRASH NOT TRASH” (tạm dịch: rác không phải là rác – PV) do nhóm sinh viên đến từ nhiều trường thuộc khối Đại học Quốc gia TP.HCM, gồm: Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc tế… chung tay thực hiện - nhằm lan tỏa đến giới trẻ và cộng đồng về ý thức phân loại rác thải tại nguồn, bảo vệ môi trường...
Bạn Khưu Kim Quyên – một trong những sáng lập viên dự án, cho hay: “Chúng em đã thành lập dự án này 3 tháng nay nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hy vọng là điểm hẹn để các bạn giao lưu, học hỏi lẫn nhau trước vấn đề rác thải. Chúng em sẽ cố gắng tổ chức nhiều cuộc thi sáng kiến ý tưởng tái chế rác thải để lan tỏa kiến thức sống xanh đến giới trẻ và góp một phần trách nhiệm của mình với môi trường”.

Chuyên gia chia sẻ với sinh viên báo chí tầm quan trọng của phân loại rác thải tại nguồn, bảo vệ môi trường...

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Ông Hoàng Giáng Sinh cho hay "Với dự án nói trên của các bạn sinh viên, chúng tôi hy vọng sẽ hình thành một kênh có thể vận động ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người”.
“Qua chương trình thực tiễn này, tôi kỳ vọng các em sẽ tiếp thu nhiều kiến thức về môi trường, vận dụng những kiến thức đã học ở trường để tuyên truyền, truyền cảm hứng tốt cho giới trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung hành động hữu ích vì môi trường”, TS Huỳnh Văn Thông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.